27/11/2022 - 12:35

Tiềm năng của phim hoạt hình Đông Nam Á 

BẢO LAM
(Tổng hợp từ The Post, Animenewsnetwork, Giiresearch)

 

Ngành công nghiệp điện ảnh khu vực Ðông Nam Á đang phát triển khả quan, nhất là ở lĩnh vực phim hoạt hình. Không chỉ trở thành thị trường giàu tiềm năng, nơi đây còn có nhiều chính sách hỗ trợ, đầu tư sản xuất phim hoạt hình.

Ðông Nam Á đang được đánh giá là thị trường trẻ, còn nhiều tiềm năng phát triển ngành công nghiệp hoạt hình. Tại khu vực đang diễn ra nhiều hoạt động đầu tư sôi động với những định hướng rõ ràng.

Toei Animation, công ty chuyên về phim hoạt hình danh tiếng ở Nhật, đã có một chi nhánh Toei Animation Philippines với mục đích sử dụng nguồn lao động ở nước sở tại để phục vụ cho các dự án của công ty. Toei Animation Philippines từng tham gia hỗ trợ sản xuất các phim hoạt hình nổi tiếng của Disney: “The Legend of Tarzan”, “Kim Possible” (ảnh), “Hercules”… Ðiều này cũng cho thấy tiềm năng nhân lực cho ngành công nghiệp hoạt hình ở Philippines. Vì thế, chính phủ Philippines đã đầu tư và tạo điều kiện cho hàng loạt những dự án đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực hoạt hình. Ủy ban Giáo dục Ðại học (CHED), Bộ Giáo dục (DepEd), Cơ quan Giáo dục Kỹ thuật và Phát triển Kỹ năng (TESDA) đã có những chương trình quy định tiêu chuẩn với các khóa học hoạt hình kéo dài trong hai năm, cũng như các khóa đào tạo chuyên môn sâu. Bên cạnh đó, Philippines cũng đẩy mạnh hợp tác quốc tế để trao đổi và học tập kinh nghiệm, nhằm đảm bảo đầu ra cho nhân sự và các dự án phim. Theo đó, nhân sự trong ngành công nghiệp hoạt hình của Philippines đã tăng từ 3-6 lần, hiện ước có khoảng từ 10.000-20.000 người.

Malaysia cũng cho thấy tiềm năng trong sản xuất phim hoạt hình và đã không ngừng đầu tư. Cụ thể, Malaysia cho phép nhiều trường đại học đa phương tiện ra đời, chú trọng đào tạo về công nghệ, đồng thời tổ chức nhiều cuộc thi sáng tạo nội dung. Chính phủ Malaysia đã thành lập Tổng công ty Kinh tế Kỹ thuật số Malaysia (MDEC), nhằm quản lý các giai đoạn khác nhau của quá trình sáng tạo, bao gồm phát triển, sản xuất, cấp phép và đưa ra thị trường. Các khoản tài trợ dao động từ 72.150 USD đến 1.200.000 USD, tùy thuộc vào hạng mục. Mức tài trợ ban đầu có thể lên đến 90%, tuy nhiên hiện nay con số này đã giảm xuống 40% do các nhà sản xuất và đài truyền hình đã dần tự tin hơn trong việc đầu tư vào phim hoạt hình. Mặt khác, chính phủ cũng tạo mọi điều kiện để các nhà đầu tư quốc tế với các thủ tục được đơn giản hóa. Vì vậy nhiều nhà đầu tư quốc tế đã chọn Malaysia để kết nối đầu tư, sản xuất các dự án phim hoạt hình. Cụ thể như công ty sản xuất Nhật Bản OLM đã quyết định mở vốn đầu tư cho các dự án ở Cyberjaya - thành phố khoa học của Malaysia.

Campuchia cũng đang tạo mọi điều kiện để các dự án hoạt hình từ Mỹ sản xuất tại đây. “Joe and Jack”, “The Neighbours”… từng sản xuất rất thành công ở Campuchia và cũng mở ra nhiều dự án mới được thực hiện tại nước này.

Về nội dung, dù các sản phẩm được đầu tư từ quốc tế nhưng các quốc gia Ðông Nam Á vẫn giữ chất văn hóa bản địa để tạo nét riêng. Như loạt phim “Upin & Ipin” do Les ‘Copaque Production sản xuất vẫn mang nét văn hóa của Malaysia. Hay tác phẩm “Little Yak” của hãng Sil Animation Studio cũng có cảm hứng từ sinh vật thần thoại trong văn hóa dân gian Campuchia.

Ngành hoạt hình ở Ðông Nam Á đang phát triển khi có sự đầu tư và định hướng phù hợp về nhân lực, cũng như các chính sách hỗ trợ cho quá trình hợp tác sản xuất.

Chia sẻ bài viết