08/09/2015 - 20:34

Tích cực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh

Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh là nội dung có ý nghĩa quyết định đối với phát triển kinh tế - xã hội. TP Cần Thơ xem đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của hệ thống chính trị. Những hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh theo Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12-3-2015 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2015-2016 (gọi tắt là Nghị quyết số 19) của thành phố thời gian qua đã mang lại những kết quả tích cực.

Kết quả bước đầu

Cụ thể hóa Nghị quyết số 19, ngày 28-5-2015, UBND TP cần Thơ đã ban hành Kế hoạch số 63/KH-UBND triển khai thực hiện Nghị quyết số 19 gắn với thực hiện nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của thành phố. Trong đó, tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2015 và những năm tiếp theo. Đồng thời xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, công khai, minh bạch, phấn đấu TP Cần Thơ được đánh giá là "Nhóm địa phương có chất lượng điều hành tốt". UBND thành phố đã xác định 9 nhiệm vụ và 62 nội dung công việc giao các sở, ban ngành và UBND các quận, huyện triển khai thực hiện. Trong đó, xác định rõ cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, nhiệm vụ và tiến độ thực hiện. Đến nay, có 19/36 cơ quan đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện theo yêu cầu. Thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với cơ cấu lại nền kinh tế; đổi mới mô hình tăng tưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh, phấn đấu cải thiện điểm số và vị trí xếp hạng về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh. Bảo đảm các loại thị trường hàng hóa, lao động, bất động sản, khoa học công nghệ… vận hành đầy đủ, thông suốt và ngày càng trở thành yếu tố quyết định trong huy động và phân bổ các nguồn lực cho phát triển.

Cán bộ Cục Thuế TP Cần Thơ hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các thủ tục về thuế.

Với sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong thực hiện Nghị quyết số 19 và Kế hoạch số 63 của UBND thành phố bước đầu đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận. Việc thực hiện mô hình "Một cửa liên thông" trên địa bàn thành phố mang lại những hiệu quả tích cực. Thời gian đăng ký thành lập, thay đổi đăng ký DN rút ngắn từ 5 ngày còn 3 ngày làm việc; thủ tục giải thể DN đơn giản hóa thời gian quy trình thực hiện từ 7 ngày còn 5 ngày; rút ngắn thời gian "khởi sự DN" và "chi phí gia nhập thị trường"; 100% hồ sơ đăng ký DN được số hóa và lưu tại Cơ sở dữ liệu quốc gia theo quy định. Trong lĩnh vực đất đai thời gian thực hiện thủ tục hành chính giao đất, cho thuê đất từ 20 ngày rút ngắn còn 17 ngày; chuyển mục đích sử dụng đất từ 25 ngày giảm còn 17 ngày... Thời gian qua, ngành thuế thành phố đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác quản lý thuế. Qua đó rút ngắn quy trình xử lý, giảm thời gian thực hiện thủ tục nộp thuế; phấn đấu đến cuối năm 2015 rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính thuế bằng với mức trung bình của nhóm nước ASEAN-6 là 121,5 giờ/năm. Đồng thời, triển khai 100% DN do ngành thuế quản lý thực hiện kê khai thuế qua mạng; tổ chức tuyên truyền các DN tham gia nộp thuế điện tử… Thành phố có 19/19 sở, ban ngành, 9/9 quận, huyện và 85/85 xã, phường, thị trấn ứng dụng công nghệ thông tin vào Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Công tác tăng cường hỗ trợ DN đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng, sở hữu trí tuệ và năng lực cạnh tranh thực hiện đồng bộ. Các thông tin, tuyên truyền đẩy mạnh giúp DN nắm vững chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước… Trong 6 tháng đầu năm 2015 Tổ Hỗ trợ DN đã hỗ trợ cho 5 DN thực hiện giải pháp tiết kiệm năng lượng; 7 DN được kiểm toán năng lượng nhằm đánh giá hiệu quả giảm chi phí; thẩm định và cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho 23 đơn vị sản xuất kinh doanh; vận động DN tham gia hội chợ…

Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh

Trong quá trình hội nhập quốc tế, cải cách hành chính là một trong những mục tiêu quan trọng góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư phát triển đất nước từ mọi nguồn lực. Do đó, các cơ quan trên địa bàn thành phố thời gian qua tích cực thực hiện rút ngắn thời gian tiếp cận cho DN. Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND thành phố, trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 19 vẫn còn những khó khăn nhất định. Chẳng hạn, một số cơ quan chưa ban hành kế hoạch, cụ thể hóa triển khai Nghị quyết số 19 và Kế hoạch số 63 của UBND thành phố. Một số Luật mới có hiệu lực thi hành, như: Luật Đầu tư 2014, Luật DN 2014, Luật Đất đai 2013 còn một số nội dung chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện gây khó khăn trong việc áp dụng… Để tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 19 và Kế hoạch số 63 của UBND thành phố, trên cơ sở khó khăn trong quá trình thực hiện, các đơn vị có những đề xuất nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho DN, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Theo ông Nguyễn Tấn Dược, Giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ, cơ chế Một cửa liên thông tại thành phố hiện nay là phù hợp, tuy nhiên các thủ tục hành chính trong đó cần xâu chuỗi hoặc thực hiện song song trong điều kiện có thể để không tiếp nhận và trả kết quả đơn lẻ mà tạo hợp thành một quy trình bao gồm các thủ tục chuẩn bị đầu tư với tên gọi là Cấp phép xây dựng cho phù hợp với định nghĩa của Ngân hàng Thế giới. Trong thành phần hồ sơ nộp xin phép xây dựng, ngoài phần bản thiết kế công trình, phần lớn các hồ sơ còn lại là sản phẩm, là kết quả thực hiện của các cơ quan quản lý nhà nước. Do đó, nếu có một cơ sở dữ liệu dùng chung các loại văn bản này, cơ quan cấp phép không cần thiết yêu cầu chủ đầu tư phải nộp, bổ sung; góp phần giảm thành phần hồ sơ, giảm việc sao y chứng thực. Ngoài ra, qua đầu mối một cửa liên thông, các cơ quan chuyên môn nên thực hiện song song các thủ tục chứ không chờ đợi dẫn đến chậm trễ.

Ông Nguyễn Văn Sử, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ, cho rằng: Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai tại địa phương và góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI của thành phố, đối với những dự án đang triển khai, tiếp tục hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi về thủ tục đất đai để nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án. Đồng thời, thành phố quan tâm tạo quỹ đất sạch, khi có nhà đầu tư vào thì có thể bắt tay ngay thực hiện dự án mà không phải thực hiện phương án thu hồi đất, bồi hoàn, giải tỏa, tái định cư. Kiện toàn tổ chức bộ máy Văn phòng Đăng ký một cấp.

Bà Nguyễn Thị Kiều Duyên, Phó Trưởng ban Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ, đề xuất: Cần Thơ cần có những quyết sách đủ tầm để thu hút đầu tư, phát triển các khu công nghiệp một cách hiệu quả nhất, ngang tầm với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Ngay từ bây giờ các cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút đầu tư cần được xem xét thực hiện. Chẳng hạn, giảm giá đất thô cho các đơn vị kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, đồng thời tăng tỷ lệ diện tích đất xây dựng công nghiệp lên từ 70-75% (hiện nay 65%). Như vậy, chi phí đầu tư để tạo ra 1m2 đất sạch (đất đã có hạ tầng) sẽ giảm và giá cho thuê lại đất của các đơn vị kinh doanh hạ tầng sẽ giảm. UBND thành phố kiến nghị với Chính phủ, bộ ngành Trung ương giảm thuế thu nhập DN cho các nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, không nên xem họ như nhà đầu tư kinh doanh bất động sản. Đồng thời, đưa Khu công nghiệp Cần Thơ vào địa bàn ưu đãi đầu tư và ưu đãi thuế thu nhập DN trong cho các DN trong Khu công nghiệp…

Bài, ảnh: T.TRINH

Chia sẻ bài viết