Được làm từ tôm đất tự nhiên dưới tán rừng ngập mặn, bánh phồng Cà Mau không chỉ là sản phẩm đặc trưng nổi tiếng thơm ngon được người dân cả nước biết đến mà còn chuẩn bị chinh phục khách hàng ngoài nước.
Sản phẩm bánh phồng tôm Cà Mau đã được nhiều người biết đến.
Thông thường mỗi tháng, vợ chồng ông Đào Văn Hòa ở xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau, chỉ sản xuất khoảng 2 tấn bánh phồng tôm cung cấp cho các bạn hàng trong nước, thì từ đầu tháng 12 này, công việc tất bật hơn do có rất nhiều đơn hàng đặt bánh phục vụ Tết. Để có bánh kịp giao cho khách, ông Hòa phải gọi thêm người thân hỗ trợ để tăng lượng hàng sản xuất lên gấp đôi chuyển đi TP Hồ Chí Minh.
Nhiều năm qua, trừ khoảng thời gian giãn cách xã hội vừa qua, sản phẩm bánh phồng tôm của gia đình ông Hòa chưa bao giờ gặp khó về đầu ra nên giúp gia đình ông có nguồn thu nhập rất ổn định. Ông Hòa cho biết: “Không bị ảnh hưởng dịch, mỗi tháng gia đình tôi làm khoảng 2 tấn, lời từ 25-30 triệu đồng. Bánh phồng tôm nhà tôi làm ra chưa bao giờ bị ế, từ đây kéo dài đến Tết thì đơn đặt hàng nhiều hơn, phải làm gấp đôi ngày thường mới đủ cung ứng”.
Không chỉ tại xã Hàng Vịnh mà ở vùng rừng ngập mặn Năm Căn, Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, cũng có nhiều hộ dân sống bằng nghề làm bánh phồng tôm. Để làm bánh phồng tôm không khó nhưng tạo ra sản phẩm thơm ngon đặc trưng như của người dân vùng Đất Mũi - Cà Mau thì không phải ở đâu cũng làm được. Bánh phồng tôm nơi đây ngon không chỉ bởi bí quyết pha chế các loại gia vị mà còn đến từ chất liệu con tôm. Chính những con tôm đất người dân địa phương nuôi dưới tán rừng đã tạo thêm mùi thơm, hương vị đậm đà cho từng chiếc bánh.
Hiện đã có những doanh nghiệp đầu tư trang thiết bị để có thể sản xuất bánh phồng ở quy mô lớn hơn.
Ông Mai Sáu, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hòa Phát, chuyên sản xuất bánh phồng tôm ở xã Hàng Vịnh, cho biết: “Về cách thức thì ai làm cũng giống nhau. Nguyên liệu chủ yếu gồm bột, tôm, trứng, tiêu, hành... Quy trình thì trộn bột, tráng bánh, sấy khô, bảo quản. Tuy nhiên, mỗi gia đình có cách pha chế để tạo mùi vị đặc trưng và cũng phù hợp với yêu cầu, thói quen vùng miền của khách hàng. Tuy nhiên, có một điểm chắc chắn là con tôm ở vùng đất này có chất lượng tốt. Bà con dùng tôm tươi sống làm bánh nên thường thơm ngon, đậm đà hơn. Ăn miếng bánh vừa xốp lại vừa mềm nên ai cũng thích”.
Sản phẩm bánh phồng tôm của Công ty TNHH Vĩnh Hòa Phát cũng là sản phẩm OCOP của xã Hàng Vịnh được công nhận đạt 3 sao. Doanh nghiệp này không chỉ cung ứng sản phẩm cho nhiều siêu thị lớn tại các tỉnh, thành trên cả nước mà còn chuẩn bị xuất khẩu sang Đài Loan (Trung Quốc). Ngoài ra, công ty cũng đang đàm phán với đối tác ở Hàn Quốc và đang đầu tư nhà máy chế biến đạt tiêu chuẩn để đưa hàng sang nước này.
Thời gian qua, tuy điều kiện phát triển khá thuận lợi, nhưng các hộ gia đình, cơ sở sản xuất bánh phồng tôm của tỉnh Cà Mau đều nằm ở các vùng xa, hạ tầng giao thông còn hạn chế đang là một trở ngại lớn. Còn trong tương lai, khi nghề làm bánh phồng tôm có thêm điều kiện phát triển, nhiều người muốn đầu tư mở rộng sản xuất thì vấn đề vốn, thị trường cũng là một trăn trở.
Bà Lữ Hồng Phúc, Phó Chủ tịch UBND xã Hàng Vịnh, chia sẻ: “Chúng tôi xác định địa phương có lợi thế phát triển sản phẩm bánh phồng tôm nên đã cùng doanh nghiệp đầu tư, phát triển để được công nhận là sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển cho thấy ít có cơ hội để quảng bá sản phẩm. Bởi các cơ sở làm bánh phồng tôm chủ yếu quy mô nhỏ, thiếu nguồn lực nên việc ít được giao lưu, học hỏi để kết nối và phát triển là một thực tế khó. Bà con cần được tạo thêm điều kiện để tham gia các sự kiện thương mại để quảng bá sản phẩm cũng như tham gia vào các chuỗi liên kết, giúp đầu ra thuận lợi hơn”.
Nguồn nguyên liệu tại chỗ dồi dào, chất lượng tốt đang tạo ra lợi thế lớn để người dân Cà Mau phát triển nghề làm bánh phồng tôm. Thực tế cho thấy trước đây khi bà con làm nhỏ lẻ, nguồn cung luôn không đủ cầu. Còn hiện tại đã có doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn, nâng chất lượng sản phẩm, thì vấn đề xúc tiến thương mại cần được quan tâm để quảng bá sản phẩm, đảm bảo đầu ra, giúp nghề này phát triển bền vững.
Bài, ảnh: HIẾU NGHĨA