25/11/2013 - 22:39

Thỏa thuận với Iran - chìa khóa cho Mỹ tại Trung Đông?

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif (trái) bắt tay người đồng cấp Mỹ John Kerry tại Genève (Thụy Sĩ) hôm 24-11. Ảnh: NYPost

Nếu Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho rằng thỏa thuận tạm thời về vấn đề hạt nhân vừa đạt được đã mở ra "chân trời mới" cho Tehran, thì truyền thông Mỹ gọi đó là chìa khóa để chính quyền Tổng thống Barack Obama mở tiếp các cánh cửa khác tại Trung Đông.

Thỏa thuận lịch sử giữa Iran với nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc cùng với Đức) hôm 24-11 yêu cầu Tehran ngưng hầu hết chương trình hạt nhân của nước này trong 6 tháng, kể cả lò phản ứng Arak để đổi lấy việc nới lỏng và dỡ bỏ một số cấm vận được mô tả sẽ mang lại cho quốc gia Hồi giáo này 6-7 tỉ USD. Dù vẫn còn phụ thuộc nhiều vào việc liệu Mỹ và nhóm P5+1 có đạt được thỏa thuận cuối cùng với Iran trong thời gian tới để đảm bảo chương trình hạt nhân của nước này mang mục đích hòa bình, nhưng thỏa thuận mới đã mở toang cánh cửa về một loạt khả năng địa chính trị mà chưa có ông chủ Nhà Trắng nào kể từ thời Jimmy Carter làm được.

Theo tờ Thời báo New York, thỏa thuận mới giúp Tổng thống Obama có thêm ít nhất hai lợi thế. Một là chính sách đối ngoại sẽ trở thành "tiền tuyến" cho Nhà Trắng, vốn đã bị chi phối bởi những vấn đề quốc nội; và hai là ông Obama sẽ có cơ hội phác họa đường lối mới của nước Mỹ tại khu vực Trung Đông lần đầu tiên trong hơn 3 thập niên. "Đây là một thỏa thuận lịch sử, là giải pháp tạo địa chấn lớn ở Trung Đông. Nó sẽ tái lập toàn bộ ván cờ tại khu vực này" - Vali R. Nasr, chủ nhiệm Khoa nghiên cứu quốc tế cao cấp thuộc Đại học Johns Hopkins, nhận định.

Theo đuổi con đường ngoại giao rộng hơn, theo ông Nasr, có thể thay đổi những nước cờ mới của Mỹ tại khu vực này. Đó có thể là từ cuộc nội chiến đẫm máu hơn 2 năm rưỡi qua ở Syrie, nơi nhóm Hồi giáo vũ trang Hezbollah do Iran hậu thuẫn đang sát cánh cùng chính quyền Damas chống lại phe nổi dậy, cho đến tình hình Afghanistan mà Tehran có thể là trung gian giúp đạt được thỏa thuận với phiến quân Taliban sau khi liên quân quốc tế rút khỏi đây vào cuối năm tới.

Hãng tin Anh Reuters cũng cho rằng với những trung tâm quyền lực trong lịch sử thế giới A-rập như Ai Cập, Syrie và Iraq đã suy yếu do phong trào nổi dậy hồi năm 2011 và xung đột sắc tộc, khởi đầu mới với Iran xem như chiến thắng "mồi" cho Washington trong việc tìm kiếm những thành công trong chính sách ngoại giao sắp tới. Rami Khoury thuộc Đại học Mỹ ở Beirut (Liban) thì cho rằng thỏa thuận tạm thời về chương trình hạt nhân của Iran là "điều rất tốt" để có thể từng bước nối lại quan hệ hữu nghị giữa các nhà lãnh đạo tăng lữ ở Tehran với các nước A-rập vốn là đồng minh của Mỹ, như Arabie Séoudite hay Israel, quốc gia đã gọi thỏa thuận hạt nhân vừa rồi là một "sai lầm lịch sử".

Hãng tin AP cho rằng thỏa thuận hạt nhân mới có thể mở đường cho bình thường hóa quan hệ giữa Iran và phương Tây, dù đồng thời nó có khả năng tác động tiêu cực đến tiến trình đàm phán hòa bình Syrie và Palestine nếu Israel và một số quốc gia A-rập tìm cách trả đũa đồng minh Mỹ. Tuy vậy, không chỉ Iraq, Syrie và Palestine, mà các nước Qatar, Koweit, Các Tiểu Vương quốc A-rập Thống nhất và Bahrain đều đã lên tiếng hoan nghênh thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 với hy vọng nó sẽ mang lại sự ổn định và an ninh cho khu vực.

THANH BÌNH (Tổng hợp)

 

Chia sẻ bài viết