21/07/2011 - 09:08

Thư mời - "Chiêu" câu khách của mạng xã hội

Thời điểm hiện tại, rất khó cho một trang web mới thu hút được sự chú ý. Hàng chục công ty mới thành lập đã khai trương những trang web được xây dựng công phu mỗi ngày, nhưng phần lớn người dùng đã tham gia rất nhiều trang mạng xã hội. Chính điều đó đã dẫn đến nhiều công ty, từ nhỏ mới thành lập cho đến các đại gia như Google, cố gắng tạo ra một “cảm giác đặc biệt” qua hình thức “thư mời”.

Nhu cầu về dịch vụ mạng xã hội mới của Google, Google+, đã dâng lên cực cao kể từ khi được tung ra hồi tháng rồi ở chế độ thử nghiệm giới hạn. Để tham gia, bạn phải được mời bởi một người dùng nào đó đã là thành viên của Google+, do đó Facebook và Twitter đã tràn ngập những lời yêu cầu xin “thư mời” tham gia dịch vụ này, và chúng thậm chí còn được bán trên eBay. Vậy bí mật của Google là gì? Đó chính là biết được người dùng thường muốn có được những gì họ không thể có.

Nhiều công ty thường phân phát các gói thư mời đăng ký ban đầu cho một số người dùng chọn lọc, yêu cầu họ phản hồi về bất kỳ lỗi nào trong phần mềm. Đổi lại, các thành viên của nhóm đó có được quyền để “khoe khoang” là những người đầu tiên được tham gia dịch vụ mới nhất. Những gói thư mời thường được trao cho những người có nhiều bạn bè trên blog, Twitter hay các dịch vụ xã hội khác.

 

Theo Kartik Hosanagar, một chuyên gia quản lý thông tin thuộc Đại học Pennsylvania, các dịch vụ chỉ sử dụng thư mời tạo ra một “vòng hào quang” về đặc quyền cho những người sử dụng đầu tiên. Andrew Mager, một nhà phát triển web tại công ty mới thành lập SimpleGeo ở San Francisco, cho biết nó gần giống như có một thẻ VIP vào Internet. Cũng theo ông Mager, ông đã trao đổi thư mời vào các trang web với những người khác tại các dịch vụ như InviteShare.

Bằng việc phát hành thư mời, các doanh nhân công nghệ thường nhắm tới một mục tiêu lớn hơn: thu hút những người dùng đầu tiên với hy vọng rằng các đánh giá “có cánh” của họ sẽ giúp thu hút nhiều người dùng hơn. Khi Justin Kan chuẩn bị tung ra công ty mới thứ hai, SocialCam - một ứng dụng di động cho phép người dùng chia sẻ video với bạn bè, công ty của anh đã vạch ra một kế hoạch tung ra thư mời theo bậc. Họ bắt đầu với những người dùng trung tâm mà họ nghĩ sẽ phát tán thư mời tới mọi người. Với chiến lược này, công ty của Justin Kan đã nhanh chóng có được thành công ban đầu - vượt qua mốc 1 triệu người dùng trong 4 tháng.

Ngay cả các dịch vụ đã có một ít tiếng tăm, như Spotify – dịch vụ phát nhạc đang phát triển mạnh, cũng sử dụng đến cách này để tạo sự hấp dẫn đối với sản phẩm của họ. Khi Spotify, một dịch vụ châu Âu, đến Mỹ hồi tuần rồi, họ cũng không vội mở cửa ngay. Người dùng phải có thư mời mới được sử dụng phiên bản miễn phí của dịch vụ, do quảng cáo tài trợ. Tuy nhiên, người dùng có thể tham gia ngay nếu họ đăng ký phiên bản cao cấp trả phí.

Susan Etlinger, một cố vấn của Altimeter Group, nhận định giai đoạn dùng thử ban đầu để tinh chỉnh bất kỳ sai sót nhỏ nào là cực kỳ quan trọng cho các công ty mạng xã hội mới thành lập.

Tại thời điểm này, Google+ đã vượt qua giai đoạn đặc quyền. Hơn 10 triệu người đã tham gia và chia sẻ 1 tỉ mục tin mỗi ngày. Các nhà lãnh đạo cao cấp của Google thừa nhận hấp dẫn ban đầu không đảm bảo thành công về lâu dài. Điều mà họ quan tâm hiện tại là bỏ qua số người dùng ban đầu và xem xét cách những người dùng mới sử dụng hệ thống của họ như thế nào.

LÊ PHI (Theo Nytimes)

Chia sẻ bài viết