27/11/2014 - 21:05

THÚC ĐẨY THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ PHÁT TRIỂN

Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử (TMĐT), thời gian qua, TP Cần Thơ có nhiều hoạt động thiết thực. Tuy nhiên, xây dựng niềm tin của người dùng, đưa TMĐT trở thành hoạt động phổ biến cần sự phối hợp chặt chẽ từ trung ương đến địa phương và cả cộng đồng doanh nghiệp (DN).

* Đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ

 Các cơ quan quản lý nhà nước cần đi đầu trong cung cấp các dịch vụ công trực tuyến ở lĩnh vực thuế, hải quan, đăng ký
kinh doanh. Trong ảnh: Ứng dụng TMĐT trong hoạt động nghiệp vụ ở Cục Hải quan TP Cần Thơ. Ảnh: CTV

Là trung tâm vùng ĐBSCL, nơi có hoạt động thương mại - dịch vụ rất nhộn nhịp và đa dạng các loại hình kinh doanh, mua bán… nên thúc đẩy phát triển TMĐT luôn được TP Cần Thơ đặc biệt quan tâm. Theo đó, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 34/KH-UBND ngày 10 - 12 - 2007 về phát triển TMĐT TP Cần Thơ giai đoạn 2007-2010; Kế hoạch số 41/KH-UBND ngày 7-10-2010 về phát triển TMĐT của TP Cần Thơ giai đoạn 2011 - 2015. Mục tiêu của các kế hoạch này nhằm tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức về TMĐT cho cán bộ, công chức trong cơ quan quản lý nhà nước, DN và người dân hiểu rõ sự cần thiết và lợi ích của việc ứng dụng TMĐT.

Ông Phạm Việt Bắc, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, cho biết: Hằng năm, Sở Công thương thành phố đều xây dựng kế hoạch triển khai, cụ thể hóa kế hoạch phát triển TMĐT của UBND thành phố. Năm 2014, ngoài việc tổ chức lớp tập huấn phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức về TMĐT cho cán bộ quản lý nhà nước và DN, Sở Công thương phối hợp với các ngành hữu quan hỗ trợ DN, cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia và ứng dụng TMĐT, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường, giảm chi phí giao dịch. Sở Công thương TP Cần Thơ phối hợp với Báo Cần Thơ, Đài Phát thanh Truyền hình TP Cần Thơ; thông qua các trang tin điện tử của Sở Công thương, Sở Thông tin và Truyền thông… đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các nội dung văn bản pháp luật, chủ trương chính sách của nhà nước về TMĐT, các mô hình ứng dụng TMĐT của tổ chức, DN đến những chương trình hợp tác xây dựng và phát triển TMĐT trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, năm 2014, thành phố còn hỗ trợ 04 DN quảng bá, xây dựng thương hiệu trên cổng thương mại điện tử Quốc gia: www.ECVN.com với mức dịch vụ VIP; cung cấp Bản tin cơ hội giao thương, Báo cáo thị trường; Bản tin giá cả các mặt hàng nông sản, thủy sản, thực phẩm chế biến và thủ công mỹ nghệ, công nghiệp cơ khí… từ Cổng thông tin thị trường nước ngoài ttnn.com qua email cho các DN trên địa bàn. Website có nhiều lợi ích và thế mạnh trong quảng bá sản phẩm và thương hiệu, là một cửa ngõ để DN tiếp thị sản phẩm đến khách hàng trong nước và quốc tế. Vì vậy, nhiều năm qua, thành phố đẩy mạnh chương trình hỗ trợ một phần chi phí thiết kế website cho DN. Trong năm 2014, thành phố đã có hơn 10 DN được hưởng lợi từ chương trình này.

Đánh giá của Cục TMĐT và Công nghệ thông tin (Bộ Công thương), các chỉ số B2B (loại hình giao dịch qua các phương tiện điện tử giữa DN với DN), B2C (loại hình giao dịch giữa DN và người tiêu dùng qua các phương tiện điện tử), B2G (loại hình giao dịch giữa DN với cơ quan nhà nước, trong đó cơ quan nhà nước đóng vai trò khách hàng) của thành phố trong 2 năm, 2012 – 2013, tăng trưởng khá. Theo ông Phạm Việt Bắc, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, cho biết: Kết quả này cho thấy, hoạt động triển khai TMĐT của TP Cần Thơ đã được kết quả đáng khích lệ. Đặc biệt, một số cơ sở sản xuất, DN vừa và nhỏ trên địa bàn thành phố đã tiếp cận với TMĐT, quan tâm hơn về website giới thiệu sản phẩm… Kết quả này, góp phần nâng cao chất lượng quản lý nhà nước cũng như hiệu quả kinh doanh của DN trên địa bàn thành phố.

* Cần giải pháp đồng bộ

Đạt được kết quả khá khả quan, song theo nhận định của các ngành hữu quan, hoạt động TMĐT của TP Cần Thơ còn nhiều hạn chế. Ứng dụng TMĐT ở nhiều DN chỉ mới dừng lại ở mức độ sử dụng địa chỉ email để giao dịch. Một bộ phận DN, dù đã chú trọng đến xây dựng website riêng, nhưng phần lớn chỉ giới thiệu hoạt động, sản phẩm… chưa có chức năng bán hàng, thanh toán trực tuyến trên website. Vì vậy, thói quen mua, bán, trao đổi hàng hóa chủ yếu vẫn thực hiện theo hình thức truyền thống, chưa thúc đẩy ứng dụng TMĐT trong hoạt động kinh doanh của DN.

Hiện nay, không ít DN xây dựng website bán hàng riêng với nhiều mặt hàng kinh doanh, như: quần áo, giày dép, thực phẩm, rau quả… Nhờ đó, hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa trực tuyến qua mạng Internet dần trở nên phổ biến đối với một bộ phận người tiêu dùng. Nhưng, vẫn còn khá nhiều người tiêu dùng chưa hài lòng và chưa tin tưởng vào dịch vụ này. Anh Hà Quốc Sự ngụ khu vực 3, phường An Khánh, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, cho biết: Bên cạnh sự tiện lợi, mua bán hàng trực tuyến phát sinh nhiều hạn chế khi ngày càng nhiều đối tượng xấu lợi dụng việc mua bán “không gặp mặt” để thực hiện các hành vi lừa đảo với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Phổ biến nhất vẫn là lợi dụng việc mua bán bằng niềm tin, “chuyển tiền không giao hàng” hay chuyển hàng nhái, hàng giả, hàng không đúng mô tả… Mặc dù khung pháp lý đối với những hành vi lừa đảo qua TMĐT đã được các ngành chức năng ban hành; nhiều vụ việc “lừa đảo” được các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý… nhưng tình trạng người tiêu dùng bị lừa gạt vẫn xảy ra phổ biến. Phần lớn người tiêu dùng bị “mắc bẫy” mua hàng qua mạng thông thường cũng chỉ biết “ngậm bồ hòn”. Bởi muốn tố cáo hay kiện tụng cũng không biết căn cứ vào đâu, vì khách hàng không biết công ty, địa chỉ mà chỉ biết một số điện thoại nhưng điện thoại này lại ở tình trạng “Không liên lạc được”… “Ngành hữu quan cần xiết chặt hơn nữa việc cấp phép, hoạt động trái phép, nhất là qua mạng xã hội như: facebook, twitter…của các website bán hàng trực tuyến. Đồng thời, cũng cần xử phạt nghiêm minh những hành vi vi phạm vừa mang tính răn đe, vừa bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng”, anh Hà Quốc Sự kiến nghị.

Ngày 11-5-2014, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 689/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2014-2020 (gọi tắt là Chương trình). Mục tiêu của Chương trình là xây dựng các hạ tầng cơ bản và triển khai các giải pháp, hoạt động hỗ trợ phát triển lĩnh vực TMĐT ở Việt Nam, đưa TMĐT trở thành hoạt động phổ biến, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN và năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chương trình do Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện. Với nguồn kinh phí khoảng 450 tỉ đồng, Chương trình tập trung vào các nội dung chính, như: xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng TMĐT; phát triển các sản phẩm, giải pháp TMĐT; Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực TMĐT... Ngoài ra, Chương trình cũng đề ra những nội dung về tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về TMĐT; tư vấn xây dựng kế hoạch ứng dụng TMĐT; hợp tác quốc tế về TMĐT; nâng cao năng lực quản lý và tổ chức hoạt động phát triển TMĐT… Ông Phạm Việt Bắc, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, cho biết: Để TMĐT phát triển, cần có sự tham gia của các cấp, các ngành và thực hiện đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Các cơ quan quản lý nhà nước cần phải đi đầu trong việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến ở lĩnh vực thuế, hải quan, đăng ký kinh doanh... nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các DN tham gia. Ngoài ra, thành phố tiếp tục quan tâm và đầu tư xây dựng hạ tầng như nguồn nhân lực và các trang thiết bị phục vụ cho việc ứng dụng TMĐT. Trong đó, cần xem xét, đánh giá sự phù hợp trong việc triển khai ứng dụng TMĐT để tránh lãng phí, không hiệu quả. DN cần phải xác định mô hình phù hợp để ứng dụng TMĐT như xây dựng website, tham gia vào các sàn giao dịch trong và ngoài nước.

T. Đạt

Chia sẻ bài viết