14/02/2011 - 13:59

HUYỆN THỚI LAI

Tích cực tuyên truyền, vận động, giúp nông dân nâng cao thu nhập

Các cán bộ thị trấn Thới Lai (thứ 1 và 2 từ bên trái sang), huyện Thới Lai thăm hỏi tình hình sản xuất của bà con.

Là huyện thuần nông, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể ở huyện Thới Lai đã tích cực tuyên truyền, vận động, triển khai nhiều giải pháp để giúp nông dân nâng cao giá trị sản xuất trên cùng diện tích. Nhờ đó, ngày càng có nhiều nông hộ đã thành công trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, vươn lên khá, giàu...

Kết thúc vụ hoa Tết vừa qua, gia đình chị Nguyễn Thị Sáu, ở ấp Trường Trung, xã Trường Thành, huyện Thới Lai, bán hơn 700 giỏ hoa vạn thọ, trừ chi phí còn lời hơn 4 triệu đồng. Chị Sáu nói:”Làm nghề này phải chịu khó, nắm vững kỹ thuật để xử lý cho hoa ra đúng vụ, tưới phân, nước sao cho hợp lý... mới thành công. Trồng hoa lợi nhuận khá cao, không chiếm diện tích đất nhiều như làm lúa”. Nhờ có kinh nghiệm trồng hoa lâu năm mà liên tục nhiều năm, chị Sáu đều “thắng” trong các vụ hoa Tết. Chị cũng tận tình truyền đạt kỹ thuật và kinh nghiệm cho nhiều bà con trong ấp thực hiện thành công mô hình trồng hoa kiểng.

Theo nhiều nông hộ trong ấp, trước đây do diện tích đất canh tác ít, đa số nông dân, nhất là phụ nữ, phải làm thuê kiếm sống. Trước tình hình đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, ấp đã tuyên truyền, vận động chị em tận dụng đất quanh nhà để ươm, trồng các loại cây, hoa giống. Chị Nguyễn Thị Sáu, Chi Hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp, cho biết: “Lúc đầu vận động chị em tham gia thực hiện mô hình này cũng nhiều khó khăn, vì đa số chị em đều nghèo, thiếu vốn sản xuất”. Hội Phụ nữ xã đã giới thiệu cho chị em vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội từ 3 - 5 triệu đồng/hộ để mua hạt giống, tre, trúc làm vĩ, thực hiện mô hình. Theo chị Sáu, tìm được mô hình thích hợp, hỗ trợ vốn thôi chưa đủ, những người vận động cũng tích cực xây dựng mô hình mẫu để mọi người thấy được hiệu quả thực tế mà mạnh dạn làm theo. 3 năm qua, hiệu quả kinh tế mang lại từ mô hình sản xuất này đã thu hút ngày càng đông hội viên tham gia CLB Ươm cây giống ấp Trường Trung, nâng từ 18 thành viên lên 36 thành viên. Chị Trần Thị Sậu, ấp Trường Trung, kể: “Tham gia CLB Ươm cây giống, tôi được hỗ trợ vốn và hướng dẫn kỹ thuật rất tận tình. Năm vừa rồi, với 1.000 giỏ hoa vạn thọ, vợ chồng tôi lời được hơn 6 triệu đồng. Từ khi chuyển sang mô hình này, mỗi tháng gia đình tôi tăng thêm thu nhập khoảng 5 triệu đồng”.

Thị trấn Thới Lai cũng là nơi có nhiều hộ xây dựng mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng đạt hiệu quả cao. Theo ông Võ Văn Nhỏ, Trưởng Khối Dân vận thị trấn Thới Lai, trước đây bà con quen với tập quán độc canh cây lúa nên hiệu quả kinh tế thu được không cao. Để tăng thu nhập trên diện tích đất sản xuất, Đảng ủy, chính quyền, các đoàn thể thị trấn đã vận động bà con áp dụng những mô hình mang hiệu quả kinh tế cao. Qua những lần tham quan, học tập kinh nghiệm, ban đầu có 2 hộ ở ấp Thới Phong A áp dụng mô hình trồng dưa hấu, mè đạt hiệu quả khá cao. Sau đó, mô hình được nhân rộng trên diện tích hơn 17ha với 12 hộ tham gia. Năm 2010 vừa qua, lợi nhuận bình quân 1 vụ mè được hơn 15 triệu đồng/ha, tăng gấp 2,5 lần so với trồng 1 vụ lúa; còn lợi nhuận từ 2 vụ dưa hấu đạt hơn 84 triệu đồng/ha, tăng gấp 4 lần/ 2 vụ lúa. Anh Nguyễn Thanh Châu, ấp Thới Phong A, phấn khởi nói: “ Nhờ được các cán bộ địa phương vận động chuyển 7.200 m2 làm lúa sang trồng dưa hấu mà cuộc sống gia đình tôi khấm khá hơn, thu nhập của gia đình mỗi năm từ dưa hấu hơn 100 triệu đồng. Còn ông Nguyễn Bé Tươi, ấp Thới Hiệp A, thị trấn Thới Lai cũng “linh động” trồng xen khoảng 300 gốc dừa xiêm trong 5 công vườn trồng vú sữa. Ông Tươi cho biết: “Sau khi được tham quan những mô hình sản xuất, tôi quyết định trồng xen dừa xiêm để lấy ngắn nuôi dài. Giống dừa xiêm này mau cho trái, bán được giá, cây thấp nên dễ thu hoạch. Tôi còn tận dụng các ao mương để thả cá chép, mè trắng, rô phi và thu lời khoảng 4 triệu đồng/năm”.

Để đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả phong trào, năm 2009, Huyện ủy Thới Lai đã ban hành Nghị quyết 06/NQ-HU về phát triển kinh tế hộ gia đình. Qua hơn 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, 13 ấp của 13 xã, thị trấn được chọn làm điểm chỉ đạo đã thực hiện cải tạo 153 ha vườn tạp, 164 ha diện tích ao mương nuôi cá... Một số xã thực hiện tốt Nghị quyết 06/NQ-HU, như: Xã Tân Thạnh với mô hình trồng vú sữa, mận, bắp, dưa hấu; xã Xuân Thắng với mô hình trồng ổi, chanh không hạt, sầu riêng; thị trấn Thới Lai với mô hình trồng dừa, dưa hấu, các loại hoa màu; xã Trường Xuân A với các mô hình nuôi cá, trồng bông súng trong mùa lũ; các xã Định Môn, Thới Thạnh, Trường Thắng, Xuân Thắng sử dụng mặt nước sông, ao mương nuôi cá lóc vèo, cá rô, ếch, trồng rau... Theo ông Nguyễn Văn Đen, cán bộ kỹ thuật của Trạm Khuyến nông huyện Thới Lai, Nghị quyết 06/NQ-HU bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình cho người dân nông thôn. Thời gian tới, huyện tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn tuyên truyền vận động nhân dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, cải tạo vườn tạp, quyết không để đất và mặt nước ao mương trống; đồng thời, tăng cường tổ chức tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ cây và con giống... để giúp các nông hộ ngày càng nâng cao thu nhập trên cùng một diện tích đất.

Nhờ đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, năm 2010 tăng trưởng kinh tế của huyện Thới Lai ở mức khá cao (11,25%). Phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, huyện Thới Lai đang tiếp tục ra sức vận động nhân dân xây dựng những mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, thực hiện mục tiêu ngày càng nâng cao thu nhập và cải thiện cuộc sống, khấm khá hơn cho nông dân.

Bài, ảnh: NHẬT MY

Chia sẻ bài viết