20/05/2010 - 19:15

Đọc “Phố của làng”

Thương sao hình bóng quê nhà!

Nguồn: sites.google.com

“Phố của làng” với 74 tản văn như đưa người đọc trở về với những vùng quê nơi miền sông nước Cửu Long. Từng bài viết gợi cho người đọc nỗi nhớ đến nao lòng về những kỷ niệm. Sách của nhà văn Dạ Ngân do NXB Thanh Niên và Phương Nam Book phát hành tháng 3 năm 2010.

Những nét sinh hoạt, nếp sống đặc trưng của cư dân ở những vùng quê miền Tây là sợi chỉ đỏ xuyên suốt các bài viết trong quyển tạp văn này. Nhà văn Dạ Ngân vốn xuất thân từ miệt vườn sông nước, đã tích cóp cho mình những vốn sống cần thiết của người miền Tây. Những phong tục, tập quán tưởng đã mai một, trôi vào dĩ vãng nhưng hiện lên từng trang viết lấp lánh cảm xúc, tạo cho người đọc cảm giác thật gần gũi, thân thương.

Những nỗi nhớ mà Dạ Ngân thể hiện làm lòng người đau đáu, nhất là những người gắn bó hoặc xuất thân từ những con kinh, rạch, những mảnh vườn, thửa ruộng xanh mát thương yêu. Nhớ làm sao tiếng kêu “vó đi” trong những đêm thanh vắng. Vó là một ngư cụ dùng đánh bắt cá, tôm của người dân Nam bộ. Ban ngày, việc canh chừng cất vó lên để người đi ghe xuồng qua lại là chuyện dễ. Về đêm, bốn bề tối mịt, người chủ vó phải treo đèn bão trên nóc vó để báo hiệu. Người đi lại khi thấy đèn thì dừng mái chèo, tóp máy mà gọi: “Vó đi!” và đợi trong chốc lát để người chủ kịp ra cất vó lên. Những hoạt động ấy đầy tình cảm qua ký ức của nhà văn: “Vó cất lên kẽo kẹt, tiếng kêu trong đêm sâu nghe rất buồn, như chiếc vó ấy cũng có tâm tư” (trang 15). Tác giả cũng không khỏi ngùi ngùi khi ngày càng có nhiều thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu thải xuống kinh, rạch, ghe xuồng qua lại ầm ĩ suốt ngày nên nghề đặt vó đang bị mai một dần.

Đặt chà là cách bắt cá tự nhiên, thân thuộc với môi trường và đầy sáng tạo của người dân sông nước miền Tây được miêu tả sinh động trong bài viết “Đi dỡ chà”. Theo thời gian, những đống chà dần dần không còn nữa, điều đó làm cho những người đã từng gắn bó với vùng sông nước “nhớ bâng khuâng”: “Nhớ tiếng reo hò sảng khoái của cánh đàn ông những trưa dỡ chà, nhớ những con cá đẹp và nức tiếng ngon, nhớ một thời vang bóng của làng quê, cái thời trên bờ chim kêu vượn hú, dưới sông cá lội ngời ngời, yên bình và giàu có biết bao...” (trang 96)...

Còn nhiều lắm những ký ức thật đẹp, những nét sinh hoạt chỉ dân miền Tây mới có, được Dạ Ngân thể hiện sinh động trong từng bài viết. Ẩn sau những trang viết giàu cảm xúc thấp thoáng nỗi xót xa, lo lắng trước xu thế đô thị hóa, chỉ mải mê phát triển kinh tế mà dường như đã lãng quên những giá trị văn hóa độc đáo, đặc thù của quê hương xứ sở, đánh mất đi bản sắc văn hóa vùng miền: “Tại sao đất vẫn xanh, sông vẫn nước, gió vẫn lộng, cây vẫn xanh mà làng quê lại không thanh thản và văn minh êm đềm nữa?” (trang bìa 4).

Bàng bạc trong các bài viết là dáng vấp của những con kinh, rạch với chiếc xuồng, cây dầm, cây cầu khỉ... được thể hiện với văn phong giản dị, trần tình. Từ ngữ sử dụng đậm dấu ấn Nam bộ và những miêu tả tinh tế về cảnh và tình ở những miền quê vùng sông nước Cửu Long khơi gợi cho người đọc những tình cảm trong sáng, không mải mai toan tính mà nhớ về thời thơ ấu đã xa. Hẳn nhiều người sẽ đồng cảm với suy nghĩ của tác giả: “Cái gì xa thì đã xa, chính vì vậy mà người ta luôn nhớ lại một cách dịu dàng, may mà mình có nhiều thứ để nhớ và khi còn biết nhớ thì cũng có nghĩa là mình vẫn còn một trái tim yếu mềm thương yêu, hoài cảm...” (trang 16).

Đăng Huỳnh

Chia sẻ bài viết