* Thảo luận dự án luật giao thông đường bộ (sửa đổi): Đề nghị nâng độ tuổi của lái xe chở người tăng thêm 2 tuổi
17h ngày 29-5, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội với 92,9% số đại biểu tán thành. Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 1-8-2008. Như vậy, Quốc hội đã tán thành phương án 1 mà Chính phủ đã trình về mở rộng địa giới hành chính của thành phố Hà Nội.
Báo cáo giải trình của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước khi Quốc hội biểu quyết, phương án 1 là phù hợp với tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết 15-NQ/TW ngày 15 tháng 12 năm 2000 của Bộ Chính trị (khóa VIII) đã khẳng định vai trò và vị thế của Thủ đô Hà Nội: “Là trái tim của cả nước, đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, Thủ đô Hà Nội có vinh dự lớn, đồng thời có trách nhiệm hết sức nặng nề”... và Pháp lệnh Thủ đô số 29/2000/PL-UBTVQH10 ngày 28 tháng 12 năm 2000 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xác định: “Xây dựng, phát triển Hà Nội - Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trái tim của cả nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại; kế thừa và phát huy truyền thống lịch sử ngàn năm văn hiến Thăng Long - Hà Nội, góp phần xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, đồng thời cũng khẳng định: “Thủ đô Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước”. Như vậy, Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị và Pháp lệnh Thủ đô của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khẳng định Thủ đô Hà Nội là Thủ đô đa chức năng, một mô hình thể hiện sự tiếp nối quá trình hình thành và phát triển của Thăng Long - Hà Nội. Đòi hỏi Thủ đô Hà Nội cần được xây dựng và phát triển một cách toàn diện, xứng tầm là Thủ đô của đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và trong tương lai với quy mô dân số ổn định sẽ đạt khoảng 120 triệu người; phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước, nguyện vọng của nhân dân; và cũng phù hợp với mô hình Thủ đô của nhiều nước trên thế giới. Triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị và Pháp lệnh của UBTV Quốc hội, trong gần 6 năm nghiên cứu Đồ án quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô với mô hình Hà Nội là đô thị hạt nhân liên kết phát triển với hệ thống đô thị của các địa phương trong Vùng; các chuyên gia quy hoạch trong và ngoài nước đã tổ chức nghiên cứu, trao đổi qua hơn 20 cuộc hội thảo trong nước và quốc tế với sự tham gia của các Bộ, ngành, các địa phương trong Vùng và của nhiều nhà khoa học, các hội nghề nghiệp liên quan, các tổ chức quốc tế như WB, JICA, KOIKA, ADB cùng nhiều tổ chức quốc tế khác. Qua quá trình nghiên cứu quy hoạch xây dựng Hà Nội và quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô đã chỉ ra không gian và hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội hiện hữu của Hà Nội không thể đáp ứng được tốc độ đô thị hóa, sức hút đầu tư ngày càng lớn và sự gia tăng dân số ngày càng cao làm cho mật độ dân số kể cả thường trú và dân số vãng lai đã khoảng 5.000 người/km2 và nếu tính riêng khu vực nội đô đã lên đến trên 11.600 người/km2. Rõ ràng việc mở rộng địa giới hành chính để Thủ đô Hà Nội phát triển với những ý tưởng trong quy hoạch phát triển Vùng, vừa bảo đảm không gian cho Hà Nội phát triển bền vững trong giai đoạn trước mắt cũng như trong tương lai lâu dài, vừa tạo điều kiện cho Hà Nội phát triển toàn diện, xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế là yêu cầu cấp thiết hiện nay.
Về lộ trình và các điều kiện thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng khẳng định: Sau khi có Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ sẽ phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Nhà nước để tập trung chỉ đạo các Bộ, ngành chức năng cùng với lãnh đạo các tỉnh và thành phố có liên quan chuẩn bị tốt một số việc cấp thiết về hợp nhất tổ chức bộ máy để hình thành bộ máy lãnh đạo mới của thành phố Hà Nội; đồng thời chuẩn bị cho việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước của thành phố Hà Nội mới năm 2009 để kịp tổng hợp trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm 2008. Trước khi thông qua Nghị quyết về mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Nội, Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về điều chỉnh địa giới hành chính giữa tỉnh Hà Tây và tỉnh Phú Thọ, giữa tỉnh Bình Phước và tỉnh Đồng Nai với đa số đại biểu tán thành.
Ngày 30-5, Quốc hội tiếp tục làm việc tại hội trường nghe các thành viên Chính phủ trả lời chất vấn.
Trước đó, sáng 29-5, Quốc hội làm việc tại hội trường, tiếp tục thảo luận dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi). Đa số ý kiến của đại biểu tán thành với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội về dự án Luật và đóng góp nhiều ý kiến vào các vấn đề cụ thể như: nâng độ tuổi của lái xe chở người; quy định nồng độ cồn trong máu và hơi thở của người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông đường bộ trong đô thị; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi xảy ra tai nạn giao thông đường bộ...
Về quy định tuổi của người lái các loại xe (khoản 1, điều 58), hầu hết đại biểu nhất trí với quy định nâng độ tuổi của lái xe chở người tăng lên 2 tuổi và cho rằng vừa qua đã xảy ra nhiều vụ lái xe chở người gây tai nạn giao thông nghiêm trọng do tuổi đời của lái xe loại này chưa đủ độ chín, còn thiếu kinh nghiệm nghề nghiệp... Tuy nhiên, về vấn đề này, đại biểu Dương Xuân Quý (Tuyên Quang) cho rằng, hiện nay vẫn chưa có thống kê cụ thể tỷ lệ tai nạn giao thông do những người ở độ tuổi nào gây ra, nên việc quy định độ tuổi quá cao sẽ gây ra lãng phí nguồn nhân lực. Nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông là do có vấn đề trong việc cấp bằng lái xe chứ không do độ tuổi.
Về quy định nồng độ cồn trong máu và hơi thở của người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đại biểu Nguyễn Hồng Nhị (Nghệ An), Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) và một số đại biểu khác lại đề nghị cần quy định cấm tất cả người đang điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và xe máy sử dụng rượu, bia và các chất kích thích khác khi tham gia giao thông để bảo đảm tuyệt đối an toàn.
Về tuần tra, kiểm soát của Cảnh sát giao thông đường bộ quy định tại điều 85 dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Đức Nhanh (Hà Nội) cho rằng trong tình hình trật tự, an toàn giao thông đang có những diễn biến phức tạp như hiện nay, với số biên chế còn hạn chế của lực lượng Cảnh sát giao thông thì chưa đáp ứng được yêu cầu tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm. Vì vậy, cần huy động các lực lượng khác tham gia, phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông thực hiện nhiệm vụ này.
HỒNG QUÂN - BÍCH THỦY (TTXVN)