16/09/2019 - 11:02

Thư viện của “Hai Lúa” miền quê 

Ở xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long có một nông dân thành lập thư viện tư nhân để giúp học sinh và bà con có nơi học tập, thư giãn cũng như nâng cao kiến thức.

Thư viện do ông Huỳnh Tấn Hưng, năm nay 62 tuổi, thành lập từ 20 năm trước và hoạt động ổn định đến nay. Xuất thân trong một gia đình nông dân, nhưng từ nhỏ ông đam mê đọc sách, báo và theo dõi tin tức thời sự trên truyền hình, truyền thanh. Trong gia đình và hàng xóm, ông thường động viên mọi người, nhất là lớp trẻ, nên đọc sách báo để mở mang kiến thức và học hỏi cách đối nhân xử thế.

Ông Huỳnh Tấn Hưng kể, cách nay 20 năm, có một cán bộ đến địa phương công tác và đã tặng lại cho ông 30 cuốn sách pháp luật và tiểu thuyết. Sau đó, ngành Tư pháp huyện đầu tư thêm cho ông một Tủ sách Pháp luật để phục vụ người đọc. Đó chính là cơ duyên để thư viện hình thành.

Để hình thành thư viện, hằng năm, vào mùa thu hoạch lúa, trái cây, vợ chồng ông chắt chiu, dành ra một khoản tiền để mua thêm sách, báo, tạp chí. “Tích thiểu thành đa”, chỉ một thời gian, các ngăn sách đã đầy, số người đến đọc càng lúc càng đông. Thấy việc làm ý nghĩa cho cộng đồng, nhiều người xung quanh, kể cả cơ quan, đoàn thể ở địa phương cũng nhiệt tình hưởng ứng bằng cách mang sách, báo đến tặng thư viện.

Thư viện có tên “Thư viện tư nhân Tứ Hưng” vì ông thứ tư, tên Hưng. Hơn 20 năm qua, bằng công sức và trí tuệ, bằng cái tâm và tình cảm, ông đã chắt chiu, vun bồi cho tủ sách ngày thêm phong phú và đa dạng. Nhiều mạnh thường quân, đơn vị phát hành sách, Nhà xuất bản trên cả nước cũng thường xuyên động viên, khích lệ và gởi sách tặng  thư viện Tứ Hưng. Vợ ông, bà Nguyễn Thị Lời, chia sẻ: “Ông nhà tui nghe ở đâu có người tặng sách báo là tìm đến, không quản ngại chi hết”. Có lẽ nhờ tinh thần yêu quý kiến thức và sách vở đó của ông lan tỏa, mà các con đều học hành đỗ đạt. Trong 7 người con của ông, có 5 người tốt nghiệp đại học; các con của ông đều có việc làm ổn định.

Ông Huỳnh Tấn Hưng tại Thư viện tư nhân Tứ Hưng.

Ông Huỳnh Tấn Hưng cho biết lúc mới thành lập, ông tự bỏ tiền túi sắm võng, mua ghế bố, bàn ghế để phục vụ người đọc. Lúc ấy có rất nhiều học sinh đến mượn sách đọc tại chỗ hoặc đem về nhà. Từ vài chục cuốn pháp luật ban đầu nay đã lên tới 9.000 đầu sách, gồm đủ thể loại như sách thiếu nhi, truyện tranh, sách giáo khoa, văn học, tham khảo, đặc biệt là sách kỹ thuật nông nghiệp. Đến đây, người đọc không chỉ được mở rộng kiến thức qua sự phục vụ của “thủ thư nông dân” vui tính, cởi mở; mà còn có thể yêu cầu ông biểu diễn những tiết mục đờn ca tài tử điệu nghệ.

Ông Hưng bộc bạch: “Năm 2008, lúc đăng ký tham gia dự thi mô hình “Tủ sách gia đình”, tôi không ngờ mình đoạt giải Đặc biệt, được mời ra Hà Nội báo cáo điển hình. Thư viện này cũng được Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch tặng Bằng khen cho giai đoạn hoạt động 2011-2013. Mới đây, vào tháng 5-2019, Thư viện tư nhân Tứ Hưng lần nữa được trao Bằng khen của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vì những đóng góp cho sự nghiệp văn hóa đọc và phục vụ cộng đồng”. Ông Huỳnh Tấn Hưng vừa hiến 70m2 đất đã có nhà để làm thư viện, 70m2 đất khác được ông hiến xây dựng trụ sở ấp 8, xã Mỹ Lộc. Mỗi ngày ông còn kiêm nhiệm công việc tiếp âm truyền thanh phục vụ nhân dân trong ấp.

Với quan niệm “Văn hóa đọc không bao giờ mất. Có sách là có tri thức”, ông Huỳnh Tấn Hưng duy trì và phát triển Thư viện tư nhân Tứ Hưng bằng tinh thần tự nguyện. Ông Phạm Hoàng Hảo, Phó Giám đốc Trung tâm Học tập cộng đồng xã Mỹ Lộc,  cảm kích: “Việc thành lập và duy trì một thư viện tư nhân là điều không dễ dàng. Đây là điểm sáng trong hoạt động văn hóa, lan tỏa những kiến thức và tinh thần vì cộng đồng rất đáng quý trọng”.

Bài, ảnh: Hoài Phương

Chia sẻ bài viết