Biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng nhanh, khốc liệt, khó lường, đã và đang tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Vì thế, TP Cần Thơ đã chủ động khai thác tiềm năng để thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn (KTTH), hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Thành phố đang thí điểm mô hình “Trường học xanh, giảm thiểu rác thải”, thúc đẩy hành động thiết thực của học sinh trong hành trình xây dựng ý thức cộng đồng vì một tương lai xanh bền vững.
Từ năm 2020, khái niệm KTTH đã được Chính phủ Việt Nam quy định cụ thể trong Luật Bảo vệ môi trường 2020. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án “Phát triển KTTH ở Việt Nam” tại Quyết định số 687/QĐ-TTg. Trên cơ sở đó, TP Cần Thơ xây dựng các chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện đề án phát triển KTTH ở Việt Nam trên địa bàn thành phố. Theo đó, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền chính sách pháp luật thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững; triển khai tuyên truyền các giải pháp, mô hình áp dụng, tài liệu về chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững đến các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp. Cùng đó, thực hiện lồng ghép các nội dung về sản xuất và tiêu dùng bền vững vào trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của thành phố, các ngành và địa phương, các chương trình phát triển bền vững, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội…
Với nguồn phụ phẩm dồi dào từ hoạt động sản xuất nông nghiệp, TP Cần Thơ hình thành một số mô hình KTTH hướng đến nền nông nghiệp thân thiện môi trường, gia tăng giá trị cho nông dân. Đơn cử, được sự hỗ trợ của ngành Nông nghiệp thành phố và Viện Nghiên cứu lúa gạo Quốc tế (IRRI), HTX New Green Farm (quận Thốt Nốt) tận dụng rơm trong quá trình sản xuất lúa để trồng nấm rơm và phân bón hữu cơ để trồng lúa và bón cho nhiều loại cây trồng. Hợp tác xã đã sản xuất hơn 70 tấn phân hữu cơ và hiện đang mở rộng quy mô sản xuất từ 500m² lên 4.500m². Mới đây, Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Tiến Thuận (huyện Vĩnh Thạnh) khởi động mô hình KTTH từ rơm. Theo bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, từ những thành công bước đầu tại mô hình nông nghiệp tuần hoàn của HTX New Green Farm, ngành Nông nghiệp thành phố đang tiếp tục phối hợp cùng IRRI và các đơn vị có liên quan để phát triển mô hình. Thành phố mong muốn nhân rộng mô hình này ở các hợp tác xã trồng lúa và vùng sản xuất lúa trên địa bàn thành phố…
Từ vụ hè thu 2024, TP Cần Thơ được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn thí điểm mô hình thực hiện Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL, tại Hợp tác xã nông nghiệp Tiến Thuận ở xã Thạnh An (huyện Vĩnh Thạnh) với diện tích 50ha. Thành phố hỗ trợ 6 mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trên lúa và cây ăn trái nhằm hướng người dân sản xuất an toàn, chất lượng, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên hiện hữu. Trong hoạt động chăn nuôi, thành phố hướng dẫn các hợp tác xã chăn nuôi ứng dụng mô hình KTTH như đệm lót sinh học, hầm biogas, nuôi trùn quế, mô hình VAC... tận dụng nguồn phụ phẩm để tái sử dụng và gia tăng lợi nhuận cho sản xuất nông hộ. Thành phố hiện có 234 trang trại chăn nuôi, đa số các trang trại đều có xử lý chất thải chăn nuôi bằng biogas và số hộ chăn nuôi gia súc có áp dụng các biện pháp như biogas, đệm lót sinh học, xử lý chất thải chăn nuôi ước trên 65%...
Trong phát triển du lịch ở Cần Thơ, nhiều mô hình bền vững, có tính tuần hoàn đã được thực hiện trong khai thác du lịch như sử dụng năng lượng tái tạo, các điểm du lịch, nhà hàng, khách sạn chuyển sang tái tạo các vật liệu, dùng các túi phân hủy sinh học, ống hút giấy, cốc giấy, bằng gỗ, tre… Nhằm tăng cường sử dụng năng lượng sạch trong giao thông, bảo vệ môi trường, hiện trên địa bàn thành phố sử dụng 27 phương tiện xe bốn bánh (từ 9-15 chỗ ngồi) chạy năng lượng điện vận chuyển khách du lịch; có 390 phương tiện taxi (từ 4-8 chỗ ngồi) chạy bằng năng lượng điện, chiếm 50% số lượng phương tiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi sử dụng phương tiện xe bốn bánh trên địa bàn thành phố.
Mục đích của nền KTTH là hướng tới tái sử dụng chất thải, góp phần hiệu quả trong việc giảm thiểu ô nhiễm, sử dụng hiệu quả tài nguyên, hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững. TP Cần Thơ đang nỗ lực tìm và triển khai các giải pháp quản lý hiệu quả chất thải rắn, hướng đến KTTH. Thời gian qua, thành phố đã tích cực phối hợp với các tổ chức trong nước và quốc tế để chia sẻ, học hỏi những sáng kiến, giải pháp về quản lý chất thải rắn. Ðồng thời, triển khai thí điểm một số dự án trên địa bàn như dự án thu gom tự động rác nổi trên sông; mô hình phân loại rác sinh hoạt tại nguồn; mô hình KTTH tại chợ nổi Cái Răng, Cồn Sơn; mô hình trường học xanh, giảm thiểu rác thải… nhằm góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về thu gom, phân loại, cũng như tận dụng, tái chế rác thải, chất thải rắn...
Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, cho biết: Thành phố tăng cường nâng cao nhận thức, sự chủ động, phát huy đổi mới sáng tạo và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp về phát triển KTTH; khuyến khích lối sống có trách nhiệm của từng cá nhân đối với cộng đồng và xã hội, định hướng thế hệ tương lai về văn hóa sống xanh, hình thành xã hội văn minh, hiện đại hài hòa với thiên nhiên và môi trường. Cùng đó, lồng ghép nội dung về KTTH, kinh tế xanh, phát triển bền vững trong việc xây dựng, thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cơ quan. Đồng thời, đẩy mạnh việc áp dụng các công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, các mô hình KTTH hướng tới phát triển kinh tế xanh, phát triển bền vững. Thành phố tiếp tục triển khai các giải pháp xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước gắn với các mục tiêu phát triển KTTH…
Bài, ảnh: KIM PHÚC