26 tuổi, Nguyễn Thị Kiều Oanh ở ấp Lân Tây, xã Phú Sơn, huyện Chợ Lách đã có hơn 10 năm gắn bó với nghề làm cây giống, hoa kiểng. Đến thời điểm này, chị đã khẳng định được tay nghề của mình khi được Hội sinh vật cảnh tỉnh Bến Tre cấp chứng nhận là nghệ nhân sinh vật cảnh. Tại Hội thi kiểng cổ mai vàng của huyện Chợ Lách năm 2010, chị Kiều Oanh đạt giải II và giải III.
 |
Với vườn mai cổ vừa mua về, nghệ nhân Kiều Oanh sẽ thu lợi nhuận bạc tỉ trong 4 năm nữa. |
Năm 2007, khi người cha là lao động trụ cột trong nhà qua đời, chị Kiều Oanh tiếp tục giữ vững và phát triển nghề truyền thống của gia đình. Bây giờ, về làng nghề cây giống, hoa kiểng xã Phú Sơn ai cũng biết chị không chỉ là một phụ nữ trẻ giỏi dang, mà còn là “thủ lĩnh”- Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) cây giống, hoa kiểng Phú Sơn. Giữa năm 2010, chị được tín nhiệm bầu vào Ban chấp hành Hội nông dân xã Phú Sơn.
Trong khuôn viên vườn kiểng của chị Kiều Oanh, diện tích 2.500m2 đất được bố trí gần 8.000 gốc kiểng trung và kiểng cổ thụ dưới bàn tay chăm sóc, nuôi dưỡng của một nghệ nhân nữ trông thật đẹp mặt. Đối với những người làm kiểng mai vàng qui mô lớn, khi bước vào thời vụ chuẩn bị nguồn hàng tiêu thụ dịp giáp Tết, hầu hết đều rước thợ về để cắt tỉa, sửa dáng kiểng, nhưng nghệ nhân Kiều Oanh thì tự tay mình thực hiện. Chị Oanh lý giải: “Mình đã được học cách chỉnh sửa kiểng, chăm sóc kiểng bon sai và được cấp chứng nhận nghệ nhân mà bỏ phí kiến thức được học thì uổng lắm. Hơn nữa, làm nghề kiểng mỗi người có cách tạo kiểng khác nhau, tôi tự chăm sóc, chỉnh sửa, ghép mai ngoài tiết kiệm được chi phí thuê lao động, nhưng cái quan trọng là sản phẩm được làm theo ý tưởng của chính tôi”. Chính vì vậy mà mấy năm nay, số kiểng mai trung (kiểng bán vào dịp Tết) của nghệ nhân Kiều Oanh chưa đến Tết đã có thương lái tới tại nhà mua.
Đối với kiểng cổ, bình quân mỗi năm nghệ nhân Kiều Oanh bán cho khách hành khoảng 100 cây, chị thu được lợi nhuận hàng trăm triệu đồng. Để có được kiểng cổ, nghệ nhân Kiều Oanh cùng mẹ lặn lội khắp các nơi trong và ngoài tỉnh. Nghe nơi nào có người cần bán mai là mẹ con chị tìm đến tận vườn mua. Nếu như mỗi cây kiểng cổ khi nghệ nhân Kiều Oanh mua về có giá 1 triệu đồng, thì sau thời gian chăm sóc khoảng 3 năm giá trị cây kiểng tăng lên từ 5 - 7 triệu đồng, tùy theo hình dáng cây. Có những lúc để mua được những gốc mai cổ, nghệ nhân Kiều Oanh và mẹ phải tới lui nhà chủ vườn trả giá 5 - 6 lần mới mua được. Bà Nguyễn Thị Lợi, mẹ nghệ nhân Kiều Oanh bộc bạch: “Hầu hết những cây mai cổ mà chủ vườn có ý định bán, khi mẹ con tôi tìm tới mua chủ đều đồng ý bán. Chắc có lẽ họ thấy chúng tôi là phụ nữ lặn lội cực khổ tìm mua mai nên động lòng”. Trong vườn mai của nghệ nhân Kiều Oanh hiện đang có một cây mai khoảng 5 năm tuổi có tán và bộ rễ rất đẹp, khách hàng trả giá 6 triệu đồng chị chưa bán. Chị cũng vừa mua thêm 200 gốc mai cổ khoảng 15 năm tuổi của một chủ vườn trong tỉnh ở huyện Châu Thành đem về vào chậu, chỉ với giá 150 triệu đồng. Nhưng chị cho biết mình sẽ đạt lợi nhuận bạc tỉ, vì ít nhất trong số mai này sẽ có 100 cây được chị chăm sóc đẹp sau 4 năm nữa với giá trị khoảng 10 triệu đồng mỗi cây.
Theo nghệ nhân Kiều Oanh, ở thời điểm tháng 10 dương lịch hàng năm là chị bắt đầu mua gốc mai của thương lái từ tỉnh Long An chở về Phú Sơn bán để chuẩn bị cho mùa kiểng Tết năm sau. Còn kiểng bán dịp Tết năm nay, cuối tháng 10 dương lịch chị bắt đầu tạo tán, tập trung chăm sóc để điều chỉnh hoa nở đúng dịp Tết Nguyên đán. Mỗi cây mai dùng ghép làm kiểng trung, chị mua khoảng 50.000 đồng. Qua một năm chăm sóc, vào chậu thành kiểng bán ra thị trường với giá dao động từ 400.000 - 500.000 đồng/chậu. Trừ các chi phí, chị còn lời trên 50% giá trị cây kiểng. Kinh doanh hoa kiểng đạt lợi nhuận cao, nếu biết cách chăm sóc và nắm bắt nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, để làm được điều này đòi hỏi người nghệ nhân luôn phải nỗ lực tìm tòi.
Bài, ảnh: CAO DƯƠNG