26/02/2023 - 19:31

Thay đổi tư duy, linh hoạt giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông, thủy sản sang Trung Quốc 

Bài, ảnh: MỸ THANH

Những năm qua, chính sách thương mại biên giới của Trung Quốc dần thay đổi theo hướng yêu cầu ngày càng cao về tiêu chuẩn xuất nhập khẩu, quy cách đóng gói bao bì, truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Gần đây, ngày 8-1, Trung Quốc điều chỉnh giảm cấp độ chính sách phòng, chống dịch COVID-19 từ nhóm A xuống nhóm B, các biện pháp kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh trong hoạt động xuất nhập cảnh và thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu được nới lỏng… Những thay đổi trên đem đến cả thuận lợi, thách thức cho xuất khẩu nông sản của nước ta sang thị trường rộng lớn, đầy tiềm năng này.

Xuất khẩu trong bối cảnh mới

Khoai lang là 1 trong 16 loại nông sản tươi và sản phẩm thực vật xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc.

Khoai lang là 1 trong 16 loại nông sản tươi và sản phẩm thực vật xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc.

Thông tin công bố tại hội nghị Thúc đẩy giao thương nông sản, thủy sản Việt - Trung trong bối cảnh mới vừa diễn ra cho thấy, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc năm 2022 đạt 175,5 tỉ USD, chiếm 24% tổng xuất nhập khẩu của Việt Nam. Trong đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất về hoa quả Việt Nam, chiếm tỷ trọng 45,38% và là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ ba, sau Hoa Kỳ, Nhật Bản. Ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương, khẳng định: Trung Quốc là thị trường xuất khẩu quan trọng đối với nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam. Những năm gần đây, nước này đã có nhiều động thái đưa hoạt động thương mại đi vào chính quy, nền nếp và tăng cường giám sát, thực hiện nghiêm các quy định, tiêu chuẩn đặt ra. Điều đó đòi hỏi Việt Nam phải thay đổi về cả tư duy, hành động để không chỉ gia tăng sản lượng, giá trị xuất khẩu mà còn hướng đến xuất khẩu bền vững qua thị trường truyền thống quan trọng này.

Trung Quốc cũng đã hoàn thiện hệ thống pháp luật, thông qua 2 lần sửa đổi Luật An toàn thực phẩm, đồng thời ban hành Lệnh 248, 249 vào năm 2021 và Lệnh 259 năm 2022. Theo ông Lỗ Siêu, đại diện Tổng cục Hải quan Trung Quốc, Lệnh 248 và 249 được coi là “kim chỉ nam” trong hoạt động nhập khẩu của Trung Quốc. Các lệnh này tạo thành hệ thống bảo vệ cho người tiêu dùng, bảo vệ cho doanh nghiệp làm ăn chân chính. Qua đó, các khâu truy xuất mã vùng trồng, vùng nuôi, đóng gói, vận chuyển… đều được quy định cụ thể, tách bạch. Khi 2 lệnh này thực thi, có hàng chục ngàn doanh nghiệp Trung Quốc và Việt Nam tải xuống các tài liệu được trình bày bằng tiếng Anh và tiếng Trung Quốc. Điều đó cho thấy doanh nghiệp rất quan tâm tìm hiểu về các quy định mới.

Cùng với việc thắt chặt các quy định, tiêu chuẩn việc điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch của Trung Quốc cũng tác động mạnh đến hoạt động xuất khẩu nông sản của nước ta. Theo UBND tỉnh Lạng Sơn, từ ngày 8-1, các hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu theo phương thức truyền thống tại một số cửa khẩu trên địa bàn dần được khôi phục. Trong tháng 1-2023, lượng xe thông quan xuất nhập khẩu đạt khoảng 1.000 xe/ngày; kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn tăng 108,3% so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, theo ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, hoạt động xuất nhập khẩu giữa 2 bên vẫn tồn tại nhiều bất cập: số lượng, chủng loại trái cây Việt Nam xuất khẩu còn hạn chế so với tiềm năng; sự cạnh tranh gay gắt về chất lượng, giá cả, thương hiệu, hình thức phân phối từ các nước khác có nguồn cung tương tự; dịch vụ logistics hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu; một số quy định về phương thức giao nhận hàng hóa ảnh hưởng đến năng lực, chi phí thông quan…

Cần nhanh nhạy, thích ứng linh hoạt

Từ thực tế trên, theo ông Tô Ngọc Sơn, các địa phương nên xây dựng chiến lược phát triển ngành, xây dựng thương hiệu song song với xây dựng vùng sản xuất, vùng nuôi trồng chuyên canh tập trung, quy mô lớn dựa theo tín hiệu thị trường. Với doanh nghiệp, cần thường xuyên cập nhật và tuân thủ quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc của thị trường Trung Quốc. Cùng với đó, doanh nghiệp phải chú trọng xây dựng thương hiệu, bảo vệ thương hiệu và nghiên cứu kỹ nhu cầu, xu thế phát triển của thị trường. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần xây dựng đội ngũ nhân viên thông thạo thị trường, ngôn ngữ Trung Quốc; tận dụng tuyến vận tải đường sắt liên vận Việt Nam - Trung Quốc và thúc đẩy khai thác thị trường thông qua thương mại điện tử.

Về phía Trung Quốc, ông Lỗ Siêu khẳng định: Tổng cục Hải quan Trung Quốc luôn sẵn sàng phối hợp với các cơ quan liên quan của Việt Nam trong việc bảo đảm môi trường xuất nhập khẩu lành mạnh. Doanh nghiệp hai nước có thể vào trang web chính thức của Tổng cục Hải quan Trung Quốc để xem xét cụ thể loại nông sản, thủy sản nào cần đăng ký để xuất khẩu chính ngạch, loại nào cần có đảm bảo của doanh nghiệp Trung Quốc thông qua kênh chính thức. Đồng thời, nắm bắt các quy định, cơ quan phụ trách xử lý vấn đề phát sinh; hạn mức xuất nhập khẩu; quy trình xét nghiệm; các thông số về vệ sinh an toàn thực phẩm. Sau khi đăng ký, Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ có phản hồi, hỗ trợ, hậu kiểm…

Việt Nam luôn đề cao thị trường Trung Quốc, coi đây là đối tác truyền thống và mang tính định hướng lâu dài. Để thúc đẩy giao thương giữa 2 quốc gia, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhấn mạnh: Sản xuất và xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc nói riêng và các thị trường khác nói chung đang đứng trước “3 biến”: biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng. Do đó, Việt Nam phải nhạy bén và linh động thích ứng. Các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp cần ngồi lại xác định mục tiêu, chuẩn bị tâm thế cho xuất khẩu nông sản trong bối cảnh mới. Trong đó, thương nhân Việt Nam nên thay đổi tư duy buôn chuyến, xuất khẩu tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch và trở thành đối tác tin cậy lẫn nhau. Doanh nhân trong bối cảnh mới cần thay đổi tư duy, kinh doanh không chỉ đơn thuần là vì lợi nhuận mà qua đó còn góp phần tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước Việt - Trung.

Chia sẻ bài viết