31/12/2012 - 17:27

Tuyển sinh năm 2013:

Thí sinh có nhiều cơ hội chọn lựa hơn?

Giờ thực hành của thầy trò Công nghệ - Trường Đại học Cần Thơ - Trường Đại học lớn nhất vùng ĐBSCL. Năm 2013, trường dự kiến có thêm 6 ngành học mới.

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), các cơ sở đào tạo xác định và đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh năm 2013 về Bộ chậm nhất ngày 15-1-2013. Đến thời điểm này, các cơ sở đào tạo ở TP Cần Thơ đã dự kiến chỉ tiêu, ngành nghề tuyển sinh 2013. Bức tranh tuyển sinh chung ở các trường có nhiều nét mới nhưng với nỗi lo cũ.

* Nhiều nét mới

TP Cần Thơ hiện có 8 trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ); trong đó có 3 trường ĐH (Cần Thơ, Y Dược Cần Thơ và Tây Đô). Đó là chưa kể Trung tâm ĐH Tại chức Cần Thơ, Trường ĐH Kiến trúc TP Hồ Chí Minh (cơ sở tại TP Cần Thơ), các trường trung cấp, nghề... Có thể nói, mạng lưới cơ sở đào tạo đã phủ khắp trên địa bàn thành phố, tạo điều kiện thuận lợi để người dân học tập nâng cao trình độ chuyên môn. Điểm mới kỳ tuyển sinh năm 2013, các trường đều tăng chỉ tiêu, thêm ngành học mới. Như Trường ĐH Cần Thơ dự kiến tuyển 8.200 sinh viên và đang chờ Bộ GD&ĐT cho phép tuyển sinh thêm 6 ngành mới; Trường ĐH Y dược Cần Thơ sẽ tuyển 1.250 sinh viên cho 8 ngành (y đa khoa, y tế công cộng, xét nghiệm y học, dược học, điều dưỡng, răng hàm mặt, y học dự phòng, bác sĩ y học cổ truyền). Thạc sĩ Nguyễn Minh Phương, Phó phòng Đào tạo, Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, cho biết: "So với năm 2012, chỉ tiêu năm nay tăng 150 sinh viên. Năm nay mở thêm ngành mới là bác sĩ y học cổ truyền".

Tương tự, kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013 ở các trường cao đẳng cũng có nhiều nét mới. Chẳng hạn như: Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ tuyển 1.300 sinh viên (tăng 150 chỉ tiêu so với năm 2012) cho 12 ngành đào tạo bậc CĐ hệ chính qui. Trường có thêm 2 ngành mới (kinh doanh thương mại, dịch vụ pháp lý). Bậc trung cấp chuyên nghiệp, trường tuyển 1.400 học sinh cho 13 ngành đào tạo; trong đó có 4 ngành mới (kinh doanh thương mại dịch vụ, công nghệ kỹ thuật chế biến và bảo quản thực phẩm, pháp luật, thống kê). Theo Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Lợi, Hiệu trưởng Trường CĐ Cần Thơ, năm nay, trường không tăng chỉ tiêu bậc trung cấp nhưng bậc CĐ sẽ tăng 200 chỉ tiêu, so với năm 2012. Dự kiến, trường sẽ mở thêm 4 ngành học mới bậc CĐ, trung cấp chuyên nghiệp...

Những năm gần đây, các cơ sở đào tạo mở mã ngành mới trên cơ sở nhu cầu thực tế của địa phương. Theo Thạc sĩ Huỳnh Ngọc Chinh, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, việc mở các ngành, chuyên ngành mới nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ĐBSCL. Để mở thêm ngành mới, lãnh đạo trường căn cứ vào nhu cầu xã hội, năng lực và chiến lược phát triển đào tạo của trường. Thực tế cho thấy, nhu cầu xã hội đối với nguồn nhân lực được đào tạo chuyên sâu ngày càng cao, giúp nhà tuyển dụng thuận lợi trong việc tuyển chọn nhân viên. Trong đó, Dịch vụ pháp lý là một trong những ngành mới, là cơ sở để phát triển ngành đại học Luật trong tương lai, đúng định hướng phát triển chung của trường".

* Vẫn nỗi lo cũ

Mùa tuyển sinh năm 2012 được các nhà quản lý đánh giá là "bức tranh buồn". Bởi lẽ, ngoài các trường "đàn anh" như ĐH Cần Thơ, ĐH Y Dược Cần Thơ, phần lớn các trường ĐH, CĐ khác đều cùng chung cảnh ngộ tuyển "nhém" hụt hoặc thừa chỉ tiêu; phải đóng cửa ngành, như: CĐ Nghề Cần Thơ, CĐ Cơ điện và Nông nghiệp Nam Bộ, một số trường trung cấp... Bi đát hơn, các trường ngoài công lập chỉ tuyển được khoảng 40%-50% so với tổng chỉ tiêu. Ngay cả Trường CĐ Cần Thơ, số lượng tuyển sinh nhiều năm qua khá ổn định nhưng năm 2012 cũng chỉ tuyển vừa đủ chỉ tiêu. Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Lợi cho biết: "Năm 2012, trường "gọi" khoảng 3.500 thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển các ngành CĐ nhập học nhưng kết thúc tuyển sinh 2012, trường tuyển được 1.824 sinh viên- vừa đủ chỉ tiêu".

Theo các nhà quản lý giáo dục, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do nguồn tuyển ở TP Cần Thơ không tăng, trong khi đó một số trường "đàn anh", trường công lập "hút" nhiều thí sinh. Cùng với những quy định mới ban hành trong tuyển sinh 2012 khiến các trường gặp khó khăn hơn. Ví dụ, việc ban hành chính sách đặc thù cho 3 vùng khó khăn (Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ) quá trễ, một số trường khó tuyển sinh cũng không thể cải thiện bao nhiêu. Thạc sĩ Huỳnh Ngọc Chinh cho biết: "Việc ban hành chính sách đặc thù hay một số qui định mới trong tuyển sinh trễ, khiến nhiều thí sinh "chạy lòng vòng" từ trường này sang trường khác hoặc ngành này sang ngành khác của cùng một trường, gây khó cho các trường. Để nâng cao hiệu quả công tác tuyển sinh 2013, Bộ GD&ĐT cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn tuyển sinh để các trường, thí sinh chủ động hơn trong tuyển sinh năm 2013. Nếu Bộ GD&ĐT bổ sung thêm điểm mới cũng nên cân nhắc và lường trước những tình huống có thể xảy ra, gây "rối" cho các trường và thí sinh". Hầu hết thí sinh liên hệ với Phòng Đào tạo của trường để tìm hiểu tuyển sinh đều lúng túng, bởi không biết chọn ngành nghề nào phù hợp cũng như băn khoăn với những quy định mới trong tuyển sinh.

Để nâng cao hiệu quả tuyển sinh, các trường đề nghị Bộ GD&ĐT giao quyền tự chủ hơn cho các trường; đồng thời phân tầng ĐH bao gồm: ĐH nghiên cứu, ứng dụng, đào tạo nguồn nhân lực. Đối với trường nhận ngân sách thì cần giảm chỉ tiêu; những thí sinh muốn học những trường này, phải qua kỳ tuyển sinh quốc gia gắt gao, để trở thành những nhà nghiên cứu hàn lâm, mặc nhiên chỉ tiêu các trường này không thể cao được. Quan trọng hơn nữa, các cơ sở đào tạo cần tăng cường mối liên kết trong đào tạo; qua đó, có thể tận dụng nguồn lực lẫn nhau, tránh đào tạo chồng chéo và ổn định nguồn tuyển sinh.

Một mùa tuyển sinh nữa sắp khởi động, các nhà quản lý giáo dục cho rằng, công tác tuyển sinh năm 2013 sẽ khởi sắc. Muốn vậy, các trường phải cố gắng làm tốt nhiệm vụ của mình để nâng cao chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, điều các trường mong muốn ở cơ quan chủ quản là sự nhất quán trong tuyển sinh, giúp thí sinh có nhiều cơ hội chọn lựa học tập và nhà trường vơi bớt khó khăn.

Bài, ảnh: B.Kiên

Chia sẻ bài viết