22/11/2014 - 20:03

Thúc đẩy thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp

Các khu công nghiệp (KCN) tập trung được xem là hạt nhân thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa của các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nhưng tỷ lệ lấp đầy diện tích đất công nghiệp rất thấp. Nhiều KCN chưa đi vào hoạt động do hạ tầng cơ sở chưa đầu tư đồng bộ, suất đầu tư hạ tầng cao khiến nhà đầu tư hạ tầng loay hoay tìm hướng mở. Làm gì để phát triển công nghiệp bền vững là thách thức lớn cho các địa phương hiện nay.

Nhiều bất cập

ĐBSCL hiện đóng góp khoảng 18,5% GDP cả nước nhưng sự phát triển kinh tế toàn vùng chưa thực sự vững chắc. Trên lĩnh vực công nghiệp, chế biến thủy sản là ngành công nghiệp mũi nhọn, luôn chiếm tỷ trọng cao và có tốc độ tăng trưởng nhanh, nhưng sản phẩm chế biến chỉ dừng lại ở mức cá tra phi lê, tôm đông lạnh, mực đông lạnh... Ngành công nghiệp sản xuất chủ yếu là sản phẩm sơ chế, chưa có nhiều sản phẩm chế biến chuyên sâu. Nguyên nhân công nghiệp vùng ĐBSCL chậm phát triển và không thu hút được các nhà đầu tư lớn do sự bất cập về cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực thấp, chi phí đầu tư cao, chất lượng quy hoạch và định hướng chung cho phát triển thiếu tính liên kết.

Hiện giá trị sản xuất công nghiệp của các DN trong KCN chiếm khoảng 20-60% giá trị sản xuất công nghiệp hằng năm của các địa phương. Song, đa phần hạ tầng cơ sở các KCN chưa được đầu tư đồng bộ, việc mời gọi DN đầu tư hạ tầng rất khó khăn. Trên thực tế, nhiều KCN tại vùng đã được quy hoạch cách đây 5- 7 năm, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng cơ bản. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, toàn vùng ĐBSCL hiện có 51 Khu công nghiệp (KCN) và khoảng 200 cụm công nghiệp đang hoạt động, với tỷ lệ lấp đầy và thuê đất mới chiếm khoảng trên 50%. Số KCN có tỷ lệ lấp đầy tập trung tại tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre và TP Cần Thơ. Long An là địa phương dẫn đầu ĐBSCL với 28 KCN, tổng diện tích 10.216 ha, trong đó, 16 KCN đã đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy 49%, với 891 dự án đầu tư (321 dự án FDI, vốn đăng ký đầu tư hơn 2,12 tỉ USD; 570 dự án trong nước, vốn hơn 32.009 tỉ đồng). Theo ông Phạm Văn Rạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, hiện có 33 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh, nhà đầu tư "soi" rất kỹ các vấn đề như: cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, vùng nguyên liệu... khi đến tìm hiểu đầu tư. Môi trường kinh doanh tại địa phương cũng là nhân tố để nhà đầu tư quyết định ở lại địa phương. Để xúc tiến đầu tư hiệu quả, không chỉ nỗ lực từ phía địa phương mà phải có sự hỗ trợ từ chính sách của Trung ương.

Công nghiệp chế biến tại ĐBSCL chưa có nhiều sản phẩm chế biến chuyên sâu (Ảnh: chế biến cá tra phi lê xuất khẩu tại Công ty TNHH Công nghiệp Thủy sản miền Nam, KCN Trà Nóc 2, TP Cần Thơ). Ảnh: T.H

TP Cần Thơ có 8 KCN đang hoạt động, diện tích khoảng 2.267ha, diện tích đã cho thuê hơn 567ha, với 214 dự án còn hiệu lực. Ông Võ Thanh Hùng, Trưởng Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ (KCX&CN Cần Thơ) cho biết, các KCN đang thiếu đất sạch, nền đất yếu làm giá thành đầu tư 1m2 đất công nghiệp tương đối cao, nên giá cho thuê lại cao 3-5 lần giá thuê đất tại các KCN Vĩnh Long, Hậu Giang, Đồng Tháp, An Giang. Thêm vào đó, các DN đầu tư hạ tầng KCN Cần Thơ không còn được ưu đãi về thuế thu nhập DN, các DN thứ cấp đầu tư vào KCN chỉ được hưởng ưu đãi theo ngành nghề và sản phẩm chứ không được hưởng ưu đãi đầu tư theo địa bàn (do Cần Thơ là đô thị loại I). Đầu tư vào các KCN không còn hấp dẫn và thuận lợi nên những năm gần đây, thu hút đầu tư vào các KCN Cần Thơ sụt giảm nghiêm trọng. Trong khi các dự án đang hoạt động đa phần là vừa và nhỏ, công nghệ thấp, lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, sử dụng nhiều diện tích đất và lao động phổ thông.

Theo nhận định của các cơ quan chuyên môn, công tác quy hoạch KCN tại ĐBSCL còn nhiều bất cập, khoảng 50% số KCN đang gặp khó khăn về thu hút đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, giải phóng mặt bằng, cơ chế hoạt động, kinh doanh. Tính dàn trải, thiếu tập trung về không gian, ngành nghề, sản phẩm; cơ chế, chính sách thay đổi (nhất là Luật đất đai, thuế, môi trường…) và thiếu đồng bộ đã làm suy giảm tính ưu việt của mô hình quản lý nhà nước về KCN. Tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong thu hút đầu tư của các địa phương cũng làm cho hiệu quả phát triển kinh tế- xã hội thấp. Việc quy hoạch thêm nhiều KCN trong khi có địa phương các KCN hiện có tỷ lệ lấp đầy đất công nghiệp chưa tới 50% khiến đất bỏ hoang, lãng phí. Mặt khác, có nhiều nhà đầu tư hạ tầng KCN năng lực tài chính hạn chế, địa phương phải thu hồi chủ trương đầu tư, giao DN khác cũng làm quá trình giải phóng mặt bằng KCN trì trệ…

Cần sự trợ lực

Tại MDEC Sóc Trăng 2014 diễn ra vào đầu tháng 11-2014, nhiều ý kiến của lãnh đạo Bộ, ngành Trung ương, địa phương và các chuyên gia cho rằng, nhiều địa phương ĐBSCL đang nỗ lực công nghiệp hóa (TP Cần Thơ, tỉnh Long An, Tiền Giang…) nhưng còn "nghẽn" trong phát triển vì thiếu cơ chế, thiếu liên kết. Đặc biệt trong lĩnh vực thu hút đầu tư, các địa phương vẫn xúc tiến theo địa giới hành chính địa phương mà chưa nhìn rộng ra toàn vùng. Trong 51 KCN đang hoạt động có tới 2/3 chưa có nhà máy xử lý nước thải tập trung khiến tình trạng ô nhiễm môi trường ở mức báo động. Nhiều KCN giải phóng mặt bằng theo kiểu "da beo" khiến thu hút đầu tư khó, những hộ dân bị ảnh hưởng dự án cũng "tiến thoái lưỡng nan" trong ổn định cuộc sống, cơ hội việc làm. Ông Nguyễn Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho rằng, các địa phương cần khắc phục nhanh chóng nạn ô nhiễm môi trường ở KCN. Thời gian tới, cần tập trung thu hút các dự án lớn, có tính chất động lực, thúc đẩy sự phát triển chung của toàn vùng cũng như các dự án phụ trợ đi kèm. Tranh thủ các nguồn vốn để hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật KCN hiện có. Chủ động liên kết, xúc tiến đầu tư từ các quốc gia, vùng lãnh thổ phát triển mạnh về các lĩnh vực mà vùng có tiềm năng, lợi thế.

Theo phản ánh của các địa phương, công tác xúc tiến đầu tư rất cần sự trợ lực của các Bộ, ngành Trung ương; đồng thời cần ngân sách hỗ trợ cho các DN đầu tư hạ tầng để hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật bên trong và bên ngoài KCN. Ông Võ Ngọc Hồ, Giám đốc Công ty TNHH MTV Xây dựng hạ tầng KCN Cần Thơ, cho biết: "Kết quả nổi bật nhất trong thu hút đầu tư vào thành phố thời gian qua là Cần Thơ có Vườn ươm Công nghệ công nghiệp Việt Nam- Hàn Quốc đặt tại KCN Trà Nóc 2. Tuy nhiên, vấn đề khó nhất hiện nay là khi nhà đầu tư "ươm" xong công nghệ, họ sẽ đem "gieo" ở đâu. Nhà đầu tư cần đất sạch để gieo công nghệ và công ty hạ tầng khó cấp đất cho nhà đầu tư do thiếu kinh phí để giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch. Như vậy, công ty hạ tầng rất cần sự tiếp sức từ ngân sách thành phố trong đầu tư hạ tầng". Ông Võ Thanh Hùng, Trưởng Ban Quản lý các KCX&CN Cần Thơ cho rằng, nếu không có đột phá về chính sách, thu hút đầu tư vào KCN thành phố tiếp tục trì trệ và tác động đến sản xuất công nghiệp thành phố thời gian tới. Do đó, công tác xúc tiến đầu tư có thể đi theo hướng xã hội hóa. Trước khi xúc tiến cần hiểu về đối tác, lĩnh vực và ngành nghề đối tác có thế mạnh và phù hợp với dự án mà địa phương cần mời gọi. Phải hiểu luật pháp, phong tục tập quán nước sở tại, đặc biệt luật chuyển giao công nghệ ra nước ngoài của các nước như: Mỹ, Đức, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Mặc dù có sự phân chia theo địa giới hành chính, song nhiều chuyên gia cho rằng, cần coi ĐBSCL như một cấu trúc tương đồng để hoạch định chính sách chung về đầu tư phát triển. Các địa phương trong quá trình xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển của mình, đặc biệt lưu tâm đến yếu tố liên kết trong vùng và giữa các vùng, tạo lên sức mạnh cộng hưởng trong đầu tư và phát triển.

SONG NGUYÊN

Chia sẻ bài viết