03/10/2009 - 08:39

PHIÊN HỌP THỨ 24 ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI:

Thảo luận việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2009 và kế hoạch năm 2010

* Tăng trưởng kinh tế luôn phải gắn với bảo đảm an sinh xã hội

Sáng 2-10, tiếp tục Phiên họp thứ 24, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Chính phủ báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2009; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2010; phương án phân bổ ngân sách Trung ương và bổ sung ngân sách địa phương 2010.

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 2009 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 đánh giá: năm 2009 đã thực hiện được mục tiêu ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì được tốc độ tăng trưởng hợp lý và bền vững. Nền kinh tế nước ta chịu tác động trực tiếp của khủng hoảng kinh tế thế giới nhưng chỉ bị suy giảm, không rơi vào tình trạng suy thoái như các nước khác. Với mức tăng trưởng khoảng 5,2% trong điều kiện suy thoái kinh tế thế giới, thị trường xuất khẩu, nguồn vốn đầu tư FDI bị thu hẹp là một kết quả đáng kích lệ. Kinh tế vĩ mô cơ bản được ổn định; các cân đối thu chi ngân sách Nhà nước, tiền tệ, cán cân thanh toán quốc tế... cơ bản được bảo đảm, lạm phát được kiềm chế với tỷ lệ lạm phát khoảng 7%, tương đương mức trung bình của nhiều năm trước; công tác an sinh xã hội được chú trọng đúng mức...

Năm 2010, dự kiến các chỉ tiêu chủ yếu là: tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,5% so với năm 2009; GDP theo giá thực tế khoảng 1.931,3 nghìn tỉ đồng, tương đương khoảng 106 tỉ USD, bình quân đầu người khoảng 1.200 USD. Do đó, sẽ có 6 nhóm giải pháp về cơ chế chính sách chủ yếu trong năm 2010 như: thúc đẩy đầu tư, phát triển mạnh mẽ sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh; đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập siêu và nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế...

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế nhất trí với báo cáo của Chính phủ cho rằng, bằng sự nỗ lực của các cấp, ngành, doanh nghiệp và nhân dân, bằng những chính sách mạnh mẽ, kịp thời và phù hợp, nền kinh tế đã dần phục hồi trong quý II và quý III, bất chấp sự tác động tiêu cực của sự suy thoái kinh tế toàn cầu. Những tháng đầu năm, cả nước đã thực hiện và đạt được những mục tiêu chính theo Nghị quyết của Quốc hội như ngăn chặn được sự suy giảm kinh tế, duy trì mức tăng trưởng kinh tế hợp lý; giữ ổn định cân đối kinh tế vĩ mô của nền kinh tế, đảm bảo ổn định chính sách tiền tệ, tín dụng đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh, kiểm soát nhập siêu; đảm bảo an sinh xã hội, tiến hành có hiệu quả các chính sách xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, hỗ trợ nông dân, học sinh... Các bộ, ban, ngành, địa phương đã tổ chức thực hiện đạt kết quả các gói giải pháp kích thích kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh và đạt những bước tiến mới với kết quả 100% các Bộ, ngành và 61/63 địa phương đã công bố bộ thủ tục hành chính và hiện đang khẩn trương tiến hành công tác rà soát, sửa đổi những thủ tục gây phiền hà, vướng mắc. Các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế tiếp tục được quan tâm; quốc phòng, an ninh được đảm bảo, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ. Công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế đã đạt được những kết quả tích cực.

* Thảo luận về báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2009; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2010; phương án phân bổ ngân sách trung ương và bổ sung ngân sách địa phương năm 2010, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) quan tâm nhiều tới tính song hành giữa tăng trưởng kinh tế với việc bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân, chăm lo người nghèo, phát triển nông nghiệp, nông thôn.

UBTVQH cơ bản đồng tình với nhiều nội dung trong báo cáo của Chính phủ và thẩm tra của UB Kinh tế, UB Tài chính-Ngân sách khi nhận định: Với sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và toàn thể nhân dân, bằng những chính sách mạnh mẽ, kịp thời và phù hợp, nền kinh tế của nước ta đã dần phục hồi sau khi chịu tác động rất lớn của suy thoái; giữ được sự ổn định, tăng trưởng đạt mức khá so với nhiều nước. Tuy nhiên, nhiều ủy viên UBTVQH cũng chỉ ra một số hạn chế làm ảnh hưởng đến kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2009-2010 như bội chi ngân sách cao; tăng trưởng kinh tế vẫn theo quy mô chiều rộng; giải ngân chậm; giảm nghèo chưa thật bền vững...

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên nhận định: Điều hành nền kinh tế trong thời gian ngắn lại xuất hiện những tình huống bất thường là một việc khó khăn, cho thấy những chủ trương, biện pháp, chính sách đưa ra là đúng đắn và đạt hiệu quả. Nền kinh tế đang có những dấu hiệu tích cực: tốc độ tăng trưởng dần tăng cao; số thu NSNN trong từng quý cũng dần tăng; số lao động mất việc cũng dần ít đi, xã hội ổn định. Phó Chủ tịch QH đề nghị Chính phủ tiếp tục theo dõi, đánh giá sát hơn một số chi tiêu như thu ngân sách, giảm nghèo; nêu bật một số kinh nghiệm, bài học rút ra từ thực tiễn năm 2009, kể cả hoạch định lẫn tổ chức thực hiện; khó khăn, thách thức của những vấn đề đang đặt ra... Năm 2010, tỷ lệ huy động vào NSNN như thế nào, huy động nhưng vẫn phải khoan sức dân; cách tính giá dầu cho chủ động vững chắc; xác định dự toán ngân sách thu; cơ cấu lại chi; ưu tiên an sinh xã hội; thống nhất lại chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế. Phó Chủ tịch lưu ý: Phải xác định tăng trưởng kinh tế phải gắn với đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống của người dân. Tăng trưởng kinh tế mà giá cả tăng cao, đời sống người dân không được nâng lên thì cũng không có ý nghĩa. Bội chi ngân sách cũng phải tính toán thêm theo hướng giảm bớt gánh nặng cho nền kinh tế thời kỳ hậu suy giảm; cân nhắc, thể hiện cụ thể hơn về đầu tư, hỗ trợ cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Riêng về gói kích thích kinh tế, cơ bản thống nhất còn gói kích cầu theo hướng tập trung cho mục tiêu trung hạn và dài hạn nhưng phải có bước đi thích hợp, tránh gây hẫng hụt...

QUỲNH HOA-THANH HÒA (TTXVN)

 

Chia sẻ bài viết