Với những đứa trẻ vùng quê, chợ Tết là cả một thế giới sắc màu, một không gian mơ ước tưởng gần mà xa. Được theo má đi chợ Tết là niềm vui nhớ mãi trong những ngày cuối năm. Hương vị của Tết đằm sâu trong phiên chợ quê. Ở đó, còn có tình thương của mẹ, nỗi khó nhọc của ba khi gói ghém sắm cho các con đôi dép, bộ đồ.
Chợ Tết ở miệt sông nước. Tôi nhìn thấy tôi trong hình ảnh những đứa trẻ ngồi giữ vỏ cho cha mẹ đi chợ Tết. Ảnh: DUY KHÔI
Nhà tôi cách chợ Ba Ðình (xã Vĩnh Lộc A, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) chừng non 5 cây số và cách chợ Lái Niên (xã Vĩnh Tuy, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang) khoảng chừng 8 cây số. Khoảng cách đó bây giờ không xa, đường sá lại thông thương nên chỉ ngồi xe máy không lâu đã tới, nhưng chừng gần 30 năm trước, con đường đó dài thăm thẳm, chỉ là lối mòn đi bộ, băng ngang những hàng lá dừa nước xanh rì, che tối mịt. Muốn đi chợ phải có xuồng, vỏ lãi để đi cho mau, chở được nhiều đồ.
Hồi đó, xứ tôi làm lúa mùa, qua tháng Chạp âm lịch là thu hoạch. Lúa ngay tháng nắng nên chuyện phơi phóng được dễ dàng. Cha tôi dựng mê bồ quây thành bồ lúa, chừa đủ lúa cho cả nhà ăn tới vụ sau, còn lại bán kịp cho gia đình có cái Tết đầm ấm. Tới vụ lúa, tôi, chị Năm, chị Tư lúc đó chưa đầy 10 tuổi, đã biết “kiếm tiền”, có nguồn thu nhập riêng từ hai nguồn: giũ đống rơm và mót lúa chét trên đồng. Ngặt cái suốt lúa mùa hạn, lúa tuốt sạch trơn nên “thất thu”. Thằng Út “trật búa trật rìu” như tôi lúc nào cũng nói các chị an tâm, mình sẽ có cách và cách chính là lúc đi đường lúa phơi giúp mẹ, mỗi lần thể nào cũng hốt 2, 3 nắm lúa để vào “tài sản chung” của ba chị em. Lúa đó, chúng tôi gởi mẹ để “hùn” sắm đồ Tết.
Nhà tôi lúc đó chưa có vỏ máy mà chỉ có chiếc xuồng be 10. Muốn đi chợ, chị Ba tôi phải ngồi đầu xuồng bơi, mẹ thì chèo sau lái, tôi nằm giữa xuồng kể chuyện “mây trôi nước chảy” chọc cho má cười, quên mệt. Ngày Tết, ba tôi mượn được chiếc vỏ của người cô kế nhà để đi chợ. Ðó là chiếc vỏ lãi đóng bằng cây dầu, chạy bằng máy Van-gua 5 ngựa rưỡi, vọt băng băng. Thấy ba ôm chiếc máy xuống vỏ là tôi nôn nao, năn nỉ mãi để được theo ba mẹ đi chợ Tết.
Nhưng không phải tôi và chị Năm đi theo chơi không đâu mà có nhiệm vụ được giao hẳn hoi! Ðó là giữ vỏ. Xứ kinh rạch Bạc Liêu nên hầu hết bà con đi chợ bằng xuồng, vỏ, ghe. Ngày Tết, bến chợ ghe xuồng đậu chật kín, chiếc này cột vào chiếc kia, giăng kín một khúc sông. Ðó là chưa kể ghe bông, ghe hàng bông, dưa hấu từ miệt vườn chở xuống bán khiến bến chợ thêm rộn ràng, sung túc. Ba má đi chợ, tôi với chị Năm được giao ngồi giữ vỏ. Ba đi lựa mấy miếng liễn dán nhà, rồi nhang đèn chuẩn bị rước ông bà. Má cặm cụi mua giấy bông về dán vách buồng, lựa mấy chậu bông vạn thọ, thêm chút bánh mứt, thịt heo về dùng trong 3 ngày Tết.
Sắm đồ Tết cho con. Ảnh: DUY KHÔI
Xong xuôi, ba xuống giữ vỏ, má ngoắc tôi với chị Năm lên để đi chợ Tết. Trời ơi, lúc đó cảm giác sung sướng và tự hào biết là bao nhiêu, cứ như tên mình vừa được gọi để đi lên thảm đỏ. Dù vậy, tôi vẫn có chút rụt rè, tôi nói “tưởng gần mà xa” là vậy. Chúng tôi luôn có mặc cảm nhà trong đồng bưng, rẫy bái, và “ra chợ” là một thế giới xa hoa, nhìn cái gì cũng ngộ, cũng lạ. Thấy bảng quảng cáo nào là đọc miết không thôi. Thấy mấy đứa cùng trang lứa nhà ở chợ da dẻ trắng tươi, đeo vàng đỏ rực... cứ như mình đang xem một bộ phim nhà giàu.
Trước hết, má dẫn tôi đi hớt tóc. Thợ hớt tóc ngày Tết bận bịu không ngơi tay, phải ngồi chờ rất lâu mới được chú thợ ngoắc: “Nhóc, lên ghế ngồi đi con”. Chú sẽ hỏi hớt kiểu gì, tôi nhanh nhảu trả lời câu mà tới giờ vẫn còn nhớ: “Dạ, hớt bảy ba mà sướt ổ gà nghe chú!”. Hớt tóc xong thì má dẫn chị em tôi đi lựa dép, vài ba bộ đồ mới. Tôi thương má hoài những bận đi chợ Tết thuở khó nghèo, má toan tính, phân vân cho từng món. Tôi nhớ, tôi ham “đôi dép quai hậu” (giày san-dal) mà má hỏi giá rồi nói: “Thôi, con! Mua đôi dép rẻ rẻ được rồi. Qua Tết má đốn khóm rồi mua cho con!”. Tôi với chị Năm được má mua cho mỗi đứa 2 bộ đồ Tết, phải thử mãi mới vừa vì tôi đã “phì nhiêu” từ nhỏ. Cái áo thun “đóng thùng” trong quần sọt jean, mang đôi dép mới, tóc tém bảy ba bóng ngời... Ôi, cảm giác như tôi đẹp nhất trong năm từ buổi đi chợ Tết với má.
Ði ngang tiệm vàng, chị Năm đòi má mua cho đôi bông “tòn ten” giống mấy đứa trong xóm. Tôi nhớ hoài, nhớ chảy nước mắt, khi má đứng nhìn tủ vàng của người ta, rồi nhìn lại hai đứa con, mắt chảy nỗi buồn, nắm tay hai con đi nhanh nhanh: “Thôi con, đi, đi để ba chờ!”. Thời đó, không hiểu sao tụi tôi biết nghe lời lắm, má nói không có thì thôi, thì chịu, không đua đòi mà cũng không “làm mình làm mẩy”.
Ði chợ, má mua về cho bà nội, anh Hai, chị Ba, chị Tư và hai chúng tôi ổ bánh mì chan nước, 500 đồng/ổ. Mà 1 ổ là phải chia 2, cho 2 người ăn. Phần của tôi và chị Năm, vỏ chưa rời bến chợ đã chẳng còn gì, má thấy vậy thì lấy phần của ba với má kêu: “Tụi con ăn thêm đi”.
Mấy năm sau, lúc đó tôi đã 13-14 tuổi, gia đình có phần thoải mái hơn, má cũng đỡ phải dè sẻn mỗi lần dắt con đi chợ Tết. Tôi vẫn được má tin tưởng giao nhiệm vụ giữ vỏ và được phát cho ổ bánh mì chan nước với bọc nước mía. Tôi nhớ lần đó, má ghé tiệm vàng mua cho tôi chiếc cà rá có hột màu đỏ tươi, còn chị Năm thì cọng dây chuyền có mặt hình chữ “Phước”. Năm đó, chị em tôi “ăn Tết lớn”. Má nhìn chị em tôi đeo vàng thì nhoẻn miệng cười hoài. Xuống vỏ về, má ngồi sửa sửa mặt dây chuyền của chị Năm cho ngay ngắn, rồi dặn tôi nhớ đeo cà rá cho kỹ, coi chừng mất. Tôi nhớ, má còn dặn chị em tôi vầy: “Muốn thì má mua cho rồi đó, ráng học cho giỏi, nghe lời, mai mốt má có tiền, đổi chiếc khác vàng nhiều, đeo cho chắc”.
Nhà tôi nằm ven kinh xáng Bà Từ, mùa nước nổi, lục bình nương theo làn gió chướng, kín nghẹt dòng kinh. Người đi chợ về nối đuôi nhau, tay vẹt lục bình, tay lần lá dừa nước cho xuồng, vỏ mau qua. Xuồng ai cũng đầy sắc màu của bông hoa, kẹo mứt, dưa hấu... Những câu hỏi thân tình giữa dòng kênh xanh: “Chị Hai đi chợ về hả, vạn thọ đẹp quá ha, bao nhiêu một cặp vậy chị?”, “Thím Út, đồ năm nay mắc không thím, con mới đi mà nghe nói mắc quá, cũng ngán?”... Cứ vậy, tình quê, Tết quê cứ nương theo những phiên chợ quê ngày Tết mà nồng nàn.
Theo má đi chợ Tết. Ảnh: DUY KHÔI
Vỏ về tới bến, thể nào chị Ba, chị Tư cũng ngồi sẵn ở sàn lãn đón ba má về. Biết chị Tư ưa bánh cam, còn chị Ba ưa bánh lá, má mua theo ý thích mỗi người. Ði chợ về, má bày thịt, rau ra để sửa soạn ăn Tết. Chị Ba, chị Tư thì khéo léo lấy giấy bông dán lại vách buồng, tháo 2 miếng vải cửa buồng, bông giả trên bàn thời giặt sạch, phơi nắng thơm tho. Ba cắt tỉa 2 chậu vạn thọ gọn gàng ở ngạch hàng ba. Chẳng mấy chốc, mùi nồi thịt kho hột vịt, thịt khìa của má thơm lừng từ chái bếp sau nhà, khói bếp tỏa lan giữa chiều xuân.
Mấy chục năm rồi, Tết năm nào tôi cũng nôn nao về với má, vì phải xa nhà từ nhỏ. Về để chở má đi chợ Tết ngày cuối năm. Má vẫn vậy, vẫn dè xẻn từng chút một vì “sợ tốn tiền”. Hồi xưa má lựa đồ cho tôi, bây giờ thì tôi lựa đồ cho má. Hồi xưa tôi thì vui vẻ, đòi thêm, còn bây giờ má cứ: “Thôi con, đồ má còn nhiều, sắm mần chi, má có đi đâu đâu mà sắm”. Duy có điều, mua đồ ăn trong 3 ngày Tết thì má không có tiếc, mua thiệt nhiều. Má có ăn bao nhiêu đâu, má mua để con cháu tụ hội về có mà vui vầy trong 3 ngày Tết.
Vậy đó, tôi và các anh chị vẫn đón Tết trong tình thương của má, của ba, của tình thân yêu. Tôi luôn nghĩ, chừng nào còn ba, còn má, thì Tết vẫn luôn đẹp, Tết sẽ không bao giờ hết. Má vẫn luôn chăm chút cho mùa xuân của gia đình bằng tình thương và sự bao dung của một đời cần lao, lam lũ.
Vừa mở cửa tinh mơ sáng cuối năm, nhà anh hàng xóm mở nhạc, vang vang câu hát trong bài “Mùa xuân gọi” của nhạc sĩ Trần Tiến: “Mẹ ơi sáng nay xuân về. Mẹ trông ra ngoài hiên nắng. Mẹ mong đứa con xa nhà. Rồi mùa xuân anh ấy sẽ về”. Lòng tôi chợt cồn cào, mắt nghe cay cay sóng sánh hình ảnh Tết quê. Con sẽ về để chở má đi chợ Tết!
Giáp Tết Tân Sửu 2021.
Bút ký: ĐĂNG HUỲNH