06/02/2015 - 14:37

Thành phố trẻ bứt phá

* Thu Hà

Đất nước đã trải qua 40 năm thống nhất. Ngần ấy thời gian, cùng nhịp đập hội nhập và phát triển chung của cả nước, Cần Thơ nỗ lực vượt bậc trở thành đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương mang dáng dấp của thành phố công nghiệp cấp đồng bằng. Từ bệ phóng Nghị quyết 45 (*), TP Cần Thơ từng bước khẳng định vị thế trung tâm công nghiệp, thương mại, là đầu mối giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế…

Chào năm mới 2015! Thành phố trẻ Cần Thơ tiếp tục cuộc hành trình chuyển mình bứt phá năng động, thúc đẩy vùng đất Chín Rồng phát triển.

Nhìn xa, nghĩ lớn

Vận hội mới

Tháng 1-2007, Việt Nam chính thức là thành viên thứ 150 trong ngôi nhà chung WTO. Cả nước đĩnh đạc bước vào không gian hội nhập, cơ hội rộng mở, nhiều nhà đầu tư đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư, hợp tác. Và năm 2015 được dự báo sẽ có rất nhiều chuyển động. Nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đón những vận hội mới từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) có hiệu lực, hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), thực hiện các thỏa thuận ASEAN+, TPP (Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương)… Trong không gian rộng mở này đòi hỏi một tư duy mới để giành được phần thắng trong cuộc đua toàn cầu.

 TP Cần Thơ hôm nay. Ảnh: DUY KHƯƠNG

Tây Đô cũng rộn ràng đi vào sân chơi rộng lớn này, nhiều doanh nghiệp (DN) công nghiệp thành phố đã bước vững chãi trên thị trường xuất khẩu thế giới. Theo một vị lãnh đạo Công ty TNHH Thực phẩm xuất khẩu Nam Hải, Khu công nghiệp (KCN) Trà Nóc 1, phường Trà Nóc, quận Bình Thủy, mặt hàng tôm, cá tra phi lê của DN chủ yếu tiêu thụ qua kênh xuất khẩu. Để đứng vững ở thị trường xuất khẩu và hội nhập bền vững, DN phải cố gắng kiểm soát tốt nguyên liệu đầu vào, tăng cường chế biến hàng xuất khẩu giá trị gia tăng. Giữ vững chất lượng, tiết giảm tối đa các chi phí không cần thiết để có giá cạnh tranh nhất. Trên lĩnh vực may gia công, nhiều DN thành phố đã có “mối” làm ăn truyền thống với các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan… họ cạnh tranh trong sân chơi toàn cầu hóa bằng uy tín, chất lượng gia công và cả tính cách Việt. Ông Trần Chí Gia, Giám đốc Công ty cổ phần May Meko (KCN Trà Nóc 1), khoe: “Tiền thân của công ty là Xí nghiệp May mặc xuất khẩu Meko thành lập tháng 9-1988. Tháng 8-2005, công ty tiến hành cổ phần hóa và từ đó đến nay, năm sau lợi nhuận cao hơn năm trước, chúng tôi trích một phần lợi nhuận để tái đầu tư dây chuyền sản xuất, mua sắm thiết bị hiện đại nhất. Vì công ty muốn gia công sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất. Đó cũng là cách thức để khẳng định với thế giới về cách làm ăn của người Việt”. Với những thành quả hiện tại, ông Gia cho biết Meko đang chuẩn bị làm hàng FOB và sẽ sản xuất áo lông vịt bán cho người nước ngoài tại thị trường nội địa Việt Nam vào năm 2018, tận dụng các cơ hội từ TPP.

Tưởng chừng chuyện ra biển lớn chỉ có những “anh lớn” mới đủ sức, nhưng khi đặt câu hỏi với anh Nguyễn Trí Tuệ, Giám đốc DNTN Trí Tuệ, phường An Bình, quận Ninh Kiều: “Anh đã sẵn sàng ra khơi chưa”- tôi hỏi. Không chần chừ, anh nói ngay: “Mười hai năm qua, DN tôi chuyên sản xuất bạc cao su đỡ trục láp chân vịt cho ngành công nghiệp tàu thủy, ron cao su chịu nhiệt… Sản phẩm của DN có mặt khắp thị trường trong nước, cũng có đại lý lấy hàng của chúng tôi bán sang thị trường một số nước ASEAN. Hội nhập, tôi không nghĩ làm sản phẩm đại trà mà phải làm sản phẩm độc đáo. Máy móc chỉ là một phần nhỏ để tạo ra sản phẩm giá trị cao, quan trọng là yếu tố con người phải năng động, sáng tạo. Bản thân tôi phải học thêm ngoại ngữ để có thể đọc các tài liệu nước ngoài, tìm nguyên liệu, phụ gia, kỹ thuật mới phục vụ cho sản xuất”. Trong chiến lược phát triển ngành công nghiệp Việt Nam, công nghiệp phụ trợ là ngành then chốt để tiến lên công nghiệp hóa, nhưng đến thời điểm này, ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam vẫn ở vạch xuất phát. Trí Tuệ là một trong vài DN làm sản phẩm phụ trợ hiếm hoi của Cần Thơ. Với phương châm “làm nhỏ, ăn lớn”, Trí Tuệ có thể vững bước đón vận hội mới. Những công nhân làm việc tại DN của Trí Tuệ thu nhập từ 6-9 triệu đồng/người/tháng vì họ là những công nhân bậc cao.

Xoay trục phát triển

Bức tranh công nghiệp Cần Thơ đang bừng sáng với những nỗ lực miệt mài của DN đã góp phần đưa thành phố lên vị trí thứ 2 về giá trị sản xuất công nghiệp toàn vùng và đóng góp 16% giá trị cho ngành công nghiệp ĐBSCL. Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, nói: “Cần Thơ thiếu các DN sản xuất công nghiệp quy mô lớn, sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao. Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất còn hạn chế, chưa thu hút được nhiều dự án đầu tư nước ngoài công nghệ cao. Song, ngành công nghiệp thành phố đang dần lớn mạnh với một số ngành thế mạnh như: cơ khí, chế biến nông- thủy sản”. Năm 2014, giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố thực hiện 93.362 tỉ đồng, tăng 10,67% so với năm 2013; công nghiệp ngoài quốc doanh (DN tư nhân và khối FDI) chiếm 90,94% (khoảng 84.909 tỉ đồng) tổng giá trị sản xuất công nghiệp, khối DN nhà nước thực hiện 8.453 tỉ đồng.

 KCN Trà Nóc 1 và Trà Nóc 2 nhìn từ trên cao. Ảnh: THU HÀ

Đi ngược thời gian về năm 1992, khi tỉnh Cần Thơ mới chia tách từ tỉnh Hậu Giang (gồm Cần Thơ và Sóc Trăng) mới thấy sự bứt phá của công nghiệp thành phố. Năm này, giá trị sản xuất công nghiệp chỉ 893 tỉ đồng, công nghiệp quốc doanh đóng vai trò chi phối với tỷ trọng đến 56,58%, còn lại là khối ngoài quốc doanh. Đến năm 2004, khi chia tách tỉnh Cần Thơ thành tỉnh Hậu Giang và TP Cần Thơ giá trị sản xuất công nghiệp cũng chỉ 11.520 tỉ đồng. Thời kỳ 1990- 2000, nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu GDP. Năm 1990 tỷ trọng nông nghiệp là 54,34%, đến năm 2000 tỷ trọng giảm còn 37,5%; tỷ trọng công nghiệp-xây dựng tại các mốc thời gian này còn khá khiêm tốn, chiếm lần lượt 18,48% và 26,5% trong GDP. Năm 2001, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng nhích dần lên mức 32,65% và cuối năm 2014 chiếm 35,79% trong GDP. Tốc độ tăng trưởng bình quân trong giai đoạn 2004 - 2014 của ngành công nghiệp đạt 16,54%. Năm 2004 chỉ có 5.334 cơ sở; đến năm 2014 có khoảng 8.829 cơ sở thuộc các thành phần kinh tế tham gia vào hoạt động sản xuất công nghiệp. Để xoay trục phát triển, thành phố đã quy hoạch 8 KCN tập trung, diện tích 2.267ha để phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa. Riêng năm 2014, giá trị sản xuất của 192 dự án đang hoạt động trong KCN đạt trên 1,06 tỉ USD…

Công nghiệp phát triển, thúc đẩy dịch vụ “hậu cần” cho công nghiệp cất cánh. “Khi chưa có KCN, người dân nơi đây sống nhờ ruộng, vườn, rau màu. Cuộc sống như con nước lớn ròng, đến mùa gặt mới có đồng vô đồng ra trong nhà. Năm 1995 có KCN Trà Nóc 1, phường có 3.483 hộ dân sinh sống, hầu hết đều có việc làm ổn định, người buôn bán nhỏ, làm dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, người không có điều kiện thì đi vào KCN làm công nhân. Trước đây, phường chỉ có 2 phòng học cho trẻ mầm non, giờ đã phát triển rất nhiều để phục vụ cho con em công nhân làm việc trong KCN. Công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp của phường khi chưa có KCN, giá trị sản xuất chỉ vài chục tỉ đồng mỗi năm, giờ đạt khoảng 4.000 tỉ đồng một năm”- ông Nguyễn Hoàng Việt, Chủ tịch UBND phường Trà Nóc, quận Bình Thủy, dẫn chứng.

Tiến lên công nghiệp hóa

Hồi đầu tháng 12-2014, tại hội thảo Chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế TP Cần Thơ tầm nhìn đến năm 2030, các nhà khoa học, chuyên gia đưa ra lời khuyên Cần Thơ có thế mạnh về chế biến nông sản, cần nâng tầm để tạo sản phẩm giá trị gia tăng cao. Thành phố có thể chọn phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, chế tạo, sinh học, vật liệu mới để phát triển theo chiều sâu. Bí thư Thành ủy Cần Thơ Trần Thanh Mẫn cũng đồng tình đề xuất này và khẳng định chỉ có công nghệ cao mới tạo ra sản phẩm giá trị gia tăng cao, giúp Cần Thơ vững bước trên con đường công nghiệp hóa.

Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về xây dựng Cần Thơ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã định vị Cần Thơ là trung tâm động lực vùng đồng bằng sông Cửu Long. Cần Thơ phải là địa phương đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đóng vai trò động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của toàn vùng; cơ bản trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020. Với sứ mệnh này, Tây Đô dù nội lực vẫn còn yếu nhưng cũng đang nhìn xa, nghĩ lớn cùng cả nước đóng thuyền ra biển lớn.

Cải thiện môi trường kinh doanh, bình đẳng là điều mà thành phố đang nỗ lực xây dựng, giúp DN phát triển vững chắc. Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Trương Quốc Trạng, kiêm Tổ trưởng Tổ hỗ trợ DN thành phố, cho biết: “Thành lập từ tháng 2-2014, Tổ được giao trọng trách hỗ trợ DN sản xuất, kinh doanh, ứng dụng công nghệ mới, gỡ vướng cho DN. Năm qua, Tổ đã tiếp cận 65 DN các lĩnh vực để nghe những cái khó khăn và cái họ đang cần. Năm 2015, Tổ sẽ đổi mới phương thức hoạt động để đến gần hơn với DN”. Chủ trương thu hút đầu tư vào các KCN tập trung của thành phố cũng đổi khác. “KCN Trà Nóc 1 và 2, Thốt Nốt phân kỳ I có DN sản xuất gây ô nhiễm mùi, nước thải nhưng phải cho họ vào để lấp đầy, thu hồi vốn đầu tư hạ tầng. Song, dứt khoát tới đây, KCN Hưng Phú 1, 2A, 2B và Thốt Nốt giai đoạn 2, nhà đầu tư có công nghệ cao, sạch mới cho vào”- ông Võ Thanh Hùng, Trưởng BQL các KCX &CN Cần Thơ, khẳng định. Hạ tầng cơ sở của thành phố sẽ hoàn thiện, thông thoáng hơn trong tương lai gần sẽ thúc đẩy công nghiệp lên tầm cao mới. “Cách trung tâm thành phố hơn 40km nhưng bức tranh công nghiệp cũng không kém phần sôi động. Thốt Nốt đang ra sức kêu gọi đầu tư, tạo điều kiện tối đa cho nhà đầu tư về mặt bằng, đảm bảo an ninh trật tự để đón đầu tư. Quận đang quy hoạch lại các khu thương mại- dịch vụ, mời gọi Vinatex, Co.opmart… đến đầu tư phục vụ cho KCN. Mai này, cầu Vàm Cống được đưa vào sử dụng, bức tranh công nghiệp của quận sẽ sáng hơn”-Chủ tịch UBND quận Thốt Nốt Nguyễn Ngọc Hè, nói.

Nhìn xa, nghĩ lớn. Đây là điều mà các chuyên gia kinh tế khuyên các địa phương và DN cần làm để đón vận hội mới. Tiền đề đó là cần định vị chính mình trong không gian mối quan hệ với thế giới.

(*) Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị (Khóa IX) ban hành ngày 17-2-2005 về Xây dựng và phát triển TP Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Chia sẻ bài viết