29/11/2018 - 08:46

Thương những dòng sông! 

Mới đây, trang Earthnworld, nơi chia sẻ về những danh thắng, cảnh đẹp tự nhiên trên thế giới đã bình chọn top 10 thành phố sông nước đẹp nhất thế giới, trong đó có TP Cần Thơ. Nhưng trước đó, năm 2016, TP Cần Thơ là địa phương duy nhất của Việt Nam nhận giải thưởng Cảnh quan châu Á - cuộc thi thường niên, dưới sự phối hợp của 4 tổ chức: Văn phòng Tổ chức định cư con người Liên Hiệp Quốc vùng châu Á - Thái Bình Dương, Ủy ban định cư châu Á, Tổ chức thiết kế phong cảnh châu Á và Trung tâm nghiên cứu đô thị Thành phố Fukuoka (Nhật Bản). Đây là niềm tự hào cho thủ phủ Tây Đô - thành phố trung tâm - “trái tim” của vùng ĐBSCL.

Một phần con rạch Cái Tắc (cầu Cái Tắc) trên đường Võ Nguyên Giáp bị san lấp để xây dựng 1 dự án khu dân cư tại khu Nam Cần Thơ.

Cần Thơ là 1 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, 1 trong 5 đô thị lớn nhất của Việt Nam. Thành phố có  vị trí địa lý trung tâm của vùng ĐBSCL, trong đó giao thông đường thủy có chiều dài lên tới hơn 1.157km. Sông Hậu là một trong hai phân lưu của sông Mekong, chạy dọc theo phía Bắc TP Cần Thơ. Giống như nhiều tỉnh thành miền Tây, TP Cần Thơ có nhiều kênh rạch chằng chịt, mang nét bình dị của miền Tây sông nước… TP Cần Thơ trong tiến trình đô thị hóa, đặc biệt trong khoảng 15 năm qua kể từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, tốc độ đô thị hóa thành phố nhanh chóng, xứng tầm là đô thị trung tâm của vùng ĐBSCL, trên nhiều phương diện như: Y tế, giáo dục, thương mại - dịch vụ, tài chính ngân hàng, khoa học công nghệ… Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, quá trình đô thị hóa đã gây ra nhiều hệ lụy, bất cập cần sớm chấn chỉnh, thậm chí cần có những công trình nghiên cứu chiều sâu để có phương án điều tiết hiệu quả hơn.

Trở lại với những vinh danh về TP Cần Thơ, chúng ta cần suy ngẫm và giữ gìn niềm tự hào này một cách trân trọng hơn! Những câu chuyện đã từng xảy ra như trường hợp vi phạm lấn chiếm sông Hậu của một doanh nghiệp ở Cồn Khương, chủ đầu tư vô tư xây dựng một cụm công trình khá kiên cố lấn chiếm mặt nước. Phần sàn này nằm hoàn toàn trên mặt sông Hậu, vị trí lấn chiếm ra xa nhất của công trình lên đến 8,4m, cách mặt nước bình quân khoảng 2m… Ở quận Bình Thủy, tại rạch Mù U, phường Long Hòa cũng xảy ra tình trạng tự tiện san lấp trái phép con rạch làm đường đi tại khu vực Bình Nhựt, phường Long Hòa để hình thành nên khu dân cư tự phát… như vậy những dòng sông, rạch uốn lượn tự nhiên của thành phố sẽ còn đâu nữa! Còn ở khu Nam Cần Thơ, quận Cái Răng, để hình thành khu đô thị mới khoảng 2.000ha như hôm nay, thành phố đã bỏ ra hàng trăm tỉ đồng xây dựng những cây cầu kiên cố thông tuyến đường Quang Trung - Cái Cui (tên cũ) nay là đường Võ Nguyên Giáp để các nhà đầu tư bất động sản khai thác quỹ đất 2 bên đường. Nhưng quá trình xây dựng dự án khu dân cư có không ít chủ đầu tư lấp cả những con kênh, con rạch mà trước đó thành phố đã bỏ ngân sách để xây cầu bắc qua những con rạch này(!). Như vậy, không những lãng phí tiền xây cầu mà còn lấp cả những con rạch mà lẽ ra nếu tồn tại sẽ tạo nên không gian sinh thái đẹp mắt, vừa giữ vai trò tiêu thoát nước, chống ngập nghẹt khi mưa lũ, vừa điều tiết khí hậu khi thời tiết khô hanh, oi bức…

Những câu chuyện, thực trạng đó là chuyện đã rồi, có cái chính quyền thành phố đang tập trung xử lý, khắc phục để trả lại hiện trạng, nhưng có những nơi như khu Nam Cần Thơ “chuyện xây cầu rồi lại lấp kênh” rất khó xử lý, vì những nơi bị lấp giờ đã trở thành khu phố, giá nhà, đất lên đến hàng tỉ đồng rồi, làm sao khắc phục trả lại hiện trạng cho được(!).

 Tự hào với những gì TP Cần Thơ đã đạt được, chúng ta cần suy ngẫm nhiều hơn, cần có trách nhiệm cao hơn với những gì thiên nhiên ban tặng, cảnh quan đô thị đang được tôn tạo mang đặc trưng đô thị sông nước, mỗi chúng ta phải có trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ - đó là việc cần làm ngay hơn bao giờ hết vào thời điểm này!

 Bài, ảnh: AN KHÁNH

Chia sẻ bài viết