14/06/2008 - 08:12

Sự ra đời của Hiệp hội Du lịch ĐBSCL

Thêm điều kiện liên kết, hỗ trợ phát triển du lịch vùng

Hiệp hội Du lịch ĐBSCL (tên tiếng Anh: Mekong Delta Tourism Association và viết tắt là MDTA) đã ra mắt và chính thức đi vào hoạt động từ thượng tuần tháng 6-2008 sau hai năm chuẩn bị. Đây là Hiệp hội du lịch cấp vùng đầu tiên ở Việt Nam. MDTA có chức năng nối kết mạng lưới hoạt động du lịch ở các tỉnh, thành trong khu vực để hỗ trợ nhau cùng phát triển và đa dạng hóa sản phẩm du lịch, xây dựng chiến lược khai thác du lịch hợp lý và hài hòa với lợi ích chung, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Các nhà quản lý, nhà làm du lịch kỳ vọng MDTA có tác động tích cực đến quá trình phát triển du lịch ĐBSCL.

* Ông Nguyễn Phú Đức, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam: MDTA TẠO ĐIỀU KIỆN PHÁT HUY SỨC MẠNH TỔNG HỢP KHAI THÁC SẢN PHẨM DU LỊCH ĐBSCL

 

ĐBSCL là vùng sông nước rất đặc thù, không chỉ của Việt Nam mà cả thế giới. Sông ở cửa sau nhà, sau lưng nhà, sông chạy cặp theo những con lộ, luồn lách qua những xóm nhỏ, sông ôm ấp những cù lao, những rặng dừa soi bóng nước... Hình ảnh đó đẹp và bình lặng khiến cho khách phương xa tới đây cảm nhận như có một cái gì bí hiểm cần được khám phá, vừa có cảm giác thanh bình dễ chịu. ĐBSCL là ngôi nhà chung của 13 tỉnh, thành miền Tây Nam bộ rộng 40.000km2, với 600km bờ biển ôm bọc cả ba bề. Con người ĐBSCL trải qua bao thăng trầm, vẫn còn giữ nguyên vẹn “là mình” không nhầm lẫn với ai. Đặc biệt, ĐBSCL là cửa ngõ cuối cùng nằm trong tiểu vùng sông Mê Công, có nền văn hóa hết sức đa dạng.

Sự ra đời của MDTA là một sự kiện quan trọng, sẽ thống nhất và tạo điều kiện huy động sức mạnh tổng hợp của các thành viên trong khu vực. Trong việc xây dựng tua tuyến sắp tới, hy vọng sẽ có sự liên kết để cùng xây dựng và mỗi tỉnh nên tập trung vào những gì đặc trưng nhất của địa phương mình. Chẳng hạn, về Cần Thơ đi chợ nổi; về An Giang đi viếng hệ thống chùa chiền, đền miếu, núi non; Kiên Giang có biển, đảo; Cà Mau có rừng; Tiền Giang, Bến Tre có cù lao, vườn cây trái... Kết nối tất cả những điểm đến này thì thời gian lưu trú và chi tiêu của du khách sẽ nhiều và dài ngày hơn, dịch vụ sẽ có nhiều điều kiện phát triển hơn.

* Ông Đinh Viết Khanh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ: LIÊN KẾT SẼ TẠO RA ĐỘNG LỰC MỚI PHÁT TRIỂN NGÀNH DU LỊCH ĐBSCL MỌI MẶT

 

Liên kết để phát triển du lịch của ĐBSCL là mong muốn của những người làm du lịch đồng bằng từ nhiều năm qua. Ngành du lịch TP Cần Thơ đã ký hợp tác phát triển du lịch với một số tỉnh trong khu vực như An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh, Hậu Giang... Sự liên kết còn thể hiện qua các lần liên hoan du lịch ĐBSCL hoặc Năm Du lịch Quốc gia Mekong - Cần Thơ 2008. Nhưng những sự liên kết này còn chừng mực. Chúng ta chỉ mới ký kết các văn bản, có chăng chỉ trao đổi được các tua tuyến; còn việc phân công với nhau, hợp tác nhau làm đa dạng sản phẩm du lịch cũng như phối hợp trong công tác tuyên truyền quảng bá thì cũng chưa có.

MDTA ra đời là sự mong chờ của các nhà làm du lịch trong các tỉnh thành ĐBSCL từ các năm qua. Chúng tôi - những người làm du lịch - rất vui mừng, gửi gắm niềm tin, sẽ liên kết cụ thể từ xây dựng sản phẩm, quảng bá tiếp thị cũng như điều tiết thị trường khách, tính toán bình ổn giá trong các thời điểm cần thiết, đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực... MDTA sẽ là đơn vị “cầm trịch”, tạo thành một động lực mạnh mẽ vực dậy ngành du lịch ĐBSCL phát triển mọi mặt.

* Ông Phạm Phước Như, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL: ĐÃ CÓ CHIẾC “CẦU NỐI” ĐỂ LIÊN KẾT CÁC NGÀNH, CÁC ĐỊA PHƯƠNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH

 

Mặc dù ĐBSCL có nhiều thuận lợi và cơ hội phát triển du lịch nhưng thời gian qua, chưa phát triển được vì thiếu sự phối hợp.

Hai năm trước, các địa phương đã cùng thống nhất thành lập ban vận động và chuẩn bị các bước cần thiết để MDTA ra đời. Mục tiêu chính của Hiệp hội là “cầu nối” liên kết giữa các doanh nghiệp với chính quyền các địa phương, giữa doanh nghiệp với khách hàng và giữa doanh nghiệp với nhau; nghiên cứu đề xuất và kiến nghị với các cơ quan quản lý, với Chính phủ về những chính sách liên quan đến ngành nhằm thúc đẩy ngành du lịch phát triển.

Trước mắt, Hiệp hội sẽ tập trung vào các hoạt động như: gắn kết với các tổ chức trong và ngoài nước nghiên cứu phát triển du lịch trong phạm vi của vùng; quảng bá, xây dựng hình ảnh và hệ thống thông tin chung cho ngành du lịch của vùng; hỗ trợ chính quyền, cơ quan chuyên môn các địa phương trong công tác quy hoạch phát triển ngành du lịch. Tiếp theo, hiệp hội phối hợp với các tổ chức, đơn vị đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho ngành du lịch phục vụ cho các doanh nghiệp trong ngành. Hiệp hội sẽ cùng các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức trong nước và quốc tế thực hiện chương trình nâng cao ý thức cộng đồng về môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, tôn tạo, trùng tu các danh lam thắng cảnh của địa phương...

* Ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty Dịch vụ & Du lịch Vòng Tròn Việt (Viet Circle): MẠNH DẠN XÂY DỰNG CÁC SẢN PHẨM DU LỊCH MÀ KHÁCH NƯỚC NGOÀI CẦN

 

Nếu như đi du lịch là “tìm sự khác biệt”, thì rõ ràng ĐBSCL rất khó trở thành điểm đến lý tưởng của khách nội địa - những cư dân nông nghiệp đã khá quen với cảnh ruộng vườn. Nhưng nó lại rất hấp dẫn đối với khách châu Âu vốn dĩ lâu nay chỉ thấy các cánh đồng lúa mì. Lâu nay, chúng ta khai thác du lịch một cách hời hợt, đưa khách đi coi một tí rồi về. Chẳng hạn như đến Tiền Giang cũng coi vườn cây, Bến Tre cũng coi vườn cây, Vĩnh Long cũng vậy, Cần Thơ cũng vậy... Chúng ta chưa tạo ra những hoạt động, sự kiện phù hợp với tâm lý khách du lịch. Đây là điều đáng tiếc.

Nếu có người nào đã từng đi Thái Lan, sẽ thấy kinh rạch của họ được bao bằng xi măng nên kém hấp dẫn, chợ nổi le hoe mấy chiếc xuồng bán đồ lưu niệm, nhưng họ vẫn có khách tham quan đông hơn cả chợ nổi Phong Điền (Cần Thơ) nhiều lần. Còn nói về dừa thì Bến Tre hay Trà Vinh đi đâu cũng gặp, nhưng chúng ta chưa có được khu du lịch nào như kiểu vườn dừa Escodero rộng 40ha ở ngoại ô Manila (Philippines) để cho khách lưu trú. Vấn đề của ĐBSCL không phải thiếu tài nguyên du lịch, mà chính là chúng ta đang thiếu các sản phẩm phù hợp với “cái khách cần” và một chiến lược quảng bá chuyên nghiệp.

Ngành du lịch ĐBSCL nên mạnh dạn xây dựng các sản phẩm phù hợp với khách nước ngoài, đem các tua này quảng bá trực tiếp tại các hội chợ du lịch quốc tế và mời các hãng lữ hành lớn đến khảo sát. Bên cạnh đó, nên chăng, các tỉnh, thành phố mời các công ty du lịch nước ngoài mở văn phòng đại diện hoặc lập các cơ sở kinh doanh du lịch như kiểu nhà hàng Sao Hôm (ở chợ cổ Cần Thơ) hay du thuyền Bassac..., Đó là sứ giả quảng bá hữu hiệu và luôn biết cách xây dựng được sản phẩm hợp gu dân xứ họ nhất.

DUYÊN KHÁNH (Lược ghi)

Chia sẻ bài viết