13/01/2011 - 16:25

Thuyền trưởng Đoàn Bình
20 năm với hành trình Thổ Chu

Suốt 20 năm làm thuyền viên, rồi thuyền trưởng tàu sắt KG 57, thuyền trưởng Đoàn Bình cùng đồng nghiệp đảm nhận nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa và hành khách từ cảng Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) ra Phú Quốc, rồi tiếp tục từ Phú Quốc ra đảo Thổ Chu (xã Thổ Châu). Anh đã chấp nhận hy sinh quyền lợi riêng tư để hoàn thành nhiệm vụ, vững tay lái đưa con tàu vượt sóng gió nối đất liền với đảo xa.

Năm 1990, sau khi tốt nghiệp trung cấp hàng hải, Đoàn Bình nhận nhiệm vụ thuyền viên tàu sắt KG 57, thuộc Xí nghiệp Sông biển Kiên Giang. Lúc ấy, con tàu của anh có nhiệm vụ vận chuyển hành khách từ đất liền ra đảo Phú Quốc và ngược lại. Đến năm 1992, UBND tỉnh Kiên Giang chọn tàu KG 57 thực hiện chuyến đầu tiên đưa 12 hộ dân với hơn 40 nhân khẩu ra đảo Thổ Chu mang theo biết bao niềm tin, hy vọng về tương lai tươi đẹp trên hòn đảo tiền tiêu... Xác định đây là một nhiệm vụ hết sức cao quý, mang dấu ấn khó phai, anh em thủy thủ trên tàu luôn động viên nhau cố gắng khắc phục khó khăn, gác lại tình riêng để hoàn thành nhiệm vụ. Cũng từ ngày đó, đến hẹn lại lên, cứ 7 ngày 1 chuyến (đến nay là 5 ngày một chuyến), tàu KG 57 âm thầm vận chuyển hành khách, hàng hóa ra đảo và ngược lại.

Sau 6 năm phấn đấu, rèn luyện, học hỏi kinh nghiệm đi biển, lập nhiều thành tích trong công tác, năm 1996, Đoàn Bình được kết nạp vào Đảng và nhận nhiệm vụ thuyền phó, rồi thuyền trưởng cho đến hôm nay. Tính từ chuyến tàu đầu tiên đưa 12 hộ dân ra sinh sống trên đảo Thổ Chu đến nay đã 19 năm và bao chuyến tàu “nối” đảo Thổ Chu với đất liền vẫn lặng lẽ, âm thầm. Hành trình từ Rạch Giá ra đảo từ 16 đến 17 giờ; từ Phú Quốc ra đảo 7 đến 8 giờ, tùy theo thời tiết, nhưng con tàu thường xuyên đối diện với sóng to, gió lớn. Mỗi chuyến có khoảng 20 đến 40 hành khách cùng một số hàng hóa phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của người dân trên đảo. Mọi chi phí, nhiên liệu cho tàu hoạt động do UBND tỉnh bao cấp; không thu phí cư dân xã đảo và bộ đội đi trên tàu.

Hiện nay, anh Đoàn Bình đã theo học và được cấp bằng thuyền trưởng hạng 3 (Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn dưới 500 GRT). Như vậy, anh có đủ điều kiện lái bất cứ tàu cao tốc nào đi ra đảo Phú Quốc hiện có tại Kiên Giang. Anh Đoàn Bình bộc bạch: “Có nhiều lần người thân và các chủ doanh nghiệp mời tôi về làm thuyền trưởng tàu cao tốc, lương cao gấp nhiều lần trên tàu sắt KG 57 nhưng tôi từ chối. Bởi tôi có rất nhiều kỷ niệm vui buồn trên mỗi chuyến tàu đến với đảo Thổ Chu xa xôi. Anh em thủy thủ trên tàu đã đồng cam, cộng khổ, cùng nhau vượt qua biết bao khó khăn, thậm chí là bất chấp nguy hiểm, lái tàu vượt qua giông bão. Và hơn thế nữa, là trách nhiệm cao cả của người cán bộ, đảng viên đã giúp tôi thêm nghị lực, tiếp tục chắc tay lái, điều khiển con tàu vững bước trên hành trình đến với xã đảo Thổ Châu”.

Trên chuyến tàu suốt cuộc hành trình hơn 80 hải lý, gần 8 giờ từ cảng Bãi Vòng (Phú Quốc) ra xã Thổ Châu, tôi có dịp chuyện trò cùng những người cán bộ làm nhiệm vụ trên tàu. Ai cũng có hoàn cảnh riêng, những kỷ niệm vui buồn. Riêng Đoàn Bình, anh kể cho tôi nghe một kỷ niệm đáng nhớ: “Cuối năm 2007, có đôi vợ chồng trẻ đưa nhau ra huyện Phú Quốc sinh con. Tàu chạy cách đảo chừng 30 hải lý, người đàn ông lên buồng lái yêu cầu thuyền trưởng cho tàu tăng tốc vì vợ anh sắp sinh. Dù đã cố gắng, nhưng vận tốc tàu không thể nhanh hơn được. Lần thứ hai, người đàn ông cho biết vợ anh có dấu hiệu sinh. Với vai trò thuyền trưởng, tôi khẩn trương chỉ đạo anh em mỗi người một việc: người nấu nước sôi sát trùng dao, kéo, kim để chuẩn bị cắt rốn; người chuẩn bị bông băng, áo quần, thau chậu đón cháu bé chào đời. Được sự giúp sức của các chị phụ nữ trên tàu, khoảng 20 phút mọi người đã đón một bé trai cất tiếng khóc chào đời ngay trên con tàu KG 57”.

Suốt 20 năm công tác trên tàu KG 57, năm nào anh Đoàn Bình cũng được lãnh đạo các cấp khen thưởng. Trong đó, có nhiều bằng khen, giấy khen đột xuất của tỉnh và của ngành. Khi tôi hỏi về ước mơ, dự định cho tương lai, Đoàn Bình trả lời: “Tàu KG 57 còn hoạt động thì tôi còn bám tàu, bám biển. Chỉ mong sao tỉnh có chính sách mới, nâng cấp tàu để rút ngắn thời gian ra đảo; cần có nhiều chính sách đầu tư phát triển du lịch, nâng cao đời sống bà con trên đảo...”.

Bài, ảnh: LÊ SEN

Chia sẻ bài viết