03/09/2018 - 15:21

Thúc đẩy mua bán hàng Việt tại chợ truyền thống 

Tại quận nội ô Ninh Kiều xuất hiện ngày càng nhiều các trung tâm thương mại, siêu thị và cửa hàng tiện ích, nhưng chợ truyền thống vẫn còn là “kênh” mua bán hàng hóa rất quan trọng của người dân...

Hàng việt chiếm ưu thế

Quận Ninh Kiều hiện có 16 chợ truyền thống, trong đó có 1 chợ do thành phố quản lý và 9 chợ do doanh nghiệp quản lý.  Bên cạnh đó, quận có 15 siêu thị, trung tâm thương mại và trên 40 cửa hàng tiện ích, 2 chợ đêm (Ninh Kiều và Cần Thơ) và 4 tuyến phố chuyên doanh. Cụ thể như: phố chuyên doanh ẩm thực Đề Thám-Huỳnh Cương, phố chuyên doanh thời trang cao cấp Nguyễn Trãi, phố chuyên doanh thời trang Mậu Thân và Nguyễn Việt Hồng. Theo Phòng Kinh tế quận Ninh Kiều, toàn quận hiện có hơn 22.400 cơ sở kinh doanh thương mại-dịch vụ, thu hút hơn 42.000 lao động. Trong đó, có 11.661 cơ sở thương mại; 57 cơ sở du lịch; nhà hàng và khách sạn 4.956 cơ sở, dịch vụ 5.727 cơ sở. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của quận hiện chiếm gần 60% tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ của thành phố.

Mua bán thực phẩm tươi sống tại chợ Nhà lồng 3, Trung tâm Thương mại Cái Khế, TP Cần Thơ.

Với vị trí là quận trung tâm, nắm giữ vai trò "đầu tàu" trong phát triển kinh tế-xã hội thành phố, quận Ninh Kiều đã và đang rất quan tâm thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Từ đầu năm đến nay, quận Ninh Kiều phối hợp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Cần Thơ,  và đơn vị liên quan, tuyên truyền cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" được hơn 320 cuộc, với gần 10.000 lượt người tham dự và tổ chức nhiều phiên chợ, hoạt động mua bán, quảng bá hàng Việt. Các trung tâm thương mại và  nhất là siêu thị Co.opMart cũng triển khai nhiều đợt khuyến mãi, ưu đãi cho người tiêu dùng mua hàng Việt, với giá trị hàng hóa bán ra hàng chục tỉ đồng. Đặc biệt, các ngành chức năng và doanh nghiệp trên địa bàn quận đã triển khai nhiều giải pháp rất hiệu quả nhằm đẩy mạnh việc ưu tiên kinh doanh, tiêu dùng hàng Việt tại các chợ truyền thống. Ông Phan Hiển Đạt, Phó Trưởng Phòng Kinh tế, quận Ninh Kiều cho biết: "Phòng đã phối hợp các ban, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, chú ý phát huy vai trò của cán bộ, Đảng viên và các đoàn thể, nhất là Hội liên hiệp phụ nữ, hội cựu chiến binh, tiểu thương và các đối tượng trực tiếp mua bán hàng hóa hằng ngày, để tuyên truyền vận động ưu tiên hàng Việt đạt hiệu quả và tạo được sức lan tỏa cao".

Chung tay nâng tầm hàng Việt

Nhiều năm qua, Công ty cổ phần Thương nghiệp tổng hợp Cần Thơ (C.T.C) là doanh nghiệp đang quản lý 2 xí nghiệp chuyên doanh thủy sản và gia súc gia cầm, 1 trung tâm bách hóa, 3 chợ truyền thống gồm chợ Tân An, Chợ cổ Cần Thơ, chợ Hưng Lợi. Công ty ưu tiên và tối đa hóa việc kinh doanh các sản phẩm hàng Việt tại các chợ, điểm phục vụ cố định, và cả các phiên chợ đưa hàng về nông thôn. Các chợ truyền thống được củng cố, tổ chức thực hiện bình ổn thị trường và khuyến khích áp dụng cách thức bán hàng theo tiêu chí chợ văn minh đô thị để tích cực thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Bên cạnh đó, công ty cũng là một trong những doanh nghiệp được UBND thành phố và Sở Công thương tin tưởng giao nhiệm vụ tham gia thực hiện bình ổn thị trường từ năm 2010 đến nay. Từ đó, chương trình ưu tiên dùng hàng Việt được công ty kết hợp chặt chẽ với các tiêu chí về bình ổn thị trường như: hàng hóa phải có nguồn gốc, đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm theo quy định và giá thường thấp hơn thị trường 5-10%.

Bà Lê Ngọc Lý, Phó tổng Giám đốc C.T.C cho biết: "Công ty đã triển khai các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, an toàn thực phẩm, đảm bảo chất lượng hàng hóa tại chợ và tập huấn cho tiểu thương về cách trưng bày hàng hóa, kiểm tra về chất lượng hàng hóa, giới thiệu và xúc tiến sản phẩm, thái độ mua bán văn minh lịch sự. Đảm bảo giá cả hợp lý, tránh việc nói thách, thông qua việc bắt buộc niêm yết giá bán và bảng giá được cập nhật ngay mỗi khi có sự thay đổi… Công ty hướng tới xây dựng chợ truyền thống là nơi "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", nơi trở thành thị trường tiêu thụ các sản phẩm của các địa phương và doanh nghiệp trong nước với số lượng lớn và ổn định".

C.T.C cũng đã nghiên cứu, thực hiện mô hình "Gian hàng Việt", với 100% hàng hóa chất lượng và có xuất xứ trong nước, thí điểm tại Chợ cổ Cần Thơ, với mục tiêu hướng đến đối tượng tiểu thương-những người tiếp xúc, tư vấn trực tiếp cho khách hàng lựa chọn hàng Việt khi đến chợ truyền thống mua sắm. Ý tưởng của công ty đã nhận được sự quan tâm ủng hộ của Câu lạc bộ tiểu thương, cùng nhiều tiểu thương tại chợ và từ tháng 8-2016 đến nay đã triển khai được 25 "Gian hàng Việt" kinh doanh hàng lưu niệm, hàng thủ công mỹ nghệ và hàng may mặc. Tới đây, công ty dự kiến nhân rộng mô hình này sang các chợ khác trong hệ thống, với mong muốn góp thêm mô hình mới, cách làm mới cùng với địa phương thực hiện thắng lợi cuộc vận động mà Bộ Chính trị đã đề ra.

Theo bà Lê Ngọc Lý, Phó tổng Giám đốc C.T.C, không lý gì để cho chợ truyền thống của chúng ta có sự lén lút thâm nhập hàng gian, hàng giả, nguồn gốc không rõ ràng, không đảm bảo chất lượng, trong khi sản phẩm có chất lượng của doanh nghiệp Việt Nam nói chung, Cần Thơ nói riêng phải đối mặt với nhiều khó khăn trong tiêu thụ. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần phải xây dựng chợ truyền thống là nơi bán hàng đảm bảo chất lượng, giá cả bình ổn, là sân nhà của doanh nghiệp Việt Nam để tiêu thụ hàng Việt. Mỗi tiểu thương là một đại sứ cho hàng Việt và mỗi doanh nghiệp cần quan tâm nhiều hơn nữa đến việc đưa hàng hóa ra chợ truyền thống.

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết