13/08/2014 - 22:10

Phiên họp thứ 30 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII

Thảo luận dự án Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi), dự án Luật Thú y

(TTXVN)- Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 13-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau về dự án Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Các ý kiến tán thành nhiều nội dung được đề cập trong Báo cáo của Ủy ban về các vấn đề xã hội về một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự án Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Đa số ý kiến đồng tình với việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (Điều 2) đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động mùa vụ hoặc một công việc nhất định có thời hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc (Điểm b khoản 1 Điều 2).

Về bổ sung người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường và thị trấn (gọi chung là cấp xã) tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, nhiều ý kiến không đồng quan điểm với cơ quan thẩm tra về vấn đề này. Các ý kiến đề nghị quy định đối tượng này thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được Nhà nước ưu tiên hỗ trợ.

Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến tán thành với việc giao chức năng thanh tra việc đóng bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội. Thảo luận về điều chỉnh mức hưởng lương hưu hàng tháng (Điều 57), nhiều ý kiến tán thành với phương án 1: Điều chỉnh tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng theo lộ trình, từ năm 2018, mức lương hưu hàng tháng của người lao động được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội của lao động nữ và 20 năm đóng bảo hiểm xã hội của lao động nam. Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nêu rõ trong điều kiện tuổi nghỉ hưu được thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động, cần giảm thiểu tác động bất lợi đối với người lao động nghỉ hưu, đặc biệt là lao động nữ. Việc thực hiện quy định này phải đồng bộ với lộ trình thu bảo hiểm xã hội trên cơ sở mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 90 của Bộ luật Lao động để đảm bảo tiền lương hưu người lao động thực nhận không bị sụt giảm nhiều so với trước đó. Bên cạnh đó, do tuổi nghỉ hưu của nam, nữ chênh lệch 5 năm nên cần phải cân nhắc bảo đảm bình đẳng giới trong khi điều chỉnh chính sách này.

Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội đề nghị quy định lộ trình nâng số năm đóng bảo hiểm xã hội của nam giới từ 15 năm lên 20 năm để đạt 45% mức bình quân tiền lương tháng tính lương hưu (cụ thể: năm 2018 là 16 năm; năm 2019 là 17 năm; năm 2020 là 18 năm; năm 2021 là 19 năm và từ năm 2022 trở đi là 20 năm).

Tại phiên làm việc buổi sáng, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình thế giới.

Chiều cùng ngày, các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Thú y.

Dự án Luật Thú y đã kế thừa và phát triển các quy định của Pháp lệnh thú y và các văn bản hướng dẫn Pháp lệnh này đang còn phù hợp; thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng đã được thể hiện trong các Văn kiện Đại hội của Đảng, Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững, nội luật hóa các quy định của Tổ chức Thú y thế giới mà Việt Nam là thành viên.

Để dự án Luật có tính khả thi cao và hạn chế các văn bản hướng dẫn thi hành, các đại biểu đề nghị ban soạn thảo rà soát, nghiên cứu và quy định đầy đủ, rõ ràng hơn đối với một số nội dung giao cho Chính phủ quy định.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu; Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cùng quan điểm đề nghị cơ quan soạn thảo giao quyền công bố dịch cho Chủ tịch UBND tỉnh nhằm đảm bảo tính kịp thời, chính xác. Cùng bàn về nội dung này, các đại biểu đề nghị, dự án Luật cần quy định Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có thẩm quyền quyết định công bố dịch khi dịch bệnh xảy ra từ 2 tỉnh trở lên…

Bên cạnh đó, dự án Luật cần quy định rõ ràng nguyên tắc công bố dịch và bổ sung thêm quy định mức độ ban bố tình trạng dịch bệnh khẩn cấp…

Các đại biểu đề nghị, dự án Luật cân nhắc xem xét bổ sung trách nhiệm của tổ chức, cá nhân hành nghề thú y trong việc khai báo động vật mắc bệnh...

Tại buổi làm việc, các đại biểu cho ý kiến vào các nội dung liên quan đến đối tượng áp dụng và phạm vi điều chỉnh của dự án Luật; về hành nghề thú y; tiêu hủy, giết mổ bắt buộc động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh…

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu đầy đủ ý kiến góp ý của các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội; tiếp tục nghiên cứu, rà soát, chỉnh sửa các quy định cụ thể sớm trình Quốc hội xem xét...

Chia sẻ bài viết