27/06/2011 - 15:22

Dự án Sáng kiến Cúm gia cầm và Đại dịch

Tích cực hỗ trợ phòng chống cúm gia cầm

Người dân, nhất là người chăn nuôi TP Cần Thơ ngày càng có ý thức hơn trong phòng, chống cúm gia cầm và cúm A trên người.

Đến nay, Dự án Sáng kiến Cúm gia cầm và Đại dịch (SKCGC&ĐD) đã triển khai thực hiện tại TP Cần Thơ được gần 2 năm và có nhiều hoạt động đã diễn ra nhằm nâng cao năng lực, ý thức phòng chống dịch cúm gia cầm (CGC) cho địa phương, ngành chức năng và người dân. Từ đó, cho thấy dự án này rất có ý nghĩa và đang góp phần ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm này xảy ra tại địa phương…

Dự án SKCGC&ĐD do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, được thực hiện trong 3 năm (từ tháng 10-2009 đến tháng 9-2012). Mục tiêu của dự án nhằm giúp nâng cao năng lực cho các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan và các đối tác trong việc phát hiện, phòng ngừa và kiểm soát sự bùng phát của dịch CGC trên cả động vật và người. Phạm vi thực hiện của dự án bao gồm cấp Trung ương và tại các tỉnh, thành trọng điểm như: Hà Nam, Hưng Yên, Quảng Trị, Kiên Giang và TP Cần Thơ. Trong năm 2011 và 2012, dự án còn có kế hoạch mở rộng phạm vi hoạt động ra một số tỉnh. Hoạt động của dự án này nằm trong 4 hợp phần kỹ thuật như: điều phối và chính sách ở cấp quốc gia, hoạt động y tế, hoạt động thú y và truyền thông thay đổi hành vi.

Tại TP Cần Thơ, dự án được triển khai thực hiện từ ngày 24-11-2009. Trong thời gian qua, dự án đã xây dựng và duy trì mô hình giám sát dịch dựa vào cộng đồng để giám sát CGC và các bệnh truyền nhiễm mới nổi; đánh giá, phổ biến và nhân rộng mô hình này... Dự án SKCGC&ĐD còn phối hợp với Cục Chăn nuôi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức các chuyến tham quan thực tế tình hình chăn nuôi, giết mổ gia cầm trên địa bàn TP Cần Thơ. Theo đó, đoàn đã đến một số cơ sở giết mổ gia cầm; một số điểm chăn nuôi, cơ sở ấp trứng... Qua tham quan thực tế này, thành viên tham gia Dự án SKCGC&ĐD có biện pháp nhằm hỗ trợ người chăn nuôi, cơ sở ấp trứng và giết mổ gia cầm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm CGC trong chuỗi cung ứng...

Riêng trong Hợp phần Truyền thông thay đổi hành vi ở năm thứ 2, Trung tâm Nghiên cứu sức khỏe gia đình và Phát triển cộng đồng (Cefacom) là đơn vị đã triển khai thực hiện hoạt động truyền thông tại 4 xã, phường điểm thuộc 4 quận, huyện của thành phố nằm trong dự án (xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ; phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt; xã Thạnh Quới, huyện Vĩnh Thạnh và xã Trường Xuân, huyện Thới Lai). Mục tiêu của chiến dịch truyền thông thay đổi hành vi là: cải thiện hành vi của các hộ chăn nuôi thương phẩm quy mô vừa và nhỏ, tác nhân khác trong các mắt xích ưu tiên của chuỗi cung ứng giết mổ, ấp nở, thu gom, buôn bán; nâng cao năng lực cho truyền thông viên về truyền thông thay đổi hành vi thông qua sử dụng bộ tranh lật; thu thập các bằng chứng và dữ liệu để điều chỉnh, thiết kế các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi cho những năm tiếp theo.

Để triển khai chiến dịch truyền thông, nhà thầu Cefacom đã phối hợp cùng Ban Điều phối dự án thành phố Cần Thơ tổ chức hội thảo về lập kế hoạch thực hiện các hoạt động truyền thông, với sự tham gia của 44 đại biểu - đại diện cơ quan tài trợ, các thành viên trong Ban điều phối dự án thành phố, đại diện lãnh đạo các quận, huyện và các xã, phường dự án. Qua đó, các đại biểu đã đánh giá cao sự hỗ trợ của dự án cho công tác truyền thông, đó chính là giải pháp hữu hiệu và bền vững, giúp cho người dân thay đổi hành vi. Ngoài ra, Dự án còn chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật để hỗ trợ Ban chỉ đạo truyền thông thay đổi hành vi tại 4 xã, phường tổ chức thành công các hoạt động tại cộng đồng như: mở một lớp tập huấn cho 24 truyền thông viên về kiến thức và kỹ năng sử dụng tranh lật để dẫn dắt một cuộc thảo luận nhóm, một lớp tập huấn kỹ năng điều hành và tổ chức sự kiện cộng đồng cho 16 cán bộ tuyến xã, phường.

Sau khi được trang bị đầy đủ về kiến thức và kỹ năng, các truyền thông viên đã trở về địa phương phối hợp cùng ban chỉ đạo các xã tổ chức 144 cuộc truyền thông nhóm nhỏ cho 48 nhóm đối tượng chăn nuôi gia cầm vừa và nhỏ về 3 hành vi cần thay đổi. Đó là: rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc gia cầm; chỉ mua bán gia cầm khỏe mạnh; báo cáo ngay cán bộ thú y và chính quyền địa phương khi phát hiện gia cầm bệnh hoặc chết bất thường và báo cáo ngay cho cán bộ y tế và chính quyền địa phương khi thấy người có dấu hiệu ho, sốt bất thường. Các buổi thảo luận nhóm tại cộng đồng được người dân tích cực hưởng ứng, thảo luận rất sôi nổi và thích thú khi được học bằng hình ảnh trực quan. Những người được trực tiếp tham gia thảo luận nhóm đều cam kết sẽ thực hiện 3 hành vi cần thay đổi để phòng chống dịch CGC. Sau thảo luận nhóm, các truyền thông viên đã đi thăm các hộ gia đình trong khu vực mình phụ trách, để thăm hỏi, trao đổi và quan sát về sự thay đổi. Kết quả là hành vi rửa tay sau khi tiếp xúc với gia cầm được bà con thực hiện ngay và thực hiện thường xuyên...

Ngoài ra, trong chiến dịch truyền thông thay đổi hành vi năm thứ 2, còn có đêm văn nghệ sự kiện cộng đồng với Chủ đề “Gia cầm khỏe - lợi nhà - ích dân” được tổ chức tại tất cả 4 xã, phường dự án, thu hút tới 300-400 người tham dự trong mỗi đêm diễn. Thông qua các đêm văn nghệ sự kiện cộng đồng, người xem sẽ hiểu rõ hơn về sự nguy hại khi không thực hiện nghiêm ngặt các hành vi an toàn trong chăn nuôi, mua bán và giết mổ gia cầm.

Chiến dịch truyền thông thay đổi hành vi tuy diễn ra trong thời gian ngắn, từ tháng 4 đến tháng 6-2011, nhưng đã đạt được những kết quả đáng khích lệ và đã được các cấp chính quyền địa phương đánh giá cao. Dự kiến, ngày mai (28-6), Ban Điều phối dự án thành phố Cần Thơ và nhà thầu Cefacom sẽ tổ chức Hội thảo tổng kết Chuyến dịch truyền thông thay đổi hành vi năm thứ 2 và có kế hoạch triển khai các hoạt động tiếp theo trong thời gian tới...

Bài, ảnh: ANH KHOA

Chia sẻ bài viết