12/11/2008 - 20:58

Thời trang từ... rác thải

 

Hai trong số 30 mẫu thời trang trình làng tại Eco Chic Hong Kong, chương trình giới thiệu các nhãn hiệu thời trang thân thiện môi trường thịnh hành nhất hiện nay, diễn ra tại Hồng Công hôm 30-10. Ảnh: Ecofashionworld.com

Sắp tới, giấy gói kẹo, báo cũ và túi nhựa đã qua sử dụng sẽ không còn bị xem là rác thải nữa, bởi các nhà thiết kế thời trang đang biến chúng thành những vật dụng hữu ích như túi xách, ví tiền và đồ trang sức rất mốt. Các ngôi sao nổi tiếng như mỹ nữ Lindsay Lohan, Cameron Diaz và siêu mẫu Petra Nemcova là những người tiên phong ủng hộ xu hướng sử dụng sản phẩm thời trang được làm từ phế liệu tái chế, hay còn gọi là “thời trang sinh thái”.

Ecoist, nhãn hiệu thời trang sinh thái hợp tác với hãng Coca-Cola, Lunar Bar và công ty mỹ phẩm Aveda cho ra đời loại túi xách làm từ bao bì bỏ hoặc bị lỗi. “Chúng tôi chọn nguồn rác thải này vì chúng dồi dào và đáng tin cậy”, ông Jonathan Marcoschamer, đồng sáng lập Ecoist, cho biết. Theo số liệu của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ, các công ty trong nước mỗi năm thải ra khoảng 7,6 tỉ tấn rác thải. Trong 4 năm qua, Ecoist tiêu thụ hơn 100.000 sản phẩm thời trang sinh thái tại thị trường Peru và Miami (bang Florida, Mỹ). Trong đó, túi xách thời trang (kể cả hàng “độc”) có giá dao động 30-180 USD (500.000 -3 triệu đồng), tùy kích cỡ.

Không chỉ Ecoist, hiện nay nhiều công ty và nhà thiết kế khác cũng đang chuyển sang hướng tái chế rác thải thành sản phẩm thời trang thân thiện môi trường. Chẳng hạn Katherine Rasmussen của nhãn hiệu Reiter8 thiết kế túi xách từ cánh buồm cũ. Hai nhà thiết kế yêu môi trường Nicola Freegard và Robin Janson, thành viên sáng lập công ty Vy&Elle, chế biến 100 tấn nhựa dẻo vinyl từ các tấm bảng quảng cáo thành ví tiền, túi xách và nhiều sản phẩm thời trang khác. Còn nhà thiết kế Anna Built chế tạo trang sức từ những hộp thiếc tái chế.

Mặc dù vậy, việc biến rác thải thành sản phẩm thời trang thân thiện môi trường không phải lúc nào cũng dễ dàng. Công ty Timbuk2 đã gặp không ít khó khăn khi tìm cách sản xuất cặp đựng laptop chống sốc và chống thấm từ túi nhựa phế thải. Ý tưởng này chỉ trở nên khả thi khi Timbuk2 hợp tác với công ty RootPhi phát triển máy ép nhựa Lamitron, cho phép họ tạo ra một loại nhựa mới mà vẫn giữ được những đặc tính của túi nhựa. Tuy nhiên, việc đáp ứng nhu cầu của khoảng 3.000 khách hàng đặt hàng qua trang web Timbuk2 chưa thể thực hiện được, do Timbuk2 còn gặp trở ngại về mặt kỹ thuật sản xuất hàng loạt. Ông Perry Klebahn, giám đốc điều hành Timbuk2 hy vọng một ngày không xa, mọi người có thể mang những chiếc túi nhựa bỏ đi đến Timbuk2 đổi lấy túi xách theo yêu cầu chỉ sau vài tuần.

Trên thực tế, thời trang sinh thái đã chứng tỏ có đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường. Năm ngoái, nhà thiết kế người Anh Anya Hindmarch trình làng bộ sưu tập túi đựng đồ “I’m not a plastic bag” (Tôi không phải là túi nhựa) làm từ chất liệu cotton hữu cơ. Khi được tung ra tại Luân Đôn và New York (Mỹ), loại túi xách này nhanh chóng “cháy hàng”. Chưa kể khi được đưa lên bán đấu giá trên mạng trực tuyến eBay, giá trị của nó tăng vọt lên 400 USD (6,7 triệu đồng) mặc dù giá gốc chỉ... 15 USD (250.000 đồng)/chiếc.

Liệu xu hướng ưa chuộng thời trang sinh thái có kéo dài hay không? Yair Marcoschamer, cũng là thành viên sáng lập Ecoist, tỏ ra lạc quan trước câu hỏi này. Ông cho rằng doanh nghiệp và người tiêu dùng đều hiểu rằng nếu không làm điều gì đó để bảo vệ môi trường, cuộc sống của mỗi người chúng ta sẽ bị ảnh hưởng bởi chính những tác động do môi trường gây ra. “Sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường là thể hiện chúng ta là người tiêu dùng có trách nhiệm”, Marcoschamer chia sẻ.

THANH TRÚC (Theo CNN)

Chia sẻ bài viết