20/09/2021 - 08:21

Thích ứng với bán hàng online 

Hiện nay, dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong bối cảnh này, nhiều tiểu thương ở các khu chợ truyền thống và hộ kinh doanh nhỏ lẻ đã đẩy mạnh hình thức mua bán online. Không chỉ nhằm hạn chế việc lây nhiễm dịch bệnh, đây còn là cách thức giúp giữ chân khách hàng, tăng sức mua, duy trì kinh doanh.

Chị Trần Như Ngọc (lò bánh mì Hữu Hiệp) soạn đơn hàng cho khách online. Ảnh: CTV

Hơn hai tháng qua, khi TP Cần Thơ thực hiện việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hoạt động của lò bánh mì Hữu Hiệp (đường Trần Hưng Ðạo, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) ít nhiều bị ảnh hưởng khi ngưng tiếp khách tại cửa hàng. Ðể việc kinh doanh không chựng lại, cửa hàng đã quảng bá sản phẩm, bán hàng online qua các trang mạng xã hội và chỉ bán với hình thức ship hàng, ưu tiên việc thanh toán chuyển khoản. Chị Trần Như Ngọc, con dâu chủ lò bánh mì Hữu Hiệp, chia sẻ: “Từ 4 năm về trước, tôi đã bắt đầu kinh doanh online mặt hàng đồ dùng cho bé, như quần áo, sữa,… Riêng lò bánh mì, phần lớn đều bán trực tiếp tại cửa hàng. Sau khi dịch bùng phát, tôi bắt đầu mở rộng việc giới thiệu bánh mì, pate và nhiều loại bánh khác trên mạng xã hội. Thế mạnh của lò bánh mì Hữu Hiệp chính là sản phẩm được làm theo công thức gia truyền hơn 64 năm kết hợp hoàn hảo với vị ngon của thịt nguội, pate mang đúng hương vị từ Pháp nên được nhiều khách hàng yêu thích. Hầu hết nguyên liệu đầu vào giá tăng cao nhưng chúng tôi chỉ tăng giá nhẹ vài mặt hàng, cố gắng giữ mức giá bình ổn trong thời điểm dịch bệnh khó khăn”. Hiện nay, nhờ có lượng khách hàng online từ trước nên việc kinh doanh khá thuận lợi. Mỗi ngày, gia đình chị Ngọc bán khoảng 1.000 ổ bánh mì, cả 100kg thịt nguội và pate gan. Khách hàng chỉ cần comment, nhắn tin trên facebook sẽ được báo giá và hỗ trợ ship tận nhà. Việc thanh toán có thể bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản qua các số tài khoản ngân hàng, vừa tiện lợi vừa nhanh chóng. Chị Ngọc cho biết: “Ðể thực hiện tốt việc phòng, chống dịch, gia đình tôi luôn thực hiện quy định 5K. Người thân khi đi giao hàng lẫn shipper đều thực hiện test nhanh mỗi ngày, đảm bảo an toàn cho khách hàng”.

Không riêng lò bánh mì Hữu Hiệp, có thể thấy, kênh bán lẻ truyền thống đang có những thay đổi tích cực khi xuất hiện rất nhiều cửa hàng kết hợp cả bán hàng online với offline, sử dụng thanh toán điện tử, kết nối với khách hàng và quảng bá sản phẩm trên các trang zalo, facebook,…

Bên cạnh đó, ngay sau khi TP Cần Thơ thực hiện giãn cách xã hội, các điểm chợ đầu mối, chợ truyền thống đã đóng cửa nên các tiểu thương kinh doanh nhỏ lẻ phải tạm ngưng hoạt động. Nhiều chủ sạp hàng dần thay đổi cách nghĩ, bắt đầu làm quen với cách bán hàng hiện đại. Chị Trần Thị Út (phường An Bình, quận Ninh Kiều) bán tạp hóa tại chợ Xuân Khánh, khá bối rối khi lần đầu bán hàng online. Chị Út bộc bạch: “Tôi không quen việc sử dụng điện thoại và cũng ít lên các trang mạng xã hội. Nhưng 2 tháng nay, tôi cũng tập làm quen, dùng facebook và zalo để quảng cáo các sản phẩm tạp hóa, như: dầu ăn, nước mắm, lạp xưởng, nhang đèn,... Hiện nay, tôi chỉ bán chủ yếu cho các khách hàng quen nên doanh thu giảm sút rất nhiều so với bán trực tiếp tại chợ”.

Vốn quen hình thức “tiền trao cháo múc” nên nhiều tiểu thương chợ truyền thống gặp khó khăn khi bán hàng online. Chị Trần Thị Kim Yến, tiểu thương bán cá, hải sản tại chợ Xuân Khánh, bộc bạch: “Ðây là lần đầu tiên tôi thử bán hàng theo hình thức online và cảm thấy rất khó khăn. Mỗi ngày, tôi chụp ảnh sản phẩm thịt, cá… kèm theo thông tin, rồi đăng lên mạng xã hội cho khách hàng lựa chọn. Sau đó, tôi gửi cho shipper thực hiện việc giao nhận. Do không quen nên việc này cũng mất khá nhiều thời gian. Tuy nhiên, nhờ bán hàng online nên tôi vẫn còn duy trì được việc kinh doanh, chủ yếu bán cho khách quen”.

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, để thay đổi phù hợp với tình hình thực tế, có thể thấy, việc kinh doanh online ngày càng phổ biến. Trên facebook, các nhóm chợ online diễn ra khá sôi động khi nhu cầu mua thực phẩm của khách hàng tăng cao. Nhiều nhóm được mở ra có số lượng thành viên tham gia khá lớn, tương tác rất sôi nổi, như: “Hải sản tươi sống Cần Thơ”, “Group rau - củ - quả - thực phẩm - hàng thiết yếu Cần Thơ”, “Thực phẩm đông lạnh Cần Thơ”,… Thử vào nhóm “Hải sản tươi sống Cần Thơ” cũng có hơn 59.400 thành viên tham gia với đủ loại thực phẩm được rao bán. Chỉ cần ở nhà xem và liên hệ với người bán thì khách hàng đã có thể mua được những mặt hàng mình cần.

Thực tế, việc kinh doanh online không phải là chuyện mới mẻ. Nhưng từ khi dịch COVID-19 bùng phát thì hình thức mua bán này ngày càng “nở rộ”. Ðiều đó đòi hỏi hộ kinh doanh truyền thống muốn duy trì kinh doanh buộc phải linh hoạt thay đổi, thích nghi.

KIẾN QUỐC    

Chia sẻ bài viết