02/06/2021 - 16:08

Thiếu ngủ nguy hiểm cho nhân viên y tế và cả bệnh nhân 

Nhiều người nghĩ rằng các nhân viên y tế thường khỏe mạnh hơn người. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã mang đến cái nhìn rõ nét hơn vấn đề sức khỏe thể chất và tinh thần của họ. Ðáng lo là tình trạng thiếu ngủ và ngủ kém có thể làm tăng rủi ro sức khỏe cho cả nhân viên y tế và bệnh nhân của họ.

Thiếu ngủ ở nhân viên y tế nguy hiểm ra sao?

Do đặc thù nghề nghiệp, nhân viên y tế phải đối mặt với nhiều yếu tố gây căng thẳng tinh thần (stress) và nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng thiếu ngủ là một trong những yếu tố gây stress lớn nhất. Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật (CDC) Mỹ về 22 nhóm nghề nghiệp chính, 40% số nhân viên y tế thừa nhận họ bị thiếu ngủ (ngủ ít hơn 6 tiếng/đêm). Các rối loạn giấc ngủ cũng phổ biến hơn ở nhóm làm việc trong ngành y so với các ngành nghề khác, bao gồm khó ngủ, thời gian ngủ ít hoặc thức giấc nhiều lần trong đêm.

Một số nghiên cứu cho thấy mất ngủ ảnh hưởng đến nhiều chức năng cơ thể, chẳng hạn, chỉ một đêm ngủ không đủ giấc có thể khiến nhân viên y tế bị giảm 25% khả năng nhận thức, trong khi làm tăng nguy cơ chấn thương cơ xương, béo phì, tiểu đường và bệnh tim mạch. Các y tá luân phiên làm ca đêm trong hơn 15 năm thậm chí có nguy cơ phát triển ung thư vú và đại tràng cao hơn lần lượt là 1,79 lần và 1,35 lần. Ðược biết, các điều kiện làm việc đặc thù như luân phiên làm việc ca đêm, thường tiếp xúc với những ca bệnh nặng và bị gián đoạn giấc ngủ (do phải trực điện thoại, hỗ trợ tình huống cấp cứu)... có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề về giấc ngủ.

Không chỉ trực tiếp ảnh hưởng sức khỏe bản thân, tình trạng thiếu ngủ của nhân viên y tế còn làm tăng rủi ro cho những người mà họ chăm sóc. Theo đó, ngủ không đủ giấc, ngủ kém và mất ngủ kinh niên khiến việc xếp hạng về chất lượng chăm sóc của nhân viên y tế và sự an toàn của bệnh nhân thấp hơn, cũng như có thể làm gia tăng tỷ lệ sai sót ở tuyến đầu.

Cách để nhân viên y tế cải thiện chất lượng giấc ngủ

Bản thân các nhân viên y tế đều hiểu rõ họ cần được giúp đỡ để cải thiện giấc ngủ. Tuy nhiên, thách thức là các biện pháp can thiệp giấc ngủ không phải luôn phù hợp với tất cả đối tượng. Theo một điều tra, đa số y tá ưa thích các chiến lược can thiệp dựa trên phương pháp thiền hơn là liệu pháp hành vi-nhận thức và các hướng dẫn về “vệ sinh giấc ngủ” (quy trình xây dựng thói quen ngủ tốt). Nguyên do là thiền ít đòi hỏi thay đổi hành vi, mà chủ yếu tập trung vào nhận thức thực tại của từng cá nhân. Theo đó, thực hành thiền có thể cải thiện các triệu chứng mất ngủ bằng cách giảm kích thích sinh lý và loại bỏ dần các yếu tố ảnh hưởng đến tâm lý, như suy nghĩ quá nhiều.

Các chuyên gia cho biết cải thiện chất lượng giấc ngủ ở nhân viên chăm sóc sức khỏe bằng phương pháp thiền được phát hiện có liên quan đến mức độ tỉnh táo cao hơn của họ vào ngày hôm sau, một trạng thái tinh thần cần có để chăm sóc người bệnh tốt hơn, “có tâm hơn”.

AN NHIÊN (Theo The Conversation)

Chia sẻ bài viết