Hiện nay, nước ta sản xuất rất nhiều loại nông sản để xuất khẩu và nhu cầu đưa hàng nông sản đi xuất khẩu từ nay đến Tết Nguyên đán 2022 là rất lớn. Tuy nhiên, đã xuất hiện tình trạng ùn ứ các xe tải chở nông sản tại các cửa khẩu ở phía Bắc liên thông với thị trường Trung Quốc. Ðiều này, đòi hỏi cơ quan chức năng tính đến chuyện chuyển đổi, đa dạng hóa và nâng cao khả năng khai thác các phương thức vận tải khác, xuất khẩu nông sản qua vận tải đường biển để tránh ùn tắc, rủi ro như hiện nay.

Bốc xếp container hàng xuất khẩu tại Cảng Cái Cui, quận Cái Răng, TP Cần Thơ.
Chuyển đổi, đa dạng phương thức vận tải
Thời gian qua, nhiều loại trái cây của Việt Nam xuất khẩu bằng đường bộ sang thị trường Trung Quốc, xuất khẩu tiểu ngạch qua các cửa khẩu phụ hoặc do Trung Quốc chưa cho phép nhập khẩu chính ngạch. Hiện nước này mới cho nhập khẩu chính ngạch 9 loại trái cây của Việt Nam gồm: thanh long, dưa hấu, vải, chôm chôm, măng cụt, nhãn, xoài, mít, chuối. Xuất khẩu rau quả tiểu ngạch trong nhiều thời điểm được đánh giá là nhanh lẹ và có chi phí thấp nên hiệu quả đối với nhiều loại nông sản. Tuy nhiên, hình thức xuất khẩu biên mậu này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi phía Trung Quốc có thể ngừng hoặc giảm thu mua hàng bất cứ lúc nào.
Gần đây, tình hình xuất khẩu nông sản bằng đường bộ sang thị trường Trung Quốc qua các cửa khẩu phía Bắc có cải thiện, thanh long được mở cửa xuất khẩu trở lại ở một số cửa khẩu nhưng nhìn chung xuất khẩu thanh long và nhiều loại nông sản bằng đường bộ vẫn còn gặp nhiều khó khăn và rủi ro do Trung Quốc siết chặt quản lý nhập hàng để phòng, chống dịch COVID-19. Trong khi đó, nhu cầu xuất khẩu nông sản từ nay đến Tết Nguyên đán 2022 là rất lớn nên rất cần tăng cường xuất khẩu bằng cả đường bộ, đường hàng không và đường biển.
Ðối với xuất khẩu nông sản bằng đường biển, thời gian qua doanh nghiệp cũng đã xuất sang Trung Quốc nhưng chủ yếu tập trung nhiều đối với các loại thủy sản, rau củ và trái cây như chuối, bưởi và sầu riêng... Hầu như 100% các loại nông sản được xuất khẩu bằng đường biển là xuất khẩu chính ngạch, có hợp đồng và nơi giao nhận hàng rõ ràng nên có tính ổn định lâu dài. Tuy nhiên, xuất khẩu nông sản bằng đường biển sang thị trường Trung Quốc và các nước nói chung vẫn còn gặp nhiều khó khăn và hạn chế cần được ngành chức năng và các doanh nghiệp, đơn vị có liên quan cùng vào cuộc để tháo gỡ kịp thời. Ðáng chú ý, hiện doanh nghiệp còn thiếu thông tin và chưa nắm rành về hồ sơ, thủ tục và cách thức, mô hình liên kết và các đối tác để có thể hợp tác, phát triển xuất khẩu bằng đường biển. Xuất khẩu nhiều loại nông sản bằng đường biển cũng còn gặp khó do thiếu container lạnh, thiếu tàu chở hàng đông lạnh và cước phí vận tải biển đang tăng cao, sản phẩm xuất khẩu dạng tươi khô khó bảo quản lâu để chở đi tiêu thụ xa...
Xuất khẩu bằng đường biển
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa phối hợp Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương tổ chức cuộc họp trực tuyến với các địa phương, các cảng vụ, hãng tàu, hiệp hội ngành hàng và đơn vị, doanh nghiệp có liên quan nhằm bàn giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông sản thông qua vận tải đường biển. Tại cuộc họp này, nhiều ý kiến cho rằng cần sự tăng cường phối hợp giữa các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội ngành và các bên liên quan để giải quyết kịp thời các khó khăn, xây dựng các mô hình, cơ chế phù hợp. Trong đó, cần liên kết, xây dựng đội tàu vận tải, mời gọi các hãng tàu mở thêm tuyến, hình thành đầu mối liên kết và điểm tập hợp nguồn hàng để xuất khẩu bằng đường biển với chi phí giảm. Tăng cường thông tin, tuyên truyền nhằm thay đổi tư duy của người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy nâng cao năng lực chế biến và xuất khẩu các loại nông sản bằng đường biển.

Bốc xếp container hàng xuất khẩu tại Tân Cảng Thốt Nốt, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ.
Ông Nguyễn Duy Minh, Tổng Thư ký Hiệp hội Logistics Việt Nam (VLA), cho rằng: “Chúng ta cần tính đến việc gom chung nguồn hàng lại để thuê chung chuyến tàu đến một cảng nào đó, thay vì phải chia nhỏ ra đi với các hãng tàu. Ðặc biệt, cần phát huy vai trò của sàn thương mại điện tử để tìm kiếm, phát triển thêm thị trường mới. Ngoài ra, cũng cần chú ý phát huy vai trò của vận tải bằng đường hàng không”. Theo bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, vừa qua, việc thiếu hụt container lạnh và chi phí vận tải đường biển tăng cao đã ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp. Tới đây, Hiệp hội Logistics Việt Nam và các cơ quan chức năng cần xem xét, xây dựng cổng thông tin để kịp thời cập nhật, cung cấp cho doanh nghiệp nắm các thông tin về giá cước và tình hình lưu thông hàng qua các luồng tuyến... để có sự chủ động. Ðồng thời, qua đó cũng giúp minh bạch thông tin về chi phí các cước vận tải đi các tuyến và kịp thời theo dõi, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Hiện nay, dù xuất khẩu hàng sang Trung Quốc bằng đường bộ, đường hàng không hay đường biển đều đòi hỏi sản phẩm phải đảm bảo an toàn thực phẩm, có mã số vùng trồng và đáp ứng các yêu cầu kiểm dịch thực phẩm. Các địa phương cần phát huy hơn nữa sự chủ động trong thông tin, hướng dẫn nông dân, tiểu thương và doanh nghiệp thay đổi phương thức giao dịch theo hướng bền vững, ổn định, giảm rủi ro. Chủ động kết nối với khách hàng từ sớm, từ xa.
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, thực tế có nhiều doanh nghiệp đã khai thác tốt đường biển nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn còn ngại thay đổi nên chấp nhận rủi ro đưa hàng đi đường bộ. Ðể mở tuyến hoặc nâng cấp tuyến tàu biển hiện có đi Trung Quốc và các nước nói chung, các hãng tàu cần cam kết ổn định về lượng hàng, do vậy rất cần sự chung tay vào cuộc và phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan. Cục Xuất nhập khẩu sẽ phối hợp cùng Cục Hàng hải và Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản sẵn sàng làm đầu mối tiếp nhận thông tin nhu cầu vận chuyển đường biển và trao đổi với các hãng tàu quốc tế và Việt Nam để mở và nâng cấp tuyến.
Theo ông Lê Quang Trung, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, đơn vị cũng luôn luôn sẵn sàng đồng hành cùng các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp để tham gia hỗ trợ chuyển đổi từ việc xuất khẩu hàng từ đường bộ sang đường biển. Tổng Công ty có 2 con tàu 600 TEU sẵn sàng điều chuyển về Cảng Hải Phòng và Cảng Quảng Ninh để đưa hàng xuất khẩu sang Cảng Khâm Châu của Trung Quốc với tần suất 1 tuần có thể chạy 2 chuyến. Tổng Công ty cũng sẵn sàng giảm cước phí vận chuyển ở mức thấp nhất.
Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG