24/12/2008 - 20:40

Thương hiệu cho hạt gạo ĐBSCL để nâng cao năng lực cạnh tranh

Người tiêu dùng chuộng mua gạo thương hiệu tại một điểm bán gạo của Công ty cồ phần Gentraco ở nội ô TP Cần Thơ.
Ảnh: ANH KHOA

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, năm 2008 lượng gạo xuất khẩu cả nước đã vượt qua 4,3 triệu tấn, trị giá hơn 2,5 tỉ USD (tăng hơn năm trước 1 tỉ USD). Đây là một trong những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh nhưng người làm ra hạt lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), góp 90% lượng gạo xuất khẩu cho đất nước, vẫn còn nhiều gian truân. Làm gì để tương lai hạt gạo của vùng đất Chín Rồng vừa tăng kim ngạch xuất khẩu, vừa tăng lợi nhuận cho người trồng lúa?

LAO ĐAO VÌ GIÁ LÚA GIẢM

Năm 2008, sản lượng lúa của ĐBSCL khoảng 20 triệu tấn, tăng hơn 1,6 triệu tấn so với năm trước. Theo các chuyên gia nông nghiệp, sản lượng lúa ĐBSCL năm 2008 tăng cao là do trúng mùa và do vụ lúa đông-xuân được giá đã thôi thúc nông dân mở rộng diện tích trồng lúa ở các vụ sau.

Bước vào vụ lúa đông-xuân 2007-2008, ĐBSCL lúa trúng mùa được giá. Đó là thời điểm thế giới khan hiếm lương thực đẩy giá gạo liên tục tăng cao. Đỉnh điểm là vào tháng 4 và 5-2008, giá gạo lên cao chưa từng có: 1.100-1.200 USD/tấn. Giá lúa tại ĐBSCL tăng lên 5.000-6.000 đồng/kg, thương lái tranh nhau tìm mua lúa gạo của nông dân. Tưởng rằng giá lúa gạo sẽ tiếp tục tăng cao, nông dân ĐBSCL hăm hở phá vườn cây ăn trái, bờ mía... trồng lúa. Không ngờ đến vụ lúa hè-thu, nhu cầu gạo trên thế giới sụt giảm. Giá gạo giảm dần, chỉ còn 600-700 USD/tấn, gạo 5% tấm 650-670 USD/tấn, giảm 300 USD so với tháng 4-2008. Giá lúa ở ĐBSCL cũng giảm chỉ còn 4.600-4.700 đồng/kg. Giá lúa gạo sụt mạnh như vậy nhưng nông dân muốn bán được lúa không phải dễ. Trong khi đó, lượng lúa hàng hóa của ĐBSCL còn rất nhiều, lãi suất ngân hàng tăng cao, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo không dám vay ngân hàng để mua trữ gạo xuất khẩu vì lo ngại sẽ lỗ do giá gạo trên thị trường sụt giảm mạnh. Chính phủ phải vào cuộc, chỉ đạo ngành ngân hàng hỗ trợ hàng ngàn tỉ đồng cho doanh nghiệp thu mua lúa hàng hóa còn tồn đọng trong dân, đồng thời quyết định hoãn thu thuế xuất khẩu gạo.

Dù nhiều nỗ lực nhưng giá gạo thế giới vẫn tiếp tục sụt giảm, cả nông dân và doanh nghiệp cùng lao đao. Trung tuần tháng 10-2008, Bộ Công Thương phải tổ chức cuộc họp khẩn cấp với Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Sở Công Thương các tỉnh, thành phía Nam để bàn biện pháp xuất khẩu gạo cho những tháng cuối năm với kỳ vọng đạt mục tiêu xuất khẩu gạo 4,5 triệu tấn trong năm 2008. Nhưng giá gạo vẫn tiếp tục giảm. Đến trung tuần tháng 12-2008, giá gạo xuất khẩu 5% tấm chỉ còn 500 USD/tấn, 10% tấm là 460 USD/tấn, 15% tấm còn 440 USD/tấn và 25% tấm là 420 USD/tấn. Giá lúa thời điểm này tại ĐBSCL chỉ còn 2.800 đồng/kg lúa thường, 3.400-3.600 đồng/kg lúa hạt dài... Lúa hàng hóa vẫn tồn đọng cả triệu tấn. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục cho vay 3.500 tỉ đồng để doanh nghiệp thu mua một triệu tấn lúa tại ĐBSCL.

XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU CÓ LỢI THẾ CẠNH TRANH

Tại Hội nghị sản xuất và tiêu thụ lúa gạo bền vững vùng ĐBSCL tổ chức vào cuối năm 2008, PGS.TS Phạm Văn Dư, Phó cục Trưởng Cục Trồng trọt, cho rằng: “Vùng ĐBSCL có vai trò đặc biệt quan trọng trong sản xuất lúa gạo ở nước ta. Kết quả sản xuất lúa gạo ở đây quyết định an ninh lương thực quốc gia và duy trì vị trí xuất khẩu gạo của Việt Nam. Tuy nhiên, hệ thống sản xuất giống, công tác quản lý chất lượng giống lúa ở vùng ĐBSCL còn nhiều bất cập, chưa tương xứng với vị trí của vùng”.

Thực tế hiện nay, một bao gạo xuất khẩu của ĐBSCL có nhiều giống lúa trộn lẫn. Hơn nữa, gạo xuất khẩu của ĐBSCL là gạo 15-25% tấm chiếm tỷ trọng cao nhất, gạo 5% tấm rất ít. Tỷ lệ gạo nguyên xay xát ở ĐBSCL chỉ đạt 30-40%, trong khi đó tỷ lệ gạo nguyên ở các nước tiên tiến đạt trên 50%. Nguyên nhân là do hệ thống canh tác, chọn giống và tồn trữ, bảo quản của ĐBSCL chưa tốt. Vì thế, việc xây dựng thương hiệu lúa gạo gặp nhiều khó khăn và kém cạnh tranh với gạo Thái Lan. Mặc dù đứng vị trí thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu gạo, nhưng thương hiệu gạo Việt Nam vẫn còn mờ nhạt. Do đó, để chắp cánh cho hạt gạo ĐBSCL trước hết phải tổ chức lại sản xuất và xây dựng thương hiệu.

TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, khuyến nghị: “Phải tổ chức tại sản xuất theo hướng cánh đồng một giống ở những tổ hợp tác, trang trại, hợp tác xã. Điều này, sẽ thuận lợi cho việc gieo sạ đồng loạt, khống chế dịch bệnh và thực hiện qui trình cơ giới hóa một cách đồng bộ. Song song đó, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ hợp lý cho nông dân và doanh nghiệp trong việc bao tiêu, tiêu thụ sản phẩm. Có như vậy, hạt gạo Việt Nam mới có thương hiệu”.

Tỉnh An Giang có sản lượng lúa lớn nhất ĐBSCL đang triển khai đầu tư 3,4 tỉ đồng để thực hiện chương trình xây dựng chất lượng thương hiệu gạo xuất khẩu theo tiêu chuẩn Global GAP (thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu) trên 3 dòng lúa gạo đặc sản nổi tiếng của địa phương là Nàng Nhen Bảy Núi, gạo thơm Châu Phú và nếp Phú Tân, trong 3 năm (2008-2011). Chương trình này nhằm gắn kết với doanh nghiệp để xây dựng thương hiệu gạo An Giang đáp ứng cho nhu cầu thị trường cao cấp trong nước và xuất khẩu.

Không riêng An Giang, hiện nay nhiều tỉnh, thành ĐBSCL đã và đang xúc tiến xây dựng thương hiệu lúa gạo để nâng cao năng lực cạnh tranh, bán được giá cao, đem lại lợi nhuận nhiều hơn cho nông dân. HTX Mỹ Thành (Tiền Giang) đã thực hiện sản xuất gạo theo tiêu chuẩn Global GAP cho xã viên chuyên “sản xuất lúa chất lượng cao và an toàn”. Tháng 9-2008, lúa gạo HTX Mỹ Thành đã được công nhận Global GAP. Công ty TNHH ADC đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn giá thị trường 20% cho toàn bộ lúa của hộ xã viên HTX Mỹ Thành đạt tiêu chuẩn Global GAP.

Bạc Liêu đã thành công trong việc xây dựng thương hiệu gạo một bụi đỏ Hồng Dân. Hiện nay, tỉnh này có 18.722 ha trồng lúa một bụi đỏ, tập trung ở 2 huyện Hồng Dân và Phước Long. Giữa năm 2008, gạo một bụi đỏ Hồng Dân đã được Cục sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Gạo một bụi đỏ Hồng Dân có thương hiệu đã tạo ra nhiều lợi thế trong xuất khẩu. Cuối năm, giá gạo nguyên liệu tại ĐBSCL sụt giảm mạnh, gạo 5% tấm chỉ còn 6.200-6.300 đồng/kg. Giá gạo giảm mạnh nhưng muốn ký hợp đồng cung ứng gạo xuất khẩu không phải dễ. Mới đây, Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Bạc Liêu và Trung tâm đối ngoại tỉnh Đồng Nai đã ký hợp đồng cung cấp 25.000 tấn gạo sạch chất lượng cao với giá 15.000 đồng/kg, cao gần 2,5 lần so với gạo 5% tấm.

Tỉnh Sóc Trăng trong những năm gần đây cũng đã lai tạo thành công những dòng lúa gạo đặc sản ST như: ST3, ST5, ST10... được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Giá gạo bán trên thị trường 15.000-17.000 đồng/kg, cao hơn nhiều lần so với gạo thường. Khai thác lợi thế này, tỉnh Sóc Trăng đã qui hoạch vùng lúa đặc sản xuất khẩu hiện có gần 30.000 ha lên 50.000 ha vào năm 2010 và 100.000 ha vào năm 2020, tại vùng lúa cao sản của 4 huyện: Ngã Năm, Thạnh Trị, Mỹ Tú và Kế Sách. Những nỗ lực xây dựng thương hiệu và phát triển qui hoạch vùng lúa gạo đặc sản chất lượng cao, phục vụ cho xuất khẩu của các tỉnh, thành ĐBSCL đã góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho hạt gạo Việt Nam trên thương trường quốc tế.

Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) dự báo, năm 2009, mức tiêu thụ gạo thế giới sẽ vào khoảng 426 triệu tấn, tăng hơn năm 2008 khoảng 18 triệu tấn. Nhu cầu tiêu dùng gạo trên thế giới tăng cao hơn so với nguồn cung ứng sẽ là một trong những nhân tố làm tăng giá gạo trong thời gian tới. Cuối năm 2008, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam ký thỏa thuận với Tổng công ty Lương thực miền Nam tài trợ 4.000-5.500 tỉ đồng để thu mua xuất khẩu 3,5 triệu tấn gạo. Đó là những tín hiệu tốt cho lúa gạo ĐBSCL trong năm 2009. Kỳ vọng, năm 2009, ĐBSCL trúng mùa được giá, cả nông dân và doanh nghiệp cùng trọn vẹn niềm vui!

Bài, ảnh: QUANG HẢI

Thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đang có dấu hiệu tích cực, khi một loạt hợp đồng xuất khẩu gạo mới được ký kết.

Theo Trung tâm Thông tin Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hợp đồng xuất khẩu 100.000 tấn gạo 5% tấm cho Malaysia với giá bán 460 USD/tấn và hợp đồng xuất khẩu bán 60.000 tấn gạo 5% tấm sang Iraq với giá 500 USD/tấn giao hàng tháng 1-2009. Trung tâm Thông tin Bộ Công Thương cho biết, Cơ quan Ngũ cốc Iraq đang tiến gần tới các thỏa thuận mua 80.000 tấn gạo hạt dài của Việt Nam, Ấn Độ và Pakistan. Bên cạnh đó, nhu cầu nhập khẩu gạo của châu Phi rất lớn, trong khi nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 12%. Trong khi đó, Hiệp hội và doanh nghiệp xuất khẩu gạo của ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia, các nước châu Phi đang xem xét chuyển sang nhập khẩu trực tiếp gạo Việt Nam thay vì gạo Thái Lan, Ấn Độ và Indonesia do giá cả cạnh tranh hơn. Dự kiến giá gạo 25% tấm FOB (giao hàng trên phương tiện vận chuyển) xuất sang châu Phi vào khoảng 320-325 USD/tấn, có lợi cho các nhà xuất khẩu Việt Nam trong khi giá gạo 25% tấm Việt Nam trên thị trường thế giới vào khoảng 310-315 USD/tấn.

Theo dự báo của Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế IRRI, vào năm 2009, nhu cầu gạo thế giới sẽ tăng thêm khoảng 18 triệu tấn, do đó thúc đẩy giá gạo xuất khẩu tăng. Nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới Philippines sẽ nhập khẩu 1,5 triệu tấn gạo cho năm 2009 và dự định đàm phán với các nước xuất khẩu vào tháng 12 năm nay hoặc đầu năm sau. Iran cũng dự định sẽ nhập khẩu 1,2 triệu tấn gạo đang thiếu hụt trong thời gian tới.

A. KHOA

Chia sẻ bài viết