05/02/2014 - 15:35

Thực chất “tam nông”!

THANH LONG

Năm 2013 là năm thứ 5 vùng ĐBSCL cùng cả nước đưa Nghị quyết nông nghiệp, nông dân và nông thôn(*) (gọi tắt là “tam nông”) vào cuộc sống. Nền nông nghiệp đồng bằng có những bước tiến vững chắc, căn cơ hơn. Và trên hết, bộ mặt nông thôn đang dần đổi mới… khẳng định chặng đường đã qua là nền tảng căn bản để “tam nông” vào giai đoạn bứt phá.

Làng quê chuyển mình

 Cánh đồng mẫu là hình mẫu phát triển nông nghiệp hiện đại. Trong ảnh: Thu hoạch lúa trên cánh đồng mẫu ở huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ. Ảnh: T.L 

Mấy năm trước, muốn sang các xã Thạnh Thắng, Thạnh An, Thạnh Lợi… thuộc vùng Bắc sông Cái Sắn huyện Vĩnh Thạnh phải đi qua phà hoặc đò. Phần lớn những con đường dọc theo các kinh B, C, D, E, F… được “cứng hóa” bằng những viên gạch tiểu xếp đứng thành hàng, hoặc bằng cát núi. Ông Đoàn Đức Thắng (ấp D2, xã Thạnh Lợi) một lão nông tri điền đã có gần 40 năm gắn bó với vùng đất này, nhớ lại: “Những con đường chủ yếu giúp đi lại thuận tiện hơn chứ khó để nói góp phần đẩy mạnh giao thương hàng hóa. Bởi vì, dù không lầy lội trong mùa mưa nhưng độ gồ ghề, dốc lên, dốc xuống của mặt đường thì không thể nào tả nổi. Thậm chí, hai chiếc xe gắn máy chạy ngược chiều, muốn qua mặt, một chiếc phải dừng lại nhường đường”.

Về huyện Vĩnh Thạnh, vùng “ngoại ô” của TP Cần Thơ, bây giờ không còn cơ cực như ngày xưa. Từ năm 2009, nhiều tuyến đường xã liền xã, ấp liền ấp… dần dần được bê tông hóa. Đặc biệt, từ năm 2012, cầu Cái Sắn bắc qua sông Cái Sắn nối quốc lộ 80 đã giúp các: xã Thạnh Thắng, Thạnh An và Thạnh Lợi… không còn “đò giang cách trở”. Ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch UBND xã Thạnh Thắng, cho biết: “Có cầu lớn, đường rộng thông thoáng người dân đi lại rất thuận tiện trong hai mùa mưa, nắng. Nông dân không còn lo lắng, ngược xuôi tìm kiếm phương tiện chuyên chở lúa, heo, cá… như ngày xưa. Nhiều tuyến đường xe 4 bánh đi lại đã dễ dàng. Đời sống cư dân nông thôn phát triển thấy rõ. Nhà nào cũng có xe gắn máy, ti-vi, điện thoại…”.

Nhờ chuyển đổi sang mô hình trồng bắp thu trái non, nuôi bò vỗ béo, nhiều hộ dân xã Mỹ An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang có cuộc sống sung túc hơn.
Ảnh: THANH LONG

Chuyện đổi thay ở “ngoại ô” của TP Cần Thơ là mẫu số chung của nông thôn ngày nay. Bởi lẽ, để đưa Nghị quyết “tam nông” vào cuộc sống, TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL nhiều năm nay tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn: xây dựng các công trình giao thông nông thôn, thủy lợi đảm bảo sản xuất… Ông Đỗ Minh Nhựt, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Kiên Giang, nhận định: “Bộ mặt nông thôn thay đổi nhanh với hệ thống điện, đường, trường, trạm, cơ sở kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội được xây dựng khá đồng bộ, phục vụ tốt hơn yêu cầu phát triển sản xuất, đời sống dân sinh. Nhà ở dân cư được cải tạo, xây dựng lại kiên cố, khang trang gắn với xây dựng mô hình sinh thái ở từng hộ gia đình, duy trì và phát huy nét đẹp văn hóa làng quê... làm cho nông thôn ngày càng “xanh, sạch, đẹp, văn minh” hơn. Sự phát triển này cũng phù hợp với hình thành, phát triển và từng bước hoàn thiện xã nông thôn mới theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới – công cuộc đang triển khai mạnh mẽ, rộng khắp ở ĐBSCL và cả nước từ năm 2010 đến nay”.

Những “dấu ấn” xanh

Bộ mặt nông thôn vùng ĐBSCL đang dần thay đổi tươm tất hơn. Thành quả này, theo đánh giá của các ngành hữu quan, vùng ĐBSCL đã và đang đi vào cái gốc của vấn đề: tìm giải pháp để nâng cao thu nhập cho nông dân. Bởi, như ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, rất nhiều lần chia sẻ: “Nghị quyết “tam nông”, xây dựng nông thôn mới chỉ thành công khi người nông dân tăng thu nhập và làm giàu trên đồng đất của mình. Nông dân có giàu mới có nguồn lực, tập trung chăm lo nông nghiệp, nông thôn cùng phát triển”. Vì lẽ đó, TP Cần Thơ và các địa phương vùng ĐBSCL thực hiện nhiều mô hình, giải pháp đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.

Xây dựng “cánh đồng lớn” (CĐL) trong sản xuất lúa là một hình mẫu. Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, chia sẻ: “CĐL là một mô hình tiêu biểu, kế thừa và phát huy tất cả những thành tựu khoa học, kỹ thuật đã đạt được (phòng trừ dịch hại tổng hợp, kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”…) từ trước đến nay. Mô hình giúp mối liên kết “4 nhà”, từng bước gắn kết chặt chẽ giữa người sản xuất và tiêu thụ, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm. Từ đó đẩy mạnh phát triển sản xuất lúa theo hướng tiên tiến, chất lượng cao, tập trung quy mô lớn, nâng cao chuỗi giá trị sản xuất kinh doanh lúa gạo và tăng thu nhập cho nông dân; từng bước tiến tới xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao theo hướng bền vững. Đây là hướng đi cần thiết cho sự phát triển của nông nghiệp thành phố”. Nếu như vụ hè thu năm 2011 chỉ có 400ha thực hiện CĐL thì đến năm 2013, thành phố phát triển được 43 cánh đồng, diện tích hơn 9.100ha, với trên 7.000 nông hộ tham gia. Về hiệu quả từ mô hình CĐL, ông Đoàn Ngọc Phả, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, minh chứng: Thực tiễn mô hình liên kết sản xuất cung ứng và tiêu thụ giúp hạ giá thành sản xuất bình quân từ 10% - 20%. Với diện tích tham gia CĐL hằng năm của An Giang trên dưới 35.000ha đã tiết kiệm cho nông dân khoảng 170 tỉ đồng và sẽ còn tiết kiệm nhiều hơn khi diện tích tham gia ngày càng nhiều hơn”. Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, khi tham gia CĐL, giúp doanh nghiệp kiểm soát được chất lượng sản phẩm đầu ra (độ đồng đều, lẫn tạp, tỷ lệ tấm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật…) nên giá xuất khẩu tăng từ 15-30 USD tấn so với sản phẩm cùng loại từ các doanh nghiệp mua gạo xô trên thị trường. “Điều này đặc biệt có ý nghĩa và là giải pháp lâu dài để phát triển “sản phẩm lúa gạo Việt Nam chất lượng cao, năng suất cao” xứng tầm là sản phẩm quốc gia, có thể xâm nhập vào các thị trường khó tính trên thế giới” – ông Đoàn Ngọc Phả khẳng định. Nếu như năm 2012, tỉnh An Giang có gần 23.000ha lúa tham gia CĐL thì con số này của năm 2013 là 35.320ha và phấn đấu đạt trên 53.590ha vào năm 2014.

Các địa phương vùng ĐBSCL đang khuyến khích nông dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Nhiều nông dân đã làm theo và đạt hiệu quả cao trong sản xuất. Ông Đào Văn Lẫm, ấp Mỹ Thạnh, xã Mỹ An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, cho biết: Có 5 công đất trồng lúa nhưng không hiệu quả, ông mạnh dạn chuyển toàn bộ diện tích trồng lúa sang trồng bắp lấy trái non kết hợp chăn nuôi bò vỗ béo. “Nhờ cây bắp, con bò cuộc sống vợ chồng già đỡ lắm. Mỗi ngày tôi đi hái bắp về mướn nhân công làm sạch, phân loại… ít gì cũng có trên 100.000 đồng, vào vụ thu hoạch rộ nhiều hơn nữa. Còn thân bắp tôi nuôi bò, xem như để bỏ ống…” - ông Lẫm nói vui. Tại tỉnh Đồng Tháp, phong trào chuyển đổi cây trồng trên đất lúa đang đi vào chiều sâu. Ông Nguyễn Thành Tài, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, cho biết: Chuyển đổi những vùng sản xuất lúa kém hiệu quả do độc canh 3 vụ lúa sang canh tác 2 vụ lúa - 1 màu đang được nhiều địa phương áp dụng để góp phần cải tạo đất, phá thế độc canh, cắt đứt vòng đời sâu bệnh trên lúa. Kết quả so sánh của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp ở vụ hè thu năm 2013, lợi nhuận từ trồng cây mè trên đất lúa đạt 25,3 triệu đồng/ha, cây đậu nành trên 16,5 triệu đồng/ha, cây bắp trên 11,2 triệu đồng/ha... nhưng cây lúa chỉ đạt khoảng 2,5 triệu đồng/ha.

Sẵn sàng cho hành trình “thay áo mới”

Về vùng quê tỉnh Đồng Tháp trong những ngày này, chúng tôi được nghe nhiều chuyện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Bởi Đồng Tháp là một trong những địa phương đi đầu trong việc thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Ông Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết: Để đưa nông nghiệp đi vào chiều sâu, tái cơ cấu nông nghiệp là một nhu cầu bức xúc. Đã đến lúc phải có mô hình vận hành nền nông nghiệp kiểu mới phù hợp với quan hệ sản xuất mới. Đó là nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, hiệu quả, tăng trưởng cao. Trên cơ sở phát huy lợi thế từng vùng, tỉnh Đồng Tháp sẽ đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ tiên tiến, công nghệ sinh học, sản xuất gắn với thị trường đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó tổ chức lại sản xuất, thúc đẩy phát triển quan hệ sản xuất mới, tiến lên sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn gắn với tiêu thụ thông qua xây dựng cánh đồng liên kết chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích, góp phần chuyển dịch lao động từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp, dịch vụ để giải quyết việc làm tăng thu nhập ở nông thôn. Từ đó nâng cao đời sống nông dân, xây dựng nông thôn mới với kết cấu hạ tầng nông nghiệp ngày càng hiện đại thích ứng với biến đổi khí hậu trước mắt và lâu dài.

TP Cần Thơ cũng đã vạch ra các định hướng lớn, khâu đột phá phát triển “tam nông” cho chặng đường tới. Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: Mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn của thành phố theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và bền vững. Thành phố tiếp tục thực hiện hoàn chỉnh các quy hoạch chuyên ngành và từng lĩnh vực gắn với quy hoạch chung. Bên cạnh đó, thành phố sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao, CĐL, phát triển mô hình nông nghiệp đô thị; xây dựng các cụm công nghiệp và thương mại dịch vụ; thực hiện tốt đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn để chuyển dịch lao động; lồng ghép mục tiêu hoạt động các ngành theo đúng tinh thần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới… Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn trên cơ sở huy động các nguồn lực để đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng nông thôn mới, đồng thời tạo sự hài hòa giữa nông thôn và đô thị trong tiến trình công nghiệp hóa, đô thị hóa của thành phố. Giải quyết tốt vấn đề “tam nông” bằng nhiều giải pháp đồng bộ, tập trung vào nâng cao trình độ, năng lực của chủ thể nông dân, thực hiện tốt chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động xã hội nông nghiệp, nông thôn thật sự ổn định và bền vững.

***

Bước qua năm mới, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL tiếp tục thực hiện quyết sách “tam nông”, tập trung đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập nông dân, từng bước kiến thiết và đưa nông thôn phát triển.

----

(*) Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 5-8-2008, Hội nghị lần thứ Bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Chia sẻ bài viết