26/11/2013 - 22:09

KỲ HỌP THỨ 6, QUỐC HỘI KHÓA XIII

Thông qua Luật đấu thầu (sửa đổi)

* Thảo luận dự án Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi)
* Cân nhắc quy định bắt buộc tham giabảo hiểm y tế

(TTXVN)- Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 6, sáng 26-11, Quốc hội làm việc tại Hội trường biểu quyết thông qua Luật đấu thầu (sửa đổi) và thảo luận về dự án Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi).

Thảo luận dự án Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi), đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật hôn nhân và gia đình nhằm thể chế hóa các quan điểm của Đảng khắc phục những tồn tại, hạn chế của quy định hiện hành và đáp ứng kịp thời yêu cầu khách quan của thực tiễn đời sống xã hội. Qua đó đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và các nguyên tắc cơ bản về quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực hôn nhân, gia đình đã được ghi nhận trong Hiến pháp và các điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Thảo luận về độ tuổi kết hôn , đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu), Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) và nhiều ý kiến khác thể hiện sự tán thành với quy định điều kiện tuổi kết hôn là nam, nữ phải "đủ mười tám tuổi trở lên".

Tuy nhiên cũng còn ý kiến băn khoăn và đề nghị để bảo đảm phù hợp với năng lực chủ thể của nam giới thì dự án Luật cần quy định nam đủ 20 tuổi trở lên và nữ đủ 18 tuổi trở lên mới được kết hôn.

Về quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính, dự thảo Luật đã bỏ quy định về việc cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính được quy định tại khoản 5 Điều 10 Luật hôn nhân và gia đình hiện hành và thay bằng quy định mới. Theo đó, "Nhà nước không thừa nhận quan hệ hôn nhân giữa những người cùng giới tính". Ngoài ra, dự thảo Luật còn bổ sung các quy định nhằm giải quyết các vấn đề phát sinh từ quan hệ chung sống giữa họ với nhau.

Nhiều ý kiến đã nêu lên thực tế mặc dù pháp luật hiện hành đã cấm việc kết hôn giữa những người cùng giới tính nhưng việc chung sống như vợ chồng giữa những người này vẫn diễn ra, thậm chí có những trường hợp gia đình và người đồng tính đã tổ chức công khai lễ cưới và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng đã phải áp dụng các biện pháp khác nhau để xử lý nhưng vẫn không giải quyết được thực trạng này.

Một số ý kiến cho rằng hôn nhân giữa những người cùng giới tính là vấn đề có tính nhạy cảm cao. Do đó, việc thừa nhận hay không thừa nhận hôn nhân của họ cũng cần phải được xem xét, cân nhắc, nhìn nhận trên nhiều khía cạnh khác nhau và phải có lộ trình, bước đi phù hợp. Qua thảo luận cũng có ý kiến cho rằng, quan hệ hôn nhân giữa những người cùng giới tính là không phù hợp với chức năng xã hội của hôn nhân cũng như với quan niệm truyền thống về hôn nhân và gia đình ở nước ta. Do đó, cần tiếp tục duy trì quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính như Luật hiện hành.

Dự thảo Luật quy định cấm mang thai hộ vì mục đích thương mại nhưng cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Nhiều ý kiến đại biểu tán thành với quy định này và cho rằng đây là một giải pháp mang tính nhân văn nhằm tạo điều kiện cho các cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con, ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản có cơ hội để thực hiện được quyền làm cha, làm mẹ.

Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội là cơ quan thẩm tra dự án Luật có quan điểm: cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo thể hiện tính nhân văn, tạo cơ hội cho một số cặp vợ chồng được thực hiện quyền làm cha, làm mẹ chính đáng. Tuy nhiên, vì đây là vấn đề mới, chưa có kinh nghiệm thực tiễn nên các quy định phải rất chặt chẽ, điều kiện phải rõ ràng cũng như các vấn đề về hình thức pháp lý của thỏa thuận, bảo đảm quyền cho các bên và nhất là đứa trẻ được sinh ra trong trường hợp này. Nếu không, sẽ tạo điều kiện hợp pháp hóa cho mục đích thương mại hoặc buôn bán trẻ em.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã trao đổi sâu về các nội dung: Chế định ly thân; Chế độ tài sản của vợ chồng; Việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn…

Cũng trong buổi sáng nay, với đa số phiếu tán thành, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật đấu thầu (sửa đổi) bao gồm 13 Chương, 96 điều.

* Chiều 26-11, làm việc tại Hội trường, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) và thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế.

Với 86,75% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) gồm 5 Chương, 80 Điều.

Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế, không ít đại biểu băn khoăn với việc dự thảo Luật quy định bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế khi chưa có chế tài xử lý. Đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm (Yên Bái) nhận định toàn bộ nội dung dự thảo Luật chưa thể hiện được quy định "bắt buộc", chưa đưa ra được chế tài xử lý. Hiện nay, đối tượng tham gia chủ yếu là người hưởng lương ngân sách, người có công, hộ nghèo được Nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế, nhóm tự nguyện tham gia bảo hiểm y tế mới đạt 28%, như vậy quy định bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế liệu có khả thi? Theo đại biểu, cần làm tốt công tác tuyên truyền về chính sách bảo hiểm y tế với ý nghĩa nhân văn là cộng đồng trách nhiệm, chia sẻ rủi ro, đồng thời giảm thủ tục hành chính để thu hút người dân tự nguyện tham gia.

Thảo luận nội dung phân cấp quản lý quỹ bảo hiểm y tế cho tỉnh, thành phố và xử lý kết dư, bội chi quỹ, đa số ý kiến đề nghị quy định cụ thể tỷ lệ trích nộp quỹ dự phòng về trung ương và tổ chức Hội đồng quản lý quỹ tại tỉnh; đồng thời, quy định rõ khi quỹ bảo hiểm y tế ở tỉnh kết dư thì tỉnh được ưu tiên sử dụng một phần kết dư kể cả trong trường hợp quỹ dự phòng trung ương kết dư hay bội chi để tránh tình trạng khi quỹ ở trung ương bội chi thì quỹ ở tỉnh dù có kết dư cũng không được sử dụng. Có ý kiến đề nghị quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sử dụng ngân sách địa phương để đóng góp theo một tỷ lệ nhất định cho phần bị bội chi tại địa phương để nâng cao trách nhiệm của địa phương trong việc chỉ đạo tăng tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế, kiểm soát chống lạm dụng quỹ tại địa phương, đồng thời thể hiện được quy định về phân cấp quản lý quỹ bảo hiểm y tế theo quy định của Luật bảo hiểm y tế.

Nhiều nội dung khác liên quan đến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế như phân tuyến chuyển tuyến, quy định giá dịch vụ y tế, mức hưởng bảo hiểm y tế... cũng được các đại biểu tập trung thảo luận.

Chia sẻ bài viết