Từ đầu năm 2021, các môn Bi sắt, Cầu lông, Cầu mây... sẽ giải tán, nhiều môn thể thao của Cần Thơ được sắp xếp lại nhân sự, bổ sung VĐV các tuyến, mời gọi chuyên gia và HLV giỏi. Đây là lần thứ hai thể thao thành phố thực hiện kế hoạch kiện toàn, củng cố lực lượng thành tích cao (lần thứ nhất vào đầu năm 2019).
Cầu mây là một trong những môn thể thao sẽ giải tán theo kế hoạch kiện toàn. Trong ảnh: Đội Cầu mây nữ Cần Thơ thi đấu tại Đại hội Thể thao ĐBSCL lần thứ VIII năm 2020.
Tháng 2-2019, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ ban hành Kế hoạch 629/KH-SVHTTDL củng cố, kiện toàn và phát triển các môn thể thao thành tích cao giai đoạn 2019-2022 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, Cần Thơ đào tạo 22 môn thể thao, trong đó xác định môn mũi nhọn, trọng điểm và xã hội hóa. Nhân sự cũng được sắp xếp lại. Nối dài kế hoạch trên, hiện nay thể thao Cần Thơ có đợt kiện toàn thứ 2, thanh lọc lực lượng và thực hiện kế hoạch đào tạo mới.
Lần này, trong các môn không tiếp tục đầu tư có Bi sắt, Cầu mây, Cầu lông... Chỉ còn 17 môn được đầu tư: Cờ vua, Karatedo, Thể dục dụng cụ, Taekwondo, Boxing, Bơi lội, Điền kinh, Vovinam, Thể hình, Bowling, Xe đạp, Cử tạ, Bóng chuyền bãi biển, Judo, Bóng rổ, Canoeing và Bóng đá (trẻ). Theo ông Trần Đình Hải, Giám đốc Trung tâm Thể dục thể thao TP Cần Thơ, công tác này căn cứ vào kết quả thi đấu, hiệu quả đào tạo của các môn thời gian qua, với thước đo là thành tích tại các giải quốc gia, quốc tế trong năm. Các môn không được tiếp tục đầu tư do đào tạo không hiệu quả, thành tích không ổn định. Như môn Bi sắt không hoàn thành chỉ tiêu HCV tại 2 kỳ Đại hội Thể thao toàn quốc và 2 kỳ Đại hội Thể thao ĐBSCL liên tiếp; lực lượng VĐV hiện chỉ còn 2 nữ. Môn Cầu lông đã nhiều năm không có HCV tại giải vô địch quốc gia, đội tuyển không đủ mạnh để có thành tích ở các đấu trường lớn. Môn Cầu mây sau 5 năm đào tạo có được 1 VĐV tham dự cùng đội tuyển Việt Nam có huy chương quốc tế của VĐV Đặng Thị Mỹ Linh. Tuy nhiên, từ giữa năm 2020 Mỹ Linh nghỉ thi đấu, trong khi các VĐV còn lại không bứt phá, đội trẻ và năng khiếu chưa có nhân tố vượt trội. Nhiều năm qua ở các giải quốc nội, thành tích của Cầu mây chỉ dừng lại ở HCĐ ở giải vô địch quốc gia. Khi VĐV Mỹ Linh nghỉ thi đấu thì thành tích đội Cầu mây giảm dần...
Kế hoạch kiện toàn mới nhất còn cụ thể chiến lược phát triển các môn. Với các môn mũi nhọn, Điền kinh được xác định trọng tâm như chạy cự ly ngắn (bao gồm chạy vượt rào), chạy cự ly trung bình, chạy vượt chướng ngại vật, đi bộ thể thao, các nội dung nhảy (nhảy xa, nhảy cao, nhảy sào) và 7 môn phối hợp nữ; Taekwondo tập trung đào tạo VĐV đối kháng; Cờ vua tiếp tục hợp đồng với kỳ thủ Nguyễn Ngọc Trường Sơn dẫn dắt các VĐV trẻ; Bơi lội sẽ đầu tư mạnh cho các VĐV dự kiến có khả năng tranh chấp huy chương tại Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2022. Còn các môn trọng điểm như Bóng rổ xác định chỉ đầu tư, đào tạo đội nữ; Thể hình không tuyển chọn thêm VĐV, khuyến khích xã hội hóa, các VĐV sẽ được hỗ trợ kinh phí thi đấu và khen thưởng theo quy định; Vovinam duy trì thế mạnh nội dung quyền, đồng thời tập trung đào tạo VĐV đối kháng…
Các môn sẽ được tăng cường VĐV năng khiếu (mỗi môn từ 10 VĐV trở lên), nâng tuyến trẻ và tuyển, đồng thời mời gọi HLV, chuyên gia thể thao giỏi hỗ trợ công tác huấn luyện các môn Điền kinh, Canoeing, Cử tạ, Bơi lội. Những VĐV tiềm năng, thành tích tốt sẽ gởi tập tại các Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia; đầu tư trang thiết bị, dụng cụ tập luyện cho VĐV, tạo điều kiện tập huấn…
Ông Trương Công Quốc Việt, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, cho biết: “Với các môn không tiếp tục đầu tư, chúng tôi sẽ chuyển VĐV đến các địa phương đang phát triển mạnh môn thể thao đó, để VĐV tiếp tục thi đấu, phát triển sự nghiệp, không để VĐV chịu thiệt thòi. Đồng thời bố trí công việc mới cho HLV; nếu HLV muốn chuyển công tác, chúng tôi sẽ tạo thuận lợi. Trong quá trình thực hiện Kế hoạch 629, các môn đang được đào tạo nếu thời gian tới không hiệu quả thì sẽ bị đào thải, người chịu trách nhiệm cao nhất là trưởng bộ môn”. Ông Quốc Việt cũng chia sẻ rất buồn khi Cần Thơ chỉ xếp thứ Tư toàn đoàn tại Đại hội Thể thao ĐBSCL lần thứ VIII năm 2020; có rất nhiều môn thể thao thế mạnh lại thi đấu không thành công và đó là bài học sâu sắc. Thực ra, thời gian qua thể thao Cần Thơ dù có huy chương ở các giải thể thao trong và ngoài nước, nhưng lực lượng VĐV góp mặt và có thành tích cao tại ASIAD, SEA Games và thế giới chưa nhiều. Thể thao Cần Thơ chưa có nhiều môn thế mạnh và đột phá. Việc giảm các môn nhằm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải và những môn cần được đầu tư đầy đủ từ con người, trang thiết bị đến tập huấn và thi đấu. Vì nhiệm vụ chung, ngành thể thao thành phố sẽ mạnh tay thực hiện kế hoạch kiện toàn, củng cố lực lượng.
Bài, ảnh: AN CHI