01/11/2018 - 21:44

Thúc đẩy liên kết phát triển hợp tác xã nông nghiệp 

Hiện nay nhiều mô hình kinh tế tập thể, đặc biệt là mô hình hợp tác xã (HTX) nông nghiệp theo Luật HTX mới được thành lập trên địa bàn TP Cần Thơ khẳng định được hiệu quả, tích cực góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Đặc biệt, HTX đã tăng cường được mối liên kết, khắc phục tình trạng nông dân canh tác trên diện tích manh mún, nhỏ lẻ theo từng nông hộ, khó liên kết với các đơn vị bao tiêu và khó phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa lớn với chất lượng, đồng nhất và có sức cạnh tranh cao trong bối cảnh hội nhập quốc tế. 

Khẳng định hiệu quả

Thời gian qua, các HTX nông nghiệp giúp cung cấp nhiều dịch vụ tiện ích phục vụ xã viên và tạo điều kiện thuận lợi cho xã viên đẩy mạnh tiếp cận và ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nâng cao chất lượng, giảm chi phí sản xuất và ổn định đầu ra sản phẩm nhờ sản xuất theo đơn đặt hàng của các đơn vị, doanh nghiệp…


Sản xuất rau màu tại HTX nông nghiệp Thân Thiện ở  quận Thốt, TP Cần Thơ. Ảnh: KHÁNH TRUNG

Theo ông Huỳnh Văn Chiến, Giám đốc HTX nông nghiệp Thân Thiện ở  khu vực Tân Lợi 1, phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, HTX ra đời vào tháng 5-2016 trên cơ sở nâng cấp tổ hợp tác đã có trước đó tại địa phương. Chính nhờ tiến lên thành lập HTX, sản xuất lúa giống và nhiều loại rau màu theo đơn đặt hàng của tiểu thương và các doanh nghiệp bao tiêu như: bắp ngọt, đậu nành rau… mà nông dân tại HTX không phải lo đầu ra cho sản phẩm. Bà con cũng có điều kiện đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, mạnh dạn đưa xuống nền đất lúa những loại rau màu mới mang lại hiệu quả cao.

Trên địa bàn thành phố hiện có 277 HTX, với hơn 11.665 thành viên, trong đó có 127 HTX nông nghiệp. Nhìn chung, hoạt động của các HTX nói chung và HTX nông nghiệp nói riêng phát triển theo hướng tích cực, thể hiện được tính bản chất, nguyên tắc của Luật HTX. Các HTX thành lập mới xuất phát từ nhu cầu thực tế của thành viên cần liên kết hợp tác, phát triển sản phẩm. Nhiều HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả, với nhiều dịch vụ hỗ trợ thành viên và tiến hành liên kết, hợp đồng với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, đầu tư thiết bị, công nghệ mới phục vụ sản xuất. Đặc biệt, các HTX sản xuất lúa giống, HTX nuôi thủy sản, chăn nuôi bò sữa, rau màu, vườn cây ăn trái đã tạo được liên kết hiệu quả trong tiêu thụ sản phẩm…

Tuy nhiên, hoạt động của HTX nông nghiệp, nông thôn vẫn còn gặp không ít khó khăn. Tính hình thức trong chuyển đổi HTX theo Luật HTX mới (Luật HTX 2012) chưa được khắc phục về căn bản. Phần lớn HTX quy mô còn nhỏ, thiếu vốn, tài sản ít, năng lực nội tại còn yếu, khả năng cạnh tranh thấp. Đội ngũ cán bộ quản lý HTX còn hạn chế về trình độ tổ chức, quản lý điều hành hoạt động, lại thường làm việc không ổn định, lâu dài trong HTX. Các chính sách hỗ trợ, ưu đãi HTX đã được quy định tại Điều 6 Luật HTX 2012 và được hướng dẫn thi hành tại Nghị định 193 của Chính phủ và Quyết định 2261 của Thủ tướng Chính phủ, nhưng phần lớn chưa được cụ thể hóa  nên HTX còn khó tiếp cận và thụ hưởng. Những khó khăn này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng hoạt động của HTX, dẫn đến số lượng HTX hoạt động hiệu quả tốt tăng chưa nhiều. Hiện còn tình trạng HTX hoạt động cầm chừng hoặc ngưng hoạt động nhưng chưa giải thể được và có không ít HTX mới chỉ cung cấp được một vài dịch vụ đơn giản đầu vào, còn bỏ trống khâu chế biến, tiêu thụ sản phẩm, cung cấp tín dụng nội bộ cho thành viên, hoạt động liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp chưa chặt chẽ và chưa có tính bền vững.

Cần giải pháp đồng bộ

  Vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP Cần Thơ cũng đã ký kết Chương trình phối hợp giữa Sở với Liên minh HTX TP Cần Thơ và Hội Nông dân TP Cần Thơ về thực hiện mục tiêu 180 HTX và liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020. Mục tiêu nhằm tăng cường sự phối hợp giữa 3 đơn vị để triển khai thực hiện tốt Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển 15.000 HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020”. Theo đó, Cần Thơ xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có 180 HTX và liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả của Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đến năm 2020, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn; nâng cao hiệu quả tổ chức sản xuất ở nông thôn và vai trò tự chủ, sáng tạo của HTX trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Để đạt mục tiêu trên, 3 đơn vị đã cam kết phối hợp triển khai nhiều công việc cụ thể nhằm củng cố, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả của HTX nông nghiệp trên địa bàn thành phố…

Trong bối cảnh hoạt động của HTX nông nghiệp còn nhiều khó khăn đã ít nhiều dẫn đến một bộ phận người dân còn nhận thức và đánh giá chưa đúng mức về vai trò, vị trí của HTX trong nông nghiệp, nông thôn, không thấy được đây là giải pháp quan trọng để tổ chức lại sản xuất và tái cơ cấu nông nghiệp thành công. Đây cũng là con đường để các hộ dân liên kết giúp mình, tương trợ lẫn nhau cùng vươn lên làm giàu và thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Do vậy, tới đây các cơ quan chức năng cần quan tâm đẩy mạnh hơn công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức và hành động của người dân. Đồng thời, có các giải pháp đồng bộ để tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy HTX nông nghiệp phát triển và nâng cao hiệu quả  hoạt động.

Theo ông Nguyễn Đức Phương, Chủ tịch Liên minh HTX TP Cần Thơ, trước hết cần tăng cường tuyên truyền cho người dân hiểu HTX kiểu mới và tự nguyện tham gia, khi hiểu và gắn liền với lợi ích mà HTX kiểu mới mang lại sẽ là động lực để chuyển mạnh từ sản xuất theo hộ gia đình riêng lẻ sang mô hình sản xuất hợp tác, liên kết tập trung quy mô lớn. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hoạt động tư vấn hỗ trợ, giúp các HTX khắc phục, sửa chữa những hạn chế và nâng cao hiệu quả hoạt động. Đồng thời, trong lúc phong trào HTX còn yếu hiện nay cần “cú hích” từ các chính sách hỗ trợ về vốn, chính sách thuế, xúc tiến thương mại, chính sách đất đai gắn với hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật, khoa học công nghệ… để HTX phát triển. Hiện các chính sách hỗ trợ phát triển HTX theo Nghị định 193 của Chính phủ và Quyết định 2261 của Thủ tướng Chính phủ đã được triển khai, điều quan trọng là các nguồn lực hỗ trợ cho HTX nên giao cho một hoặc hai đầu mối quản lý để thuận lợi cho việc thống kê, đánh giá từng chính sách cụ thể, giúp cho việc xây dựng, điều chỉnh và tổ chức thực hiện chính sách hiệu quả và HTX dễ tiếp cận và thực sự thụ hưởng. Ông Nguyễn Đức Phương, Chủ tịch Liên minh HTX TP Cần Thơ, nhấn mạnh: “Thực hiện các giải pháp là nhằm hướng tới xây dựng từng HTX đủ mạnh để trở thành một đối tác bình đẳng thực sự trên thị trường, lúc đó thành viên, người lao động đặc biệt là nông dân mới có vị trí tương xứng trong chuỗi giá trị sản phẩm do mình trực tiếp sản xuất ra”.

KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết