05/07/2022 - 09:05

Tháo nghẽn cho thị trường lúa gạo 

Bài, ảnh: KHÁNH NAM

Gạo Việt Nam hiện đã có mặt tại trên 150 quốc gia và vùng lãnh thổ; xuất khẩu trên dưới 6,3 triệu tấn gạo/năm. Mặc dù đã có nhiều doanh nghiệp Việt Nam quan tâm hơn đến xuất khẩu ra thị trường nước ngoài bằng chính nhãn hiệu của doanh nghiệp mình, nhưng hầu hết gạo Việt xuất khẩu là gạo trắng thường. Xây dựng thương hiệu, vốn đầu tư, hạ tầng giao thông và logistics, hàng rào kỹ thuật, thuế quan… được xem là những điểm nghẽn cần khơi thông để tạo dòng chảy cho gạo Việt Nam.

Hoạt động sản xuất gạo xuất khẩu tại Nhà máy gạo, Công ty TNHH ADC.

Xây dựng thương hiệu gạo Việt

Báo cáo của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), vụ lúa đông xuân 2021-2022 ở ÐBSCL gồm giống lúa thơm, đặc sản chiếm 33,29%, lúa chất lượng cao chiếm 49,64%, lúa chất lượng trung bình chiếm 7,12%, nếp 8,93% và giống khác 1,02%. Ðặc biệt, gạo IR 50404 từng chiếm 30-40% cơ cấu xuất khẩu gạo của Việt Nam nhưng hiện tại đã xuống dưới 10%. Các loại gạo thơm cao cấp mới của Việt Nam hiện có giá cao hơn gạo của Thái Lan. Ðặc biệt, tổng khối lượng xuất khẩu gạo nếp của Việt Nam chiếm 70-80% lượng nếp xuất khẩu trên thế giới.

Sau một thời gian xây dựng nhãn hiệu gạo A An của Tân Long Group tại thị trường nội địa, gạo A An đã xuất khẩu thành công vào các thị trường khó tính như Nhật Bản và Ðức,… Tới đây gạo A An sẽ được đưa vào hệ thống siêu thị ở châu Âu. Theo ông Nguyễn Chánh Trung, Phó Tổng giám đốc Tân Long Group, các giống gạo của Việt Nam đa dạng hơn so với "đối thủ" Thái Lan, Campuchia, nên gạo Việt có thể cạnh tranh sòng phẳng với Thái Lan ở thị trường xuất khẩu. Ðối với gạo cao cấp xuất sang thị trường châu Âu, gạo của Việt Nam cũng đang có vị thế rất tốt, đặc biệt với các loại như Jasmine, ST24, ST25 luôn hút hàng trên thị trường.

Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết, nông dân trên địa bàn phần lớn trồng các giống lúa chất lượng cao; áp dụng các quy trình tiên tiến, tích hợp các giải pháp canh tác hiện đại và ứng dụng đồng bộ các giải pháp cơ giới trong sản xuất lúa, đã góp phần nâng cao chất lượng hạt gạo. Thành phố đang phát triển sản xuất theo các mô hình cánh đồng lớn, xây dựng mô hình nông nghiệp tuần hoàn trong sản xuất lúa. Cùng với những cơ hội từ Nghị quyết số 45/2022/QH15 ngày 11-1-2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho nông sản của TP Cần Thơ và vùng ÐBSCL.

Ông Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa ÐBSCL, cho rằng, để nâng cao giá trị lúa gạo, cần giải quyết 3 vấn đề lớn: hình thành vùng nguyên liệu, giám sát chất lượng và xây dựng thương hiệu.

Giải mã những điểm nghẽn

Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo trong 5 tháng đầu năm 2022 đạt gần 2,77 triệu tấn (tăng 6,6%), tuy nhiên giá trị lại giảm 4%, đạt 1,35 tỉ USD. Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), cho rằng, nút thắt về vấn đề liên kết sản xuất tiêu thụ đang tạo ra những điểm nghẽn cho sự phát triển của ngành hàng lúa gạo Việt Nam. Do vậy, các chuyên gia thị trường cần cung cấp những thông tin hữu ích thông qua vai trò của các hiệp hội ngành hàng; củng cố lại thị trường nội địa, hỗ trợ xây dựng thương hiệu…

Ông Ðỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Intimex Group, cho biết, mặc dù lượng mua gạo của Philippines tăng khoảng 30% nhưng việc sử dụng hạn ngạch nhập khẩu, cung cấp nhỏ giọt từng phần, đã không tạo ra sự đột biến về nhập khẩu hàng hóa, cũng như đẩy giá lên. Cùng đó, với sản lượng gạo Việt Nam chỉ khoảng 6 triệu tấn/năm, cũng khó để mở rộng để tạo sự tăng trưởng đột biến. Bên cạnh đó, nguồn vốn cũng là vấn đề khó khăn.

Lý giải về việc tiếp cận vốn, ông Nguyễn Quốc Phong, Giám đốc khối Khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), cho rằng, việc ngân hàng chưa mạnh dạn cho vay đối với ngành lúa gạo là do ngân hàng hoạt động dựa trên sự an toàn và hiệu quả. Ðể được cung cấp nguồn vốn, nông dân cần có những hợp đồng có điều khoản về bao tiêu sản phẩm, đảm bảo giá mua giúp người nông dân giảm rủi ro. Hợp đồng sẽ là cơ sở để ngân hàng bỏ vốn cho người nông dân đầu tư làm nông nghiệp. Ngân hàng sẵn sàng giải ngân lên tới 70-80% tổng tiền vay.

Ông Nguyễn Chánh Trung, Phó Tổng giám đốc Tân Long Group, cho biết, dù giá FOB (giá tại cửa khẩu xuất) có cạnh tranh nhưng ảnh hưởng giá cước tàu và container cao khiến thị trường thu mua cũng có điều chỉnh cao về nhu cầu. "Câu chuyện vẫn là từ cánh đồng đi ra thị trường, nếu đặt nhà máy gần cánh đồng thì xa khu vực cảng. Tuy nhiên, với khu vực ÐBSCL, cảng xuất hàng bán kính không có sự chênh lệch nhiều nên việc đặt nhà máy gần cánh đồng là giải pháp rút ngắn được khoảng cách, thời gian logistics từ lúc gặt lúa sau thu hoạch đến xử lý ra thành phẩm" - ông Trung nhấn mạnh.

Bà Ðỗ Thu Hường, Phó Giám đốc Marketing Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, cho biết, hàng hóa xuất khẩu của doanh nghiệp tại ÐBSCL, chi phí logistics chiếm đến 30% giá thành. Giải pháp của Tân Cảng là đưa cảng đến gần chân hàng. Cụ thể, đối với vùng ÐBSCL, Tân Cảng sẽ phối hợp với các hãng tàu để đưa container rỗng về cho các doanh nghiệp. Sau đó, hàng hóa sẽ được vận chuyển bằng đường thủy đưa lên các cảng cửa ngõ tại TP Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu, đây được xem là giải pháp tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp.

Bà Bùi Kim Thùy, Chuyên gia hội nhập, Hội đồng kinh doanh ASEAN - Hoa Kỳ,  cho rằng, để bán được gạo giá tốt, cần tập trung sản xuất để có sản phẩm tốt, sản phẩm đạt chất lượng cao, có thương hiệu, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu, cần tháo gỡ hàng rào kỹ thuật, trong đó có phòng vệ thương mại, an ninh lương thực, hạn ngạch, thuế quan…

Chia sẻ bài viết