12/04/2011 - 08:14

ĐỒNG CHÍ PHẠM VĂN THỚI, QUYỀN VỤ TRƯỞNG VỤ ĐỊA PHƯƠNG III- ỦY BAN DÂN TỘC:

Thực hiện hiệu quả nhiều chính sách hỗ trợ nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

Hơn 1,3 triệu đồng bào Khmer Nam bộ đang rộn ràng đón Tết Chôl Chnăm Thmây cổ truyền với nhiều niềm vui. Sự quan tâm chăm lo của Đảng, Nhà nước đã giúp cho từng phum, sóc vùng đồng bào Khmer ngày càng đổi mới. Trong không khí phấn khởi đón mừng năm mới của đồng bào Khmer, phóng viên Báo Cần Thơ Khmer ngữ đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Phạm Văn Thới, Quyền Vụ trưởng Vụ Địa phương III - Ủy ban Dân tộc, về việc thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước tại khu vực Nam bộ...

* Thưa đồng chí, thời gian qua, việc thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ của Nhà nước cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số Nam bộ được triển khai thực hiện như thế nào?

- Những năm qua, Đảng và Nhà nước tiếp tục ban hành nhiều chủ trương, chính sách, chương trình, dự án phát triển KT-XH đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trong khu vực. Các chương trình dự án ngày càng phù hợp và từng bước đi vào cuộc sống. Quá trình tổ chức thực hiện đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp đồng bào vượt qua nghèo khó, vươn lên phát triển. Toàn vùng đã đầu tư hàng ngàn tỉ đồng để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, bảo tồn và phát triển văn hóa xã hội vùng đồng bào DTTS. Kết thúc Chương trình 135 giai đoạn 1, toàn vùng đã xây dựng cơ sở hạ tầng ở 207 xã đặc biệt khó khăn, 44 trung tâm cụm xã, có 48 xã đủ điều kiện ra khỏi chương trình. Chương trình 135 giai đoạn 2 đã đầu tư xây dựng tại 181 xã và 162 ấp đặc biệt khó khăn, đã có 34 xã đủ điều kiện ra khỏi chương trình. Đối với Chương trình 134 và các chính sách bổ sung tiếp theo đã có trên 100.000 hộ DTTS nghèo được hỗ trợ nhà ở, chiếm 38,65% so với tổng số hộ Khmer; 2.577 hộ được hỗ trợ định cư; 6.734 hộ được hỗ trợ đất sản xuất; 5.235 hộ được hỗ trợ đất ở; hàng chục ngàn lao động được hỗ trợ dạy nghề, giải quyết việc làm, vốn vay sản xuất, xuất khẩu lao động. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS toàn vùng đã giảm từ 40% năm 2006 xuống còn 24% vào cuối năm 2010, bình quân giảm từ 3-4%/năm (theo tiêu chí cũ).

Lĩnh vực giáo dục - đào tạo ở vùng đồng bào DTTS có những chuyển biến tích cực. Số lượng học sinh, sinh viên, giáo viên và cán bộ là người DTTS, chủ yếu là dân tộc Khmer ngày càng tăng. Hiện toàn vùng có khoảng 260.000 học sinh DTTS ở các cấp học, trên 2.000 sinh viên DTTS đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng; có 6.876 cán bộ, giáo viên DTTS; tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đến trường bậc mẫu giáo khoảng 70%; lớp 1 là 98%. Hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú phát triển, bảo đảm cơ bản việc dạy và học trong vùng đồng bào DTTS. Các chính sách miễn giảm học phí, cấp học bổng, cử tuyển, ưu tiên điểm thi theo đối tượng và địa bàn được triển khai thực hiện, một số nơi thực hiện chi trả thù lao cho người tham gia giảng dạy chữ Khmer tại các điểm chùa, trường học vào dịp hè đã góp phần xây dựng một xã hội học tập rộng khắp.

Lĩnh vực y tế được quan tâm đầu tư, củng cố và tăng cường, các chương trình y tế quốc gia tiếp tục triển khai có hiệu quả. Công tác phòng chống dịch bệnh, khám và điều trị bệnh, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, kế hoạch hóa gia đình được tăng cường phục vụ đồng bào. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm còn dưới 30%, chất lượng sử dụng nước sạch trong đồng bào được nâng lên, hầu hết các hộ DTTS nghèo được khám chữa bệnh miễn phí.

Các phương tiện thông tin đại chúng có sử dụng tiếng DTTS được tăng cường về nội dung, số lượng, chất lượng đã và đang góp phần tích cực trong việc phổ biến chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và từng bước phục vụ đời sống chính trị, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần của đồng bào. Các tôn giáo truyền thống trong vùng đồng bào DTTS hoạt động đúng pháp luật và giáo luật; theo phương châm “tốt đời, đẹp đạo”; phát huy truyền thống yêu nước. Các chức sắc tôn giáo làm đúng vai trò vận động sư sãi, tín đồ thực hiện trách nhiệm công dân, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu phát triển KT-XH địa phương.

* Những kết quả trên đã tác động như thế nào đến đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS, thưa đồng chí?

Chăm lo giải quyết việc làm cho lao động vùng đồng bào dân tộc Khmer. Ảnh: Bình Nguyên

- Chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, sự hỗ trợ của cộng đồng cùng với ý thức vượt qua đói nghèo, tinh thần cần cù, chịu khó trong lao động sản xuất nên vùng đồng bào DTTS không còn hộ đói, giảm hộ nghèo, nhiều hộ vượt lên khá, giàu; xuất hiện nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả. Điều kiện hỗ trợ, sinh hoạt, đi lại, học hành, chữa bệnh, giao lưu hàng hóa của các dân tộc ngày càng thuận lợi. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào không ngừng được cải thiện và nâng lên, bộ mặt nông thôn có sự thay đổi rõ nét. Nhiều sự kiện chính trị, văn hóa quan trọng diễn ra như: Đại hội dân tộc thiểu số các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam, đại hội Đảng bộ các cấp, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng... giúp đồng bào DTTS ở Nam bộ phấn khởi, tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, đoàn kết, chung sức, chung lòng thi đua lao động, sản xuất xây dựng cuộc sống ấm no góp phần vào sự phát triển chung của khu vực và đất nước.

* Trong quá trình thực hiện chính sách dân tộc ở Nam bộ còn có những khó khăn vướng mắc gì cần tập trung tháo gỡ?

- Trong quá trình thực hiện còn thiếu sự tham gia của người dân và các bên hữu quan trong việc lập các chương trình, dự án giảm nghèo. Đa số các chương trình, dự án giảm nghèo cấp quốc gia được lập theo lối từ trên xuống bởi các cơ quan của Chính phủ mà ít có sự tham gia của người dân. Chưa có sự coi trọng và kế thừa các tri thức bản địa trong các chương trình dự án giảm nghèo. Tri thức bản địa là vốn quý của mỗi dân tộc. Những tri thức này phản ánh lối ứng xử hợp lý và có chọn lựa của người dân với nhau và với môi trường xung quanh để hướng tới tồn tại và phát triển. Vì thế, coi trọng tri thức bản địa, phân tích và đánh giá để kế thừa các tri thức tiến bộ vào việc xây dựng các chính sách, chương trình giảm nghèo là rất cần thiết. Chưa thật sự coi hộ nghèo là đối tượng giảm nghèo trực tiếp và quan trọng nên hộ nghèo tuy được hỗ trợ nhưng vẫn chưa tương xứng.

Các chính sách còn dừng ở mức vĩ mô, trong khi thực tiễn cần có những chính sách vi mô khác nhau, áp dụng cho từng vùng, miền có điều kiện tự nhiên và dân cư khác nhau. Mỗi dân tộc mang những đặc điểm tự nhiên, KT-XH và văn hóa khác nhau nếu áp dụng một mô hình, một chính sách chung cho các vùng không giống nhau như vậy thì sẽ kém hiệu quả và không hợp lý. Các chương trình dự án còn chú trọng nhiều đến đầu tư cho cơ sở vật chất hạ tầng mà chưa chú ý đúng mức đến đầu tư cho phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập và đời sống.

* Một trong những yếu tố quyết định đến việc thành công trong thực hiện chính sách dân tộc của Đảng là công tác cán bộ và phát triển đảng viên trong vùng đông đồng bào DTTS. Theo đồng chí, thời gian qua, công tác này được triển khai thực hiện như thế nào?

- Thời gian qua, hệ thống chính trị của các địa phương có đông đồng bào DTTS đều được xây dựng, củng cố, kiện toàn, từng bước nâng cao chất lượng, công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm các chức vụ quan trọng đối với cán bộ là người DTTS ở các cấp được tăng cường. Công tác phát triển đảng viên được chú trọng. Toàn vùng hiện có khoảng 13.000 đảng viên là người DTTS, trong đó có khoảng 12.000 đảng viên là người dân tộc Khmer. Qua kết quả đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2011-2015, cán bộ dân tộc Khmer được bầu vào cấp ủy nhiều hơn nhiệm kỳ trước, hầu hết có phiếu tín nhiệm cao. Lãnh đạo Ban Dân tộc 7/9 tỉnh có đông đồng bào DTTS được cơ cấu vào cấp ủy tỉnh. Việc cán bộ, đảng viên DTTS được cơ cấu vào hệ thống chính trị ngày càng nhiều, phù hợp theo yêu cầu, điều kiện thực tế với tỷ lệ hợp lý đã góp phần xây dựng vững chắc hệ thống chính trị, việc thực hiện chính sách dân tộc của Đảng được thuận lợi và đi vào chiều sâu.

* Theo đồng chí, các địa phương cần có những giải pháp gì để thực hiện tốt chính sách dân tộc của Đảng, góp phần phát triển KT-XH, xây dựng vững chắc khối đại đoàn kết dân tộc?

- Trước hết, cần nâng cao nhận thức đối với các cấp, các ngành và các địa phương về vấn đề dân tộc, chính sách dân tộc và nhiệm vụ công tác dân tộc. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động trong công tác dân tộc. Thực hiện tốt quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng sử dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số. Tiếp tục thực hiện tốt chính sách phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS. Rà soát điều chỉnh, bổ sung để hoàn chỉnh những chính sách đã có và nghiên cứu ban hành những chính sách mới, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển các vùng DTTS ở Nam bộ và nhiệm vụ công tác dân tộc trong thời gian tới.

Để đạt được mục tiêu trên, trước mắt các ngành, các địa phương sẽ tập trung thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án, huy động nhiều nguồn lực để phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, sâu sắc hơn nữa nhằm giảm nghèo vùng đồng bào DTTS nhanh và vững chắc, tối đa hóa hiệu quả của các chính sách. Vận dụng sáng tạo các chính sách của Đảng và Nhà nước phù hợp vào thực tiễn, không dừng lại ở nguyên tắc chung. Cán bộ địa phương cần phát huy tính chủ động, sáng tạo để vận dụng phù hợp với đặc thù từng nơi. Phối hợp chặt chẽ giữa đầu tư và chỉ đạo nhằm nâng cao đời sống người dân trên mọi lĩnh vực. Khắc phục lối tư duy chủ quan, áp dụng máy móc những kinh nghiệm, biện pháp giảm nghèo mà không mang tính ứng dụng, chọn lọc.

Thường xuyên khơi dậy truyền thống yêu nước, đoàn kết trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của đồng bào DTTS, để đồng bào tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ gìn an ninh quốc phòng; kịp thời phát huy và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong đồng bào các DTTS...

* Xin cảm ơn đồng chí!

BÌNH NGUYÊN (thực hiện)

Chia sẻ bài viết