10/03/2020 - 07:01

Thay đổi cách dạy và học để ứng phó dịch COVID-19 

Trong mùa dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ngoài việc phòng chống dịch bệnh, một số trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP Cần Thơ triển khai thực hiện nhiều phương án giảng dạy mới, bước đầu ghi nhận những hiệu quả tích cực.

Sinh viên Trường Cao đẳng Cần Thơ học qua trải nghiệm vẽ tranh trên tường tại Trường THCS Lê Bình.

Chỉ vài thao tác trên máy tính, Tiến sĩ Cao Nhất Linh, Trưởng Bộ môn Luật Thương mại, Khoa Luật, Trường Đại học Cần Thơ mở đầu tiết học một cách sinh động. Nhiều tình huống thực tế liên quan đến lĩnh vực pháp luật được thầy và trò tương tác trong 40 phút qua máy tính, điện thoại thông minh; song hiệu quả không kém so với lớp học truyền thống. Nguyễn Vũ Trường, sinh viên ngành Luật thương mại K43 (đang ở Sóc Trăng), cho biết: “So với lớp học truyền thống, học online không khác biệt nhiều. Nếu không hiểu thì chúng tôi hỏi trực tiếp. Tôi còn có thể ghi âm tiết học để nghe lại nếu như chưa hiểu bài”. Trương Tuấn Kiệt (bạn cùng lớp online với Trường) tiếp lời: “Một vài bạn không tham gia lớp học có thể bởi đường truyền internet nơi đó yếu, nhưng thầy cô gửi tài liệu học qua group zalo, group mail, trao đổi với sinh viên bất cứ lúc nào”.

Theo nhiều sinh viên, chỉ cần có điện thoại thông minh hoặc máy tính và đường truyền internet đủ mạnh, việc tham gia lớp học online dễ dàng. Học cách này giúp kỹ năng thao tác trên máy tính, ngoại ngữ của người học tiến bộ hơn. Sau khi Trường Đại học Cần Thơ thông báo không dạy tập trung sinh viên trong 2 tuần đầu tháng 3, nhiều giảng viên Khoa Luật đã chủ động triển khai phương pháp phù hợp, qua nhiều kênh (email, mạng xã hội hay dạy trực tuyến). Tiến sĩ Cao Nhất Linh cho biết: “Học online giúp sinh viên học mọi lúc, mọi nơi; các em mạnh dạn trao đổi bài học. Tiết dạy vẫn trình chiếu bài giảng, bài tập lên màn hình bình thường. Song hạn chế của học trực tuyến là người dạy không phát huy hết khả năng ngôn ngữ hình thể và đòi hỏi sinh viên phải có tinh thần tự học cao”. Dù vậy, thầy Linh cho rằng, giảng dạy trực tuyến có ưu thế riêng là vừa nhanh, tiết kiệm chi phí, thời gian, nên thầy tiếp tục duy trì cách dạy này một cách phù hợp với tình hình thực tế. 

Qua thống kê, 100% giảng viên Trường Đại học Cần Thơ sử dụng hộp thư điện tử (email) để gởi bài học, bài tập, các đoạn video bài giảng... hướng dẫn và trao đổi với sinh viên; khoảng 300 giảng viên với hơn 500 học phần được đưa lên hệ thống e-learning để giảng dạy. Một số thầy cô dạy trực tuyến sử dụng các công cụ như: Hangout Meet của Google, Zoom, Skype của Microsoft và livestream trên Facebook. Hiện giảng viên trường đã tổ chức được hơn 100 buổi học trực tuyến. Ngoài ra, một số thầy cô sử dụng mạng xã hội như Zalo, Facebook để tạo các nhóm trao đổi với sinh viên. PGS.TS Trần Thị Thanh Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, cho biết: “Để đảm bảo công tác giảng dạy, giảm tập trung đông người phòng chống dịch COVID-19, trong 2 tuần đầu tháng 3, trường chủ trương cho các giảng viên chủ động triển khai phương pháp dạy linh hoạt và hợp lý qua công nghệ thông tin. Bước đầu mang lại hiệu quả tích cực”. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng đào tạo, trường không tổ chức học các học phần thực hành, thực tập, thí nghiệm, ngoại khóa… trong thời gian này.

Ứng phó với dịch bệnh COVID-19, một số trường cao đẳng như: Cần Thơ, Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ… không tổ chức giảng dạy tập trung sinh viên trong tuần đầu tháng 3-2020, đồng thời khuyến khích các thầy cô giảng dạy bằng nhiều hình thức mới, phù hợp.

Tại Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, từ ngày 2-3 đến 7-3, có 222/293 học phần được giảng viên thực hiện qua các phương thức học từ xa. Do tuần đầu áp dụng phương thức học từ xa nên giảng viên chủ yếu giao bài tập và câu hỏi củng cố bài học thông qua nhật ký ghi chép, gửi bằng file mềm, hình chụp các kết quả bài tập được giao. Hình thức nộp bài để đánh giá kết quả học tập: gửi file bài tập, chụp hình bài làm gửi qua mạng xã hội, email sau buổi học theo thời gian quy định của giảng viên. Lãnh đạo nhà trường cho biết: Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc triển khai hình thức học như hiện nay là phù hợp. Khi học sinh, sinh viên học tập trung trở lại, trường sẽ dạy bổ sung các học phần chưa triển khai, nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo.

Tại Trường Cao đẳng Cần Thơ, tuy không dạy học tập trung sinh viên nhưng các khoa, phòng chủ trương thực hiện công tác giảng dạy bằng nhiều hình thức phù hợp (e-mail, trực tuyến...). Cô Nguyễn Thị Ngọc Trâm, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Trường khuyến khích thầy cô thực hiện dạy và học qua mạng trực tuyến trong thời gian học sinh, sinh viên chưa trở lại học tập trung”. Ngoài ra, Đoàn thanh niên trường phối hợp Quận đoàn Cái Răng, Trường Phổ thông Thái Bình Dương thực hiện công trình vẽ tranh trên tường, dọn dẹp và trang trí nhà vệ sinh, khuôn viên trường học, vừa tuyên truyền phòng chống dịch bệnh vừa giúp sinh viên rèn kỹ năng mỹ thuật.

***

TP Cần Thơ có 5 trường đại học, 7 trường cao đẳng, chưa kể phân hiệu đại học, cao đẳng đóng trên địa bàn thành phố, với quy mô đào tạo hàng chục ngàn học sinh, sinh viên. Theo lãnh đạo các trường, sinh viên khối đại học, cao đẳng phần lớn ở nhiều địa phương khác nhau, nên không thể chủ quan trong công tác phòng tránh dịch bệnh. Với sự phát triển của công nghệ thông tin hiện nay, cùng với nỗ lực của giảng viên, sinh viên các trường, việc triển khai dạy và học qua nhiều hình thức (trong đó qua mạng trực tuyến) là cách làm phù hợp trong thời gian này.

Bài, ảnh: B.Kiên

Chia sẻ bài viết