06/12/2021 - 08:11

Thu nhập ổn định từ mô hình may khăn trẻ sơ sinh 

Xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo, với mong muốn vươn lên làm giàu chính đáng, chị Vũ Thị Thìn, ngụ khu vực 3, phường Trà An, quận Bình Thủy, đã không ngừng nỗ lực để phát triển mô hình may khăn cho trẻ sơ sinh. Hơn 10 năm qua, cơ sở sản xuất Tuấn Anh do chị Thìn làm chủ đã giúp nhiều phụ nữ địa phương có việc làm, thu nhập ổn định.

Cơ sở may khăn cho trẻ sơ sinh của chị Vũ Thị Thìn (người đứng) tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều hội viên phụ nữ tại địa phương.

Sau một thời gian tạm ngưng hoạt động, thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay, cơ sở sản xuất Tuấn Anh đã trở lại hoạt động bình thường với lượng đơn hàng ổn định. Những ngày cuối năm 2021, không khí làm việc tại cơ sở tất bật hơn. Bình quân mỗi ngày, các thành viên may từ 3.000-4.000 khăn các loại để cung ứng cho thị trường.

Hướng dẫn chúng tôi tham quan cơ sở may khăn của gia đình, chị Thìn chia sẻ: “Trước đây, tôi bán trái cây ở chợ. Công việc rất vất vả nhưng thu nhập lại bấp bênh. Nhận thấy nhu cầu thị trường về mặt hàng khăn cho trẻ sơ sinh khá phát triển, tôi mạnh dạn đổi nghề”. Theo chị Thìn, những ngày đầu khởi nghiệp, chị chỉ mua một chiếc máy may và máy cắt. Chưa từng học qua nghề may nên chị tự mày mò, vừa làm vừa học để cho “ra lò” sản phẩm đầu tay là những chiếc khăn sữa trẻ em cỡ 25cmx30cm. Với mong muốn sản phẩm làm ra phải đạt tiêu chí chất lượng cao, chị Thìn chọn chất liệu vải mềm mại, thấm hút tốt, an toàn với trẻ sơ sinh. Sản phẩm làm ra đảm bảo chất lượng, giao hàng đúng hẹn nên chị dần tạo được uy tín với đối tác. Nhờ vậy, chị thường xuyên nhận được các đơn hàng mới, việc kinh doanh ngày càng được “nở nồi”, thuận lợi.

Những đơn hàng khăn sữa cho trẻ em được xuất bán thuận lợi đã thôi thúc chị Thìn mở rộng sản xuất. Ðược Hội LHPN phường Trà An hỗ trợ vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, chị Thìn đầu tư trang bị thêm máy móc; đồng thời hướng dẫn chị em địa phương gia công mặt hàng này để tăng thêm thu nhập. Hiện nay, có 6 phụ nữ làm thường xuyên tại cơ sở và nhiều người nhận hàng về làm gia công tại nhà.

Chị Nguyễn Thị Trúc Loan, ngụ khu vực 3, phường Trà An, quận Bình Thủy, bộc bạch: “Trước đây, tôi làm công nhân ở xí nghiệp may. Sau khi sinh con nhỏ, tôi nghỉ việc và vào làm tại cơ sở may khăn của chị Thìn. Từ ngày tham gia may mặt hàng này, gia đình tôi có thêm một nguồn thu nhập khá ổn định”. Chị Võ Thị Phụng, ngụ khu vực 5, phường Trà An, đã nhiều năm gắn bó với cơ sở may này. Chị Phụng kể, trước đây, chị không biết nghề may. Chị được chị Thìn hướng dẫn học nghề miễn phí và nhận vào may gia công. “Học nghề này chỉ cần 1 tháng đã làm thành thạo. Hiện nay, chủ yếu tôi lo khâu gấp khăn. Bình quân mỗi ngày tôi gấp trên 2.000 khăn. Nhờ nghề này, mỗi ngày, tôi có thu nhập 140.000 đồng” - chị Phụng bộc bạch.

Hiện nay, cơ sở của chị Thìn đã mở rộng và làm được nhiều mặt hàng, như khăn tắm, gạc, tã,… Trung bình mỗi tháng, cơ sở xuất trên 100.000 cái khăn các loại; doanh thu đạt trên 100 triệu đồng/năm. Mức lương cho nhân công tại cơ sở được đảm bảo 140.000 đồng/ngày.

Từ sự hỗ trợ, động viên khích lệ của Hội LHPN phường, mô hình may khăn cho trẻ sơ sinh của chị Thìn mang lại hiệu quả kinh tế cao; đồng thời giúp nhiều hội viên phụ nữ tại địa phương có việc làm thường xuyên với nguồn thu nhập ổn định.

Bài, ảnh: Kiến Quốc

Chia sẻ bài viết