02/08/2020 - 10:55

Thủ khoa Huân đánh giặc và làm thơ 

Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân là vị anh hùng kháng Pháp ghi đậm dấu ấn trong tiềm thức của người dân Nam Bộ. Ông còn là một nhà thơ tài hoa, bất khuất. Văn - võ song toàn, đánh giặc và làm thơ, Thủ khoa Huân tỏ rõ khí tiết, lòng yêu nước, để muôn đời sau còn ngưỡng vọng.

Tượng đài Thủ khoa Huân ở TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. 

Ðến nay, tư liệu về Thủ khoa Huân có nhiều điểm không trùng khớp. Căn cứ vào tư liệu trong cuốn “Nghìn năm bia miệng” và cũng tương thích với hồ sơ của Phòng Quản lý Di tích, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang, Thủ khoa Huân tên thật là Nguyễn Hữu Huân, sinh năm 1830 tại làng Tịnh Hà, huyện Kiến Hưng, tỉnh Ðịnh Tường (nay là xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang). Thân sinh của ông là cụ Nguyễn Hữu Cẩm, một nông dân khá giả trong vùng.

Về con đường học vấn của ông, tra cứu trong cuốn “Quốc triều Hương khoa lục” của cụ Cao Xuân Dục, Quốc sử quán triều Nguyễn, quê quán và tên họ vẫn trùng khớp. Sử liệu này còn cho biết thêm, cụ Nguyễn Hữu Huân thi khoa năm Nhâm Tý, Tự Ðức năm thứ 5 (1852), tại trường thi Gia Ðịnh. Khoa thi này có 13 người đậu và cụ đứng thứ Nhất, nên được gọi là Thủ khoa Huân. Cụ làm quan tới chức Giáo thụ (chuyên coi chuyện giáo dục ở địa phương). Thủ khoa Huân còn: “Mộ nghĩa dũng, sung Phó Quản đạo. Lại mộ nghĩa, rất có tiếng tăm, bị bắt đày đi đại hải bảy năm. Ðược tha về, lại mộ nghĩa, đắp lũy kháng cự, lại bị bắt, tử tiết” - sách này viết. Như vậy là từ thời điểm dấy binh khởi nghĩa tới tử tiết, cụ Thủ khoa đã nhiều lần khởi nghĩa và bị bắt đến 3 lần. Ðiều này cũng trùng hợp khi tra cứu trong “Ðại Nam liệt truyện”, sử liệu của Quốc sử quán triều Nguyễn. “Ðại Nam liệt truyện” còn ghi thêm: “Sau 7 năm được tha về, lại cùng với Âu Dương Lân tập hợp 3.000 quân, kháng cự với quân Pháp nhiều lần rồi bị bắt. Hữu Huân với hơn 100 người đầu mục đều bị chết”.

Xin nói thêm về chi tiết Thủ khoa Huân bị đày ra đảo mà 2 sử liệu triều Nguyễn nhắc đến. Có nhiều tài liệu cho rằng, Thủ khoa Huân bị đày ra đảo Rénion, nơi 2 vị vua yêu nước triều Nguyễn là Duy Tân và Thành Thái bị Pháp lưu đày biệt xứ. Ðảo này cũng có tên gọi khác là đảo Bourbon, người Việt quen gọi đảo Bòn Bon, ở châu Phi. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Sơn Nam trong “Lịch sử khẩn hoang miền Nam”, học giả Vương Hồng Sển trong cuốn “Sài Gòn năm xưa” thì lại cho rằng, nơi Thủ khoa Huân bị đày biệt xứ suốt 7 năm là đảo Cayenne. Nhà nghiên cứu Sơn Nam cho biết chi tiết này ông căn cứ vào một hồ sơ về Tổng đốc Ðỗ Hữu Phương, mang số hiệu SL.312.

Trong phạm vi bài viết này, xin không đi sâu và chiến tích của cụ Thủ khoa mà phân tích mấy điều về khí tiết và lòng yêu nước kiên trung của cụ. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, việc cụ Thủ khoa dấy binh khởi nghĩa, bất chấp Hòa ước của triều đình với quân Pháp, ấy là một sự khó khăn. Bởi so với các vị anh hùng kháng Pháp khác, cụ Thủ khoa Huân là người Nho học, lại làm Giáo thụ, thấm nhuần đạo lý vua - tôi, đạo nghĩa cương thường. Vậy mà từ vị quan văn, cụ hòa mình vào phong trào võ trang chống giặc xâm lược.

Có nhiều giai thoại đến nay còn lưu truyền về khí tiết của cụ Thủ khoa. Truyện kể rằng sau 7 năm bị đày ra đảo, Pháp bày trò “ân xá” và cho an trí cụ tại nhà tên mãi quốc cầu vinh Ðỗ Hữu Phương. Người Pháp đưa ra cho tên Phương bài toán khó là phải tôn trọng cụ Thủ khoa để dần dà chiêu dụ cụ. Tên Phương răm rắp làm theo vậy mà trong một buổi ứng thơ, cụ Thủ khoa Huân trầm ngâm bài thất ngôn bát cú, có hai câu như vầy:

Áo Hán mười phần thay cách lạ

Rượu Hồ một mực đắm mùi ngon”

Bọn xu nịnh nghe thơ cụ liền sượng sùng vì cụ dùng hai điển tích xưa để chỉ trích bọn người mê danh lợi mà bỏ Tổ quốc theo giặc.

Một giai thoại khác kể, sau Hòa ước 1862, cụ Thủ khoa gặp một tướng cướp chuyên cướp của người giàu, ác ôn ở vùng An Hóa, Ðịnh Tường. Ðể thuyết phục toán cướp này tham gia chống Pháp, cụ Nguyễn Hữu Huân nói rằng: “Chính tôi cũng không ưa nổi bọn nhà giàu, bọn vi phú bất nhân, huống chi các chú, nhất là ngày nay, tụi chúng lại vô số kẻ rước voi giày mả, cõng rắn cắn gà nhà”. Nhưng cụ khuyên, bọn chúng lớp sau kề lớp trước, lẽ nào sống đời mà trừng trị bọn chúng mãi được, vậy nên hãy đi diệt thù cứu quốc, vừa trừ bọn tà gian, vừa lưu tiếng thơm muôn thuở. “Các chú tự khoe là dũng, nhưng kiến nghĩa bất vi, làm sao mà gọi là dũng được!”, cụ phân tích. Rõ ràng qua giai thoại này mới thấy, triết lý về dũng, nhân, về thấm nhuần Nho học, đã được cụ Thủ khoa cụ thể hóa, áp dụng một cách linh động, mạch lạc chứ không cứng nhắc.

Dùng bao nhiêu trò chiêu dụ bậc quân tử không thành, giặc Pháp quyết xử tử Thủ khoa Huân. Trước giờ hành quyết, chúng đóng gông ông rồi cho ngồi lên mui ghe, chở từ nhà ngục Mỹ Tho về quê nhà của ông để thi hành án tử. Ghe đi đến đâu, chúng cho giống trống khua chiêng đến đó để thị uy và làm giảm sĩ khí của dân chúng. Vậy nhưng người dân 2 bên bờ sông Bảo Ðịnh chẳng những không sợ hãi mà còn sục sôi căm phẫn và tiếc thương người vị quốc vong thân. Riêng Thủ khoa Huân, ông không chút sợ hãi, điềm nhiên làm thơ, bày tỏ khí tiết:

Hai bên thiên hạ thấy hay không?

Một gánh cang thường há phải gông!”

Ðến nơi xử tử, Thủ khoa Huân không chịu để giặc chém đầu mình nên đã cắn lưỡi tự tử:

Chí quyết chết, cho tan đởm giặc

Lẽ đâu sống chịu đứt đầu ông”

Sau khi Thủ khoa Huân hy sinh, nhiều người ngưỡng vọng công đức và khí tiết của ông nên thương tiếc khôn nguôi. Thơ văn Nam Bộ nửa cuối thế kỷ XIX lưu truyền bài thơ “Ðiếu Nguyễn Hữu Huân” bằng chữ Hán. Nhà thơ Bảo Ðịnh Giang dịch thơ, có câu:

Hơn thua khó luận anh hùng

Nghìn năm tiết nghĩa sánh cùng núi sông”

Thời gian cụ Phan Châu Trinh bị Pháp đưa về an trí tại Mỹ Tho, nghe tiếng thơm về cụ Thủ khoa Huân, ông viết bài “Ðiếu Giải Nguyên Nguyễn Hữu Huân”. Bài thơ này được cụ Ngô Ðức Kế dịch thơ, có câu:

Hăng hái thề bồi quyết bấy lâu

Liều mình vì nước trả thù sâu”

Và rằng:

Sông Tho mấy dặm gầm con sóng

Trăng rọi quanh thuyền nghĩ chạnh đau”.

Trước thời khắc tự tử giữ tròn khí tiết vào năm 1875, cụ Thủ khoa còn làm đôi liễn tuyệt mệnh với lời lẽ vừa chắc chắn, cương trực lại thống thiết. Câu văn cuối đời ấy cũng tỏ rõ tài ba và chí khí của bậc anh tài Nguyễn Hữu Huân:

“Hữu chí nan thân, không uổng bách niên chiêu vật nghị

Duy công bất tựu, diệc quyên bất tử báo quân ân”

Có nghĩa là:

“Có chí khó bày, quản gì trăm năm lời bàn tán. Công dù chưa thành, cũng đành liều mạng sống đáp đền ơn vua”.

Ðền thờ và khu mộ cụ Thủ khoa Huân hiện ở Chợ Gạo, Tiền Giang, đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Trung tâm thành phố Mỹ Tho cũng có tượng đài uy nghi của cụ. Rất nhiều đô thị từ Nam chí Bắc, trong đó có TP Cần Thơ, có con đường mang tên Thủ khoa Huân hoặc Nguyễn Hữu Huân. Ðó là sự tri ân của thế hệ hôm nay với bậc tiền nhân hy sinh vì nước, tài hoa khí tiết lưu truyền muôn đời. 

Đường Thủ khoa Huân ở Cần Thơ.

----------------------

Tài liệu tham khảo:

“Quốc triều Hương khoa lục”, Cao Xuân Dục;

“Đại Nam liệt truyện”, Quốc Sử quán triều Nguyễn;

“Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam”, Nguyễn Bá Thế - Nguyễn Q. Thắng;

“Nghìn năm bia miệng”, Huỳnh Ngọc Trảng - Trương Ngọc Tường;

“Thơ văn yêu nước Nam Bộ nửa sau thế kỷ XIX”, Bảo Định Giang (biên soạn) – Ca Văn Thỉnh (giới thiệu);

“Nguyễn Hữu Huân – nhà yêu nước kiên cường nhà thơ bất khuất”, Phạm Thiều – Cao Tự Thanh – Lê Minh Đức;

“Lịch sử khẩn hoang miền Nam”, Sơn Nam.

Chia sẻ bài viết