* Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Thanh Mẫn: Đẩy mạnh xây dựng cơ bản, tiêu thụ lúa cho nông dân
(TTXVN-CT)- Trong hai ngày 29 và 30-9, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 9, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc trình Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội, thị trường trong nước và xuất, nhập khẩu tháng 9 và 9 tháng đầu năm; Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà trình báo cáo về tình hình kinh tế vĩ mô tháng 9-2008, với 5 kết quả nổi bật, đó là: Tốc độ tăng trưởng GDP trong 9 tháng ước đạt 6,52%, tuy còn thấp hơn tốc độ tăng GDP cùng kỳ năm 2007 nhưng trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động bất lợi và kinh tế trong nước còn gặp nhiều khó khăn thì đây là kết quả khả quan, phù hợp với các nhóm giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Các ngành dịch vụ đạt kết quả khá tốt, đã góp phần nâng mức tăng trưởng chung của nền kinh tế (giá trị tăng của ngành dịch vụ 9 tháng đầu năm tăng 7,23%, cao hơn mức tăng GDP). Trong điều kiện cạnh tranh gay gắt về thị trường và giá cả nhưng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao ( 48,6 tỉ USD), tăng 39% so với cùng kỳ , với 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỉ USD, trong đó dầu thô đạt 8,8 tỉ USD, dệt may đạt 6,83 tỉ USD; nhập siêu giảm dần (riêng tháng 9 chỉ nhập siêu 500 triệu USD- mức thấp nhất trong 9 tháng đầu năm). Thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt được nhiều kết quả tốt, so với 9 tháng cùng kỳ năm 2007, số vốn đầu tư nước ngoài thực hiện tăng 37%; vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm tăng 5 lần. Một số lĩnh vực như văn hóa, giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội,... có nhiều tiến bộ.
Trong tháng 9, tình hình tiền tệ dần đi vào ổn định, nhiều ngân hàng thương mại đã hạ mức lãi suất huy động và cho vay. Đáng chú ý là chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 so với tháng 8 trước đó chỉ tăng 0,18%, mức tăng thấp nhất trong 17 tháng gần đây.
Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta đang đứng trước không ít khó khăn, thách thức. Trước hết, để đạt mục tiêu tăng trưởng 7% GDP năm 2008 đã được Quốc hội xem xét điều chỉnh và thông qua, GDP trong quý 4 phải đạt 8,1% - một nhiệm vụ hết sức khó khăn trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và thế giới còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Bên cạnh đó, khi chính sách thắt chặt tiền tệ của Chính phủ đã phát huy tác dụng trong việc kiềm chế lạm phát, tăng trưởng kinh tế lại bị ảnh hưởng. Các ngành sản xuất kinh doanh đang phải đối mặt với thiếu vốn, lãi suất vay ngân hàng cao, giá nguyên liệu sản xuất đứng ở mức cao, làm tăng chi phí sản xuất, giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh. Giá tiêu dùng tháng 9 so với tháng 12-2007 tăng 21,87%, so với cùng kỳ năm trước tăng 27,9% và dự báo 3 tháng cuối năm thị trường trong nước còn tiềm ẩn những yếu tố gây biến động giá, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân, đặc biệt là người nghèo. Việc giải ngân vốn đầu tư, nhất là vốn trái phiếu Chính phủ đạt thấp, ảnh hưởng đáng kể đến phát triển kinh tế vĩ mô.
Kết luận về vấn đề kinh tế- xã hội tháng 9 và 9 tháng đầu năm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Kinh tế- xã hội nước ta đã có những chuyển biến tích cực, trong đó lạm phát được kiềm chế theo hướng giảm dần; đồng thời gắn liền với ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế... Tuy nhiên, kinh tế - xã hội nước ta đang đứng trước những khó khăn, thách thức, tồn tại và yếu kém không thể xem thường.
Về nhiệm vụ 3 tháng còn lại của năm 2008, Thủ tướng chỉ rõ: Trước hết vẫn phải quán triệt quan điểm ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế. Từ Chính phủ đến các Bộ, ngành, địa phương phải theo dõi chặt chẽ diễn biến kinh tế trong nước và trên thế giới để có sự chỉ đạo điều hành linh hoạt, năng động. Tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt nhưng linh hoạt trong điều hành đi đôi với bảo đảm tính thanh khoản cho nền kinh tế. Phải quan tâm tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về vốn cho sản xuất kinh doanh, trong đó chú trọng hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua cơ chế thuế, lãi suất cho vay. Đẩy mạnh xuất khẩu đồng thời hạn chế nhập khẩu, nhất là những mặt hàng xét thấy chưa thực sự cần thiết thông qua các cơ chế, chính sách phù hợp để giảm nhập siêu. Các Bộ, ngành, địa phương phải chú trọng cân đối cung cầu những hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống; đồng thời với kiên quyết xử lý nghiêm minh nạn đầu cơ, làm hàng giả, gian lận thương mại. Ngay từ bây giờ các Bộ, ngành, địa phương lo chuẩn bị đủ hàng hóa phục vụ nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán. Về vấn đề an sinh xã hội, các Bộ, ngành cần kiểm tra ngay các chính sách an sinh xã hội đã ban hành; triển khai các giải pháp giúp đỡ 61 huyện nghèo nhất nước...
* Hôm qua, 30-9-2008, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch UBND thành phố, đã chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 9-2008 của UBND thành phố, nhằm đánh giá tình hình kinh tế -xã hội tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2008, triển khai các công tác trọng tâm trong tháng 10 và quý IV-2008.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, 9 tháng đầu năm 2008, giá trị sản xuất công nghiệp và xuất khẩu của thành phố tiếp tục tăng trưởng. Tốc độ tăng giá tiêu dùng có xu hướng giảm dần. Lĩnh vực văn hóa-xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân được duy trì tốt. Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp thực hiện ước đạt 10.219,7 tỉ đồng, đạt 68,13% kế hoạch, tăng 15,13% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tháng 9-2008 giảm 0,31% so với tháng trước và tăng 24,19% so với cuối năm 2007. Tổng mức bán ra hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt 32.617,5 tỉ đồng, tăng 18,49%... Tuy nhiên, thành phố vẫn còn những khó khăn, hạn chế cần khắc phục như: tiến độ thực hiện các công trình xây dựng cơ bản và thu phí tiền sử dụng đất chậm; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng có giảm nhưng còn diễn biến phức tạp, lãi suất ngân hàng còn cao...
Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch UBND thành phố, chỉ đạo: Từ nay đến cuối năm, các sở, ngành và địa phương phải tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm đẩy mạnh xây dựng cơ bản; đảm bảo bình ổn giá cả; tiêu thụ lúa cho nông dân; tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi gian lận thương mại, hàng gian, hàng giả; phòng chống lụt bão; tăng cường đào tạo nghề, giải quyết việc làm và đảm bảo an sinh xã hội...
QUANG LIÊN - KHÁNH TRUNG