* Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2020
Ngày 28-12, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị về một số biện pháp cấp bách điều hành các hồ chứa nước trong mùa khô và các hồ chứa nước thủy điện và việc đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất vụ đông xuân 2007-2008:
Tình hình thời tiết, khí tượng thủy văn tiếp tục diễn biến rất phức tạp, khả năng thiếu nước khô hạn có thể xảy ra trong mùa khô năm 2008, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất điện và việc đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất vụ đông xuân năm 2007-2008. Hiện nay, dòng chảy trên các sông ở Bắc bộ thiếu hụt nhiều so với trung bình nhiều năm, đặc biệt là mực nước trên hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình tiếp tục xuống thấp, có khả năng gây thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp, thủy sản và làm cản trở giao thông đường thủy.
Để chủ động phòng, chống và khắc phục hậu quả do thiếu nước, khô hạn gây ra, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các Bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ cấp bách sau đây:
Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thủy văn, dòng chảy để có dự báo, cảnh báo sớm về tình hình khô hạn, thiếu nước, thông báo kịp thời cho các nhà máy thủy điện, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các Bộ, ngành, địa phương liên quan và nhân dân biết để có giải pháp chủ động phòng, chống hạn, bảo vệ sản xuất có hiệu quả. Phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Y tế và các địa phương có biện pháp phòng ngừa, bảo vệ nguồn nước và xử lý ô nhiễm môi trường nước để đảm bảo nước phục vụ sinh hoạt và đời sống dân sinh.
Bộ Công Thương có biện pháp chỉ đạo quyết liệt, bảo đảm các công trình xây dựng cơ bản đúng tiến độ: Cà Mau 1- tháng 1-2008, Cà Mau 2- tháng 3-2008; Nhơn Trạch 1- tháng 3-2008.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam rà soát lại tình hình trữ nước ở các hồ chứa thủy điện, có kế hoạch điều tiết nguồn nước hợp lý (lên kế hoạch điều độ từng tuần, từng tháng, từng quý) để đảm bảo việc phát điện và cấp nước phục vụ sản xuất vụ đông xuân năm 2008 có hiệu quả; Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án, công trình điện, kiểm tra tiến độ thi công từng công trình, giải quyết kịp thời các khó khăn vướng mắc theo thẩm quyền để sớm đưa vào khai thác, sử dụng phục vụ phát triển kinh tế- xã hội của đất nước; Uông Bí mở rộng 1, Tuyên Quang, Đại Ninh, Plei Krông... và dự án mua thêm điện từ Trung Quốc. Tiếp tục tổ chức thực hiện các giải pháp điều độ hợp lý nhằm giảm tổn thất điện năng, thực hiện tốt chương trình tiết kiệm điện trong sản xuất và tiêu dùng để bảo đảm nguồn điện ổn định trong mùa khô năm 2008; đồng thời chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc các đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo nội dung Quyết định số 79/2006/QĐ-TTg ngày 14 tháng 4 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ; Có biện pháp bảo đảm cung cấp điện ổn định, an toàn; nhất là nhu cầu điện cho các trạm bơm phục vụ việc đổ ải; phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương có phương án, kế hoạch cụ thể thực hiện việc điều tiết nguồn nước ở các hồ thủy điện để đảm bảo vừa đáp ứng nhu cầu phát điện, đồng thời đảm bảo nước phục vụ sản xuất vụ đông xuân. Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện xả nước phục vụ đổ ải 3 lần, đảm bảo mức nước sông Hồng tại Hà Nội là 2,3 mét.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương xây dựng phương án phòng, chống hạn, bảo vệ sản xuất cụ thể cho từng vùng, khu vực; chỉ đạo quản lý chặt chẽ nguồn nước, chống rò rỉ, thất thoát nước của các hồ chứa, các công trình thủy lợi, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong việc điều tiết, sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn nước xả của các hồ thủy điện để phục vụ sản xuất vụ đông xuân 2008; có biện pháp quản lý phân phối nước hợp lý, hiệu quả; có kế hoạch cụ thể bố trí lịch tưới nước phục vụ đổ ải và tưới luân phiên, tiết kiệm nước; đồng thời chỉ đạo các địa phương rà soát lại kế hoạch điều chỉnh mùa vụ sản xuất, cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với nguồn nước, hướng dẫn các địa phương chuyển sang trồng một số loại cây màu thích hợp ở các vùng có khó khăn về nguồn nước. Kiểm tra, chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương bị lũ lụt khẩn trương khôi phục, sửa chữa các công trình thủy lợi cấp bách để phục vụ sản xuất; đồng thời chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi để đưa vào khai thác sử dụng; đối với các hồ chứa đang xây dựng nếu đủ điều kiện an toàn cũng phải tích nước phục vụ công tác chống hạn.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cấp, các ngành đánh giá, kiểm tra nguồn nước hiện có và nhu cầu sử dụng nước cụ thể của từng ngành, địa phương; rà soát lại kế hoạch sản xuất vụ đông xuân và có phương án kế hoạch chủ động phòng ngừa và khắc phục hậu quả khi xảy ra tình trạng thiếu nước, khô hạn, bảo đảm nguồn nước để phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh.
Giao Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định lập Tổ điều hành công tác phòng, chống hạn do một Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Tổ trưởng. Các Bộ, ngành: Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Văn phòng Chính phủ cử cán bộ tham gia Tổ công tác này có nhiệm vụ kiểm tra, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương trong việc phòng, chống hạn, bảo vệ sản xuất và khắc phục hậu quả do hạn hán gây ra, định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ...
* Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký Quyết định số 1855/QĐ-TTg, Phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng Quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050.
Đây là văn bản quan trọng nhằm phát triển năng lượng gắn liền với Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, thiết lập an ninh năng lượng quốc gia trong điều kiện mở. Để đạt được mục tiêu phấn đấu: đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội; trong đó có năng lượng sơ cấp năm 2010 khoảng từ 47,5-49,5 triệu TOE (tấn dầu quy đổi); đến năm 2020 đạt khoảng từ 100-110 triệu TOE; đến năm 2050 đạt khoảng từ 310-320 triệu TOE, Quyết định này còn quy định rất cụ thể định hướng phát triển cho từng ngành năng lượng cụ thể như: điện, dầu khí, năng lượng mới và tái tạo... cùng với các chính sách đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, chính sách giá, chính sách ưu tiên phát triển năng lượng mới, sử dụng năng lượng tiết kiệm, bảo vệ môi trường... Đi đôi với việc chỉ ra các giải pháp phải thực hiện, Thủ tướng Chính phủ còn chỉ đạo cụ thể các Bộ, ngành chức năng và các địa phương phải phối hợp với Bộ Công thương thực hiện chiến lược phát triển năng lượng quốc gia này.
T.T.N (TTXVN)