19/01/2013 - 18:58

Thương lắm ghe hàng

"Tít… tít…tít…" - âm thanh phát ra từ chiếc ghe đang len lỏi trong con rạch nhỏ treo đủ thứ hàng hóa mà người dân vùng sông nước Cửu Long vẫn gọi là "ghe hàng" khiến tôi bỗng thấy nhớ. Kỷ niệm tuổi thơ gắn liền với chiếc ghe hàng dân dã, bình dị. Hiện nay khi ghe hàng dần lùi vào quá khứ, người ta lại mong một lần nào đó được kêu: "Ghe hàng!" để mua nước mắm, xà bông, tiêu, hành, tỏi, ớt…

Trong một lần về xã Giai Xuân, huyện Phong Điền tôi thấy một chiếc ghe hàng. Ngoắt ghe lại, mượn cớ mua vài gói mì tôm, tôi bắt chuyện với vợ chồng chủ ghe. Cuộc trò chuyện càng lúc càng thân, tôi đánh liều xin theo ghe hàng để tìm hiểu về nghề này. Vợ chồng anh chị vui vẻ đồng ý.

Chiếc ghe này là của vợ chồng anh Nguyễn Văn Lữ và chị Phạm Thị Hồng Điệp, ngụ ấp Thới An B, xã Giai Xuân. Đôi tay điệu nghệ cầm chiếc kèn nhỏ bóp "tít… tít…", chị Điệp kể cho tôi nghe về cái duyên với nghề ghe hàng. Anh chị vốn gốc nông dân, cha mẹ đều nghèo nên đời sống khá chật vật. Lập gia đình hơn năm thì ra riêng, đất ruộng ít mà anh em đông nên vợ chồng anh Lữ quyết định sắm chiếc ghe nhỏ để bán ghe hàng. Nhờ cần mẫn, không ngại nắng mưa, chèo khắp kinh cùng rạch tận để bán nên kinh tế gia đình tạm ổn. Khẽ khua mái dầm sau lái, anh Lữ kể về thời hơn chục năm trước, đường sá ở Giai Xuân chưa phát triển, việc đi lại của bà con trong kinh rạch rất khó khăn. Có lẽ vì vậy, ghe hàng của vợ chồng anh Lữ bán khá đắt hàng. Có ngày tiền lời hàng trăm ngàn đồng - đó là thu nhập thuộc loại hiếm ở một vùng nông thôn thời bấy giờ. Bây giờ, bà con dễ dàng đi chợ, ra tiệm tạp hóa để mua sắm, chuyện mua bán ở ghe hàng ế ẩm hơn nhiều. Tuy nhiên, vợ chồng anh Lữ vẫn chưa có ý định bỏ nghề. Anh Lữ tâm sự: "Nghề này đã giúp tôi nên nhà nên cửa, con cái học hành đàng hoàng. Dù bây giờ buôn bán khá chậm nhưng cũng đủ tiền cơm nước hằng ngày. Bỏ nghề buồn lắm!". Chị Điệp tâm sự rằng, từ ngày con gái út chập chững biết đi đến nay hơn một năm, chị phải ở nhà trông con nhưng hễ rảnh chị lại theo chồng lênh đênh trên sông nước. Chị nhớ tiếng kèn rao, nhớ tiếng cười giòn tan của cô Sáu mua đồ nấu chè ăn mừng vụ vú sữa trúng đậm, nhớ ánh mắt thơ ngây của đứa trẻ nghèo mua vài ba viên kẹo mà mừng đến reo lên… Đó là cái nợ, cái tình với sông nước, cái duyên với nghiệp ghe hàng.

Cách nhà chị Điệp vài cây số là nhà vợ chồng bà Trần Thị Mỹ Hiệp có thâm niên hành nghề ghe hàng gần 30 năm. Khi chúng tôi đến, ông Nguyễn Ngọc Tới – chồng bà Hiệp đang loay hoay châm xăng vào máy; bà Hiệp đang giở cơm để chuẩn bị đi bán. Ông bà cho biết khi con trai út được 10 tháng thì làm bạn với chiếc ghe hàng đến nay. Những con rạch: rạch Vong, rạch Ông Dìn, rạch Cai… đều đã quen thuộc với đôi vợ chồng đã bước qua tuổi lục tuần này. Họ có thể kể một cách rành mạch: khúc cua thứ nhất tới nhà ai, nhà cuối rạch Cai có con mới lấy vợ... Nhờ ghe hàng mà 4 người con ông bà đều trở thành kỹ sư. Khi xưa, cái nắng cái mưa bào mòn sức khỏe, có lắm vui buồn trong nghề nên ông bà cũng có ý định nghỉ nhưng rồi suy xét: "Nghỉ thì làm gì nuôi các con!". Giờ khi đã lớn tuổi, ông bà cũng có thời gian "treo ghe" nhưng rồi lại tiếp tục bổ đồ đi bán. Ông Tới hề hà: "Buồn, chịu không nổi!".

***

Nhiều nơi trên mảnh đất châu thổ Cửu Long này vẫn còn những chiếc ghe hàng xuôi ngược kinh rạch để bán hàng. Tiếng kèn "tít… tít…" mỗi buổi sớm mai vẫn là lời mời gọi chân tình và nền nã nhưng có sức hút đến lạ.

 Ghe hàng len lỏi tận từng con rạch sâu.

Trước đây, giao thông ở những vùng nông thôn ĐBSCL chủ yếu bằng ghe xuồng. Chẳng biết nghề ghe hàng xuất hiện từ khi nào nhưng những người lớn tuổi đều chắc mẩm một điều là xuất phát từ điều kiện đi lại, mua sắm tiêu dùng của bà con vất vả; thay vì buôn bán tạp hóa tại nhà, nhiều người mang xuống ghe, chèo bán cho bà con trong các kinh rạch xa chợ búa. Trên chiếc ghe có mui chưa đầy 5m2 ấy dường như không thiếu thứ gì từ nước mắm, dầu lửa, kim chỉ đến con khô, con mắm, thậm chí là quần áo, tập vở, cà phê đá… - như là "tiệm tạp hóa di động" trên sông. Trong quá trình buôn bán, người ta nghĩ ra một thứ âm thanh rao hàng rất đặc biệt là tiếng kèn: "tít… tít…" hay "toe… toe…". Cây bẹo ở chợ nổi và tiếng kèn ghe hàng là hai loại hình rao hàng độc đáo mà chỉ dân miền Tây Nam bộ mới có. Người mua hàng nghe tiếng kèn thì chạy xuống mé sông gọi: "Ghe hàng!". Cách giao tiếp ấy đã trở thành một thông lệ quen thuộc.

Chuyện buôn bán của bà con ghe hàng cũng thật chân chất, mộc mạc. Hầu như không có nói thách hay trả giá. Cuộc mua bán chen vào tiếng cười nói, hỏi thăm nhau. Những người bán ghe hàng lâu năm kể rằng: họ chẳng những quen thuộc đường đi nước bước ở những kinh rạch mà còn trở thành thân thiết với hết thảy mọi người. Người bán ghe hàng nắm rõ gia cảnh từng người, lối sống ra sao và cách tiêu xài như thế nào. Như ghe hàng của anh Lữ gần 20 năm xuôi ngược các con rạch Lò Rèn, Ba Dơi… nên có đám tiệc gì bà con cũng "hú" anh. Đang buổi nhậu gặp ghe hàng anh đi qua, những "chiến hữu" cũng thiệt dạ mời: "Neo ghe dưới bến đi, lên uống với tụi tui vài cốc, anh Lữ!". Sự chân thành không hoa mỹ ấy chẳng lòng nào từ chối nổi. Vậy là nên nghĩa, nên tình! Thứ tình mà khó có cuộc mua bán nào có được. Ông Tốt thì nhẩm tính với tôi như thế này: Gần 30 năm chạy máy, chèo ghe, hai bận đi về mỗi ngày non chục cây số, tính ra gần 110.000 cây số. Quãng đường ấy đủ để tạo nên những tình bạn, tình chòm xóm trân quý. Bởi vậy bữa nào bận việc không đi bán, hôm sau thế nào bà con gặp ông cũng hỏi: "Hôm qua sao nghỉ vậy chú Tốt. Có chuyện gì không?".

Ngoài mua bán bằng tiền mặt, những lúc thắt ngặt, chưa thu hoạch vụ mùa, người bán ghe hàng chẳng ngần ngại mà "bán chịu" cho bà con, khi nào có tiền thì trả mà vẫn vui vẻ. Cách đề nghị mua chịu cũng thật độc đáo: "Bữa nay ghi sổ nghe thiếm Sáu!". Và khi bán được củ khoai, giạ lúa thì bà con đón ghe hàng lại yêu cầu: "Cộng sổ coi thiếu bao nhiêu tui trả luôn!". Không biết từ đâu bà con đã "mua chịu" thì tự nhắc mình không mua hàng của ai khác, mà "ủng hộ" ghe hàng mình đã mua thiếu.

***

Tuổi thơ tôi gắn với sông nước miền Tây, gắn với mùi phèn nồng dậy, gắn với cái lọp cái lờ…; và dĩ nhiên, không thể thiếu tiếng còi "tít… tít…" của ghe hàng. Những bữa được cha mẹ cho 200 hay 500 đồng là trong lòng bồn chồn lắm, đợi ghe hàng tới để ngoắt mua vài cục đạn keo thi bắn cùng chúng bạn choai choai trong xóm hay mua bịch cốm 200 đồng có hình các nhân vật: Sa Tăng, Bát Giới, Ngộ Không… để đủ bộ sưu tập "Tây Du Ký". Những lúc dù không mua gì (vì không có tiền) nhưng thấy ai kêu ghe hàng cũng chạy lại coi, ngắm nhìn đồ đạc treo lủng lẳng trong ghe "thấy mà mê"!

Biết bao nhiêu là kỷ niệm với chiếc ghe hàng ở quê. Ghe hàng đã bán cho bao người những vật dụng, nhu yếu phẩm cần thiết cho gia đình; bán sợi chỉ vá lành chiếc áo rách; bán xị dầu thắp sáng mái lá quê; bán cuốn tập cho trẻ nhỏ đến trường… Với riêng tôi, ghe hàng đã bán rất nhiều kỷ niệm, êm đềm và trong trẻo, để dù đi đâu hình ảnh chiếc ghe hàng treo đủ hàng hóa cùng tiếng kèn rao là nỗi nhớ thiết tha.

Ngày nay khi nông thôn đồng bằng đã khởi sắc, đường sá thông thương, những chiếc ghe hàng cũng vắng dần, lùi vào quá khứ như đã "hoàn thành sứ mệnh lịch sử" của mình. Nhưng đâu đó vẫn còn những người nặng nợ với sông nước, nặng nợ với chiếc ghe nhỏ chở nặng ân tình.

Hình ảnh chiếc ghe hàng với mái chèo khua nhẹ nước sông quê, với lối mua bán thật thà, tình nghĩa đã tạo nên một nét sinh hoạt sông nước đặc trưng, rất đẹp ở Đồng bằng sông Cửu Long. Mai này có thể tiếng kèn "tít… tít…" phát ra từ những chiếc ghe ấy sẽ theo quá khứ tắt dần, nhưng sẽ vang mãi trong lòng những người hoài cổ.

Chia sẻ bài viết