31/10/2016 - 20:50

Diễn đàn Mekong Connect – CEO FORUM 2016

Thúc đẩy đổi mới tư duy sản xuất, kinh doanh theo hướng bền vững

Diễn đàn Mekong Connect – CEO FORUM 2016 (lần 2) vừa khai mạc tại TP Cần Thơ với sự tham dự của 600 doanh nhân, các nhà quản lý Trung ương và địa phương, chuyên gia và nhà báo cùng bàn cách ứng phó trước những vấn đề sống còn của ĐBSCL. Với chủ đề "Tìm cơ trong nguy - đối mặt Biến đổi khí hậu, vấn nạn môi trường và thách thức hội nhập", diễn đàn năm nay thể hiện vai trò tích cực trong việc thúc đẩy các tổ chức, cá nhân đổi mới tư duy sản xuất, kinh doanh theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và bối cảnh cạnh tranh mới.

Nhận diện các thách thức

Vùng ĐBSCL (Mekong) có 13 tỉnh – thành phố, hơn 17 triệu dân, đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, chiếm khoảng 80% giá trị xuất khẩu gạo và gần 60% giá trị xuất khẩu thủy sản của cả nước. Tuy nhiên, đầu năm 2016, trong gần 100 năm, ĐBSCL mới hứng chịu những ảnh hưởng nặng nề nhất của vấn đề biến đổi khí hậu. Đó là tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt trong sản xuất, sinh hoạt của người dân… Cả một vùng đồng bằng trù phú với bao loại sản vật dưới nước, trên đồng bị thiệt hại nặng nề. Bên cạnh đó, những vấn đề về môi trường cũng khiến ĐBSCL đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, thậm chí nhiều cảnh báo tiêu cực của ĐBSCL đã được các chuyên gia đề cập.

 Khách tham quan, tìm hiểu các loại lúa gạo đặc sản ngon và lúa gạo có khả năng chống chịu phèn mặn tốt được trưng bày, giới thiệu tại Mekong Connect 2016. Ảnh: KHÁNH TRUNG

Theo Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, vùng ĐBSCL và cả nước nói chung đang đứng trước sức ép từ hội nhập ngày càng lớn khi nước ta đã tham gia 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), cam kết mở cửa với 57 nền kinh tế trên thế giới. Cơ hội mở ra là rất nhiều nhưng thách thức cũng rất lớn ngay cả trên sân nhà nếu chúng ta không kịp thời nâng cao nội lực sẽ khó nắm bắt được các cơ hội. Sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay không thể dựa vào các yếu tố lao động giá rẻ, tài nguyên đất, nước dồi dào như trước đây mà cần phải thay đổi bởi dân số tăng, diện tích đất cho nông nghiệp thấp, nguồn nước ngày càng khan hiếm và thị trường nông sản thường xuyên biến động lớn. Bà Phạm Chi Lan cho rằng: "Nông sản sản lượng thấp, giá rẻ sẽ rất khó cạnh tranh trên thị trường bởi ngay cả người tiêu dùng trong nước cũng sẽ tiến tới không chấp nhận các sản phẩm chất lượng thấp, không an toàn. Tới đây, muốn nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cho các sản phẩm nông sản của nước ta, phải đặt chất lượng, an toàn lên hàng đầu…". Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chỉ rõ: Sản xuất nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức về nguồn nhân lực do nước ta bước vào quá trình "già hóa" dân số. Việc "giữ lại" những người giỏi trong nông nghiệp sẽ càng gặp khó do cạnh tranh với các lĩnh vực công nghiệp, đô thị và thương mại-dịch vụ…

Theo ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, trong quá trình sản xuất của ngành nông nghiệp, sản lượng sản phẩm dành cho xuất khẩu cũng như tiêu dùng trong nước chủ yếu từ vùng ĐBSCL. Từ việc xuất khẩu gạo đến các sản phẩm như cá, tôm, trái cây đều là các sản phẩm chủ lực của miền Nam. Tuy nhiên, để quá trình sản xuất và buôn bán các loại hàng hóa của vùng trong bối cảnh hội nhập quốc tế, yêu cầu đặt ra là chúng ta phải làm ra được các sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường trong và ngoài nước mà thông điệp trước hết là "Sản xuất ra sản phẩm sạch cho đồng bào và nhân dân ta!". Trong thời điểm hiện nay, để thực hiện được những mục tiêu trên phải nhờ vào sự phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, ứng dụng mạnh mẽ các kết quả nghiên cứu khoa học và lĩnh vực sản xuất. Bên cạnh đó, cần nhanh chóng phát triển và đẩy mạnh tinh thần khởi nghiệp ở lớp trẻ của đất nước. Đây cũng chính là những tiềm năng và thế mạnh của người Việt Nam.

Đổi mới tư duy trong sản xuất kinh doanh

Dù nhận định đối mặt với nhiều mối nguy nhưng nhiều đại biểu tham dự Diễn đàn Mekong Connect – CEO FORUM 2016 lạc quan khi chỉ ra "trong cái nguy sẽ có nhiều cơ hội mới để phát triển". Và vấn đề là cần sẵn sàng tâm thế đối mặt các khó khăn, kịp thời đổi mới tư duy trong sản xuất, kinh doanh để phù hợp tình hình mới.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam, TP Cần Thơ đăng cai tổ chức diễn đàn Mekong Connect- CEO FORUM lần thứ 2 với rất nhiều kỳ vọng. Đặc biệt, diễn đàn diễn ra trong bối cảnh TP Cần Thơ vừa đón 1 tin vui quan trọng là vào ngày 24-10, chiếc tàu Tân Cảng Pioneer của Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn qua kênh Quan Chánh Bố vào sông Hậu và là chuyến tàu container đầu tiên vận chuyển hàng hóa trực tiếp đi từ cảng Hải Phòng vào cảng Cái Cui mà không qua các cảng trung gian khác. Nhờ đó, hàng hóa của vùng ĐBSCL có thể tập trung tại Cần Thơ để trung chuyển đi các nơi và xuất khẩu. Ông Trương Quang Hoài Nam cho rằng: "Điều này chứng tỏ trong khó khăn không phải là không có lối ra nếu chúng ta cùng quyết tâm hành động, cùng bàn bạc giải pháp thích ứng vì sự phát triển trong tương lai của vùng ĐBSCL". Phó Bí Thư thường trực tỉnh ủy Bến Tre Phan Văn Mãi cho biết: "Chủ đề của diễn đàn Mekong connect năm nay cho thấy sự tiếp cận vấn đề một cách linh hoạt và lạc quan hơn. Ông bà ta cũng từng nói "cái khó ló cái khôn"! Thực tế cho thấy, tại Bến Tre và ĐBSCL nói chung khi phải đối diện hạn mặn khốc liệt vào đầu năm 2016 lúc đầu còn lúng túng nhưng sau đó đã nhìn lại và tìm cách thích ứng. Các cấp chính quyền ở Bến Tre đã tích cực đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp trong thực hiện biện pháp chủ động ứng phó với hạn mặn và biến đổi khí hậu, như: trữ nước ngọt, kịp thời đổi mới cơ cấu sản xuất nông nghiệp và cơ cấu kinh tế, thay đổi môi trường thu hút đầu tư sản xuất kinh doanh… Đáng mừng là đến nay người dân, doanh nghiệp trên địa bàn đã có tâm thế sẵn sàng đổi mới để chủ động đối mặt các khó khăn, thách thức".

Mekong Connect là sự kiện thường niên dành cho các cấp quản lý và lãnh đạo doanh nghiệp của ĐBSCL. Đây là nơi gặp gỡ, trao đổi và chia sẻ thông tin, cơ hội kinh doanh, do mạng lưới liên kết 4 tỉnh thành ABCD Mekong (An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp) cùng Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (DN.HVNCLC) và CLB Doanh nghiệp Dẫn đầu (LBC), Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA) đồng tổ chức. Diễn đàn năm nay quy tụ hơn 600 doanh nhân, chuyên gia, người làm chính sách và nông dân có mối quan tâm và lợi ích liên quan mật thiết đến sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực này. Bên cạnh những chia sẻ trên diễn đàn, Mekong Connect 2016 dành không gian triển lãm rộng lớn để giới thiệu những thành tựu đổi mới công nghệ trong nông nghiệp, giới thiệu các loại nông sản sạch và dự án khởi nghiệp. Đặc biệt, có hàng chục dự án khởi nghiệp nổi bật trong nông nghiệp được chọn lọc tham gia, để tìm kiếm cơ hội kết nối với các nhà đầu tư.

Nhiều chuyên gia cũng chỉ rõ nhiều cơ hội mới trong sản xuất kinh doanh mà người dân tại ĐBSCL có thể nắm bắt để phát triển trong thời gian tới. Cụ thể: sản xuất, kinh doanh loại nông sản theo hướng sạch, phát triển các khâu chế biến, bảo quản nông sản để nâng cao giá trị gia tăng, áp dụng các công nghệ thông minh vào sản xuất nông nghiệp… Theo Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ, Trưởng khoa Hóa học ứng dụng Trường đại học Trà Vinh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Rynan Agrifoods, hiện nay, vẫn có rất nhiều cơ hội để các bạn trẻ và người dân tại vùng ĐBSCL khởi nghiệp phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh. Chúng ta có thể dựa vào các nguyên tắc như: làm cho đúng những cái chưa đúng, làm tốt hơn những cái đã tốt, làm những cái chưa có… để tư duy, phát triển các ý trưởng sáng tạo trong khởi nghiệp. Còn Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ, cho rằng biến đổi khí hậu khiến nhiệt độ trái đất tăng, mùa nắng kéo dài… sẽ gây nhiều tác động xấu. Nhưng ngược lại, cũng sẽ có các cơ hội phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời, điện gió và các nhiều hoạt động sản xuất khác…

Theo nhiều nông dân và các bạn trẻ mới bắt đầu khởi nghiệp, Mekong Connect – CEO FORUM 2016 là cơ hội tốt để gặp gỡ giao lưu và nắm bắt các mô hình sản xuất mới tiên tiến. Qua đó tiếp thêm động lực đổi mới trong sản xuất kinh doanh, nhất là phát triển sản xuất theo hướng an toàn, bền vững. Theo ông Lê Ngọc Bích (xã Tân Phước, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp), qua việc giao lưu gặp gỡ các nhà khoa học có uy tín và nắm bắt các mô hình sản xuất kinh doanh mới tại diễn đã tiếp thêm niềm tin và thôi thúc ông tiếp tục quyết tâm thực hiện các giải pháp hạ giá thành sản xuất nông sản và dứt khoát phải sản xuất theo hướng an toàn để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm. Với sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước và sự vào cuộc tích cực của các bên liên quan, ông Bích cũng tin rằng sản xuất kinh doanh nông sản theo hướng sạch tới đây sẽ có nhiều triển vọng phát triển.

KHÁNH TRUNG-MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết