24/04/2008 - 09:37

Tháng Tư, trên công trình cầu Rạch Miễu

Giữa cái nắng chói chang, oi ả tháng tư, chúng tôi đến thăm công trình xây dựng cầu Rạch Miễu, cây cầu nối liền hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre. Không khí làm việc của những người kỹ sư, công nhân xây dựng ở đây thật sôi nổi, khẩn trương…

CÂY CẦU THƯƠNG HIỆU VIỆT

Chiếc ca nô của Công ty TNHH BOT cầu Rạch Miễu từ bờ Bến Tre nhẹ nhàng lướt sóng vượt sông Tiền, đưa chúng tôi đến công trường thi công xây dựng cầu Rạch Miễu. Nhìn từ giữa dòng sông Tiền, cây cầu treo đang dần định hình vừa đẹp, thơ mộng và hoành tráng vắt qua hai cù lao xanh ngắt nối đôi bờ của hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre.

Công trình xây dựng cầu Rạch Miễu. 

Anh Nguyễn Văn Sáu, Phó trưởng phòng Kỹ thuật, Công ty TNHH BOT cầu Rạch Miễu hồ hởi giới thiệu cho chúng tôi từng hạng mục công trình: Cienco 1 (Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 1) đảm trách thi công cầu dây văng và các trụ từ T16 đến T24; Cienco 5 đảm trách đúc hẫng và các trụ từ T39 đến M58 (mố 58); Cienco 6 đảm trách đúc dầm Super T và các trụ từ MO đến trụ T15 và từ trụ T25 đến trụ T29. Ba nhà thầu này thuộc Bộ Giao thông Vận tải từ lâu đã nổi danh trong lĩnh vực xây dựng, thi công các công trình xây dựng giao thông ở Việt Nam...

Tại bờ Mỹ Tho (Tiền Giang) đã hơn 11 giờ trưa mà không khí lao động trên công trường vẫn tất bật, khẩn trương. Kỹ sư trẻ Lê Minh Tuấn, kỹ thuật viên, Công ty cổ phần cầu 14 (Cienco 1) quê Bắc Giang, tâm sự: “Mới ra trường em đã được về đây cùng các chú các anh tham gia xây dựng cầu Rạch Miễu - cây cầu của người Việt Nam. Em thấy tự hào, hãnh diện lắm! Em đã học được rất nhiều điều bổ ích, kinh nghiệm quý báu từ cây cầu này đấy”. Đôi mắt Tuấn ánh lên sự tự tin. Có lẽ không chỉ riêng Tuấn mà còn có những kỹ sư trẻ khác tại công trình này sẽ trưởng thành lên rất nhiều, một công trình góp phần minh chứng, khẳng định trí tuệ Việt Nam.

Anh Nguyễn Văn Sáu cùng chúng tôi vào buồng chiếc thang máy để đi lên mặt cầu. Ở độ cao gần 40 mét so với mực nước sông, gió thổi khá mạnh vẫn không xua nổi cái nắng như đổ lửa, như chực chờ đốt cháy làn da. Đứng trên mặt cầu, phóng tầm mắt nhìn ra... bên này là Tiền Giang, bên kia là Bến Tre, dòng sông Tiền rộng lớn, mênh mang. Cây cầu đang sừng sững nối đôi bờ. Tỉnh Bến Tre tựa như “ốc đảo xanh” bởi ở giữa con sông Tiền, sông Hàm Luông, sông Cổ Chiên, phía Đông chính là biển Đông.

Tốp công nhân đang hối hả, khẩn trương thực hiện phần việc bảo dưỡng bê tông, tạo độ nhám ở đầu đốt KO mới đổ. “Để đảm bảo chất lượng bê tông và chất lượng mặt cầu, sau khi đổ bê tông phải tổ chức bảo dưỡng để tránh rạn nứt, đồng thời tạo độ nhám để khi đổ đốt tiếp theo bê tông sẽ liên kết tốt hơn. Trước mỗi lần đổ bê tông, phòng thí nghiệm đặt ngay tại Công ty TNHH BOT cầu Rạch Miễu sẽ phối hợp cùng trạm trộn kiểm tra độ ẩm của cát, đá, độ sụt lún của bê tông, nhằm đảm bảo, kỹ thuật và chất lượng cầu”, anh Sáu giải thích. Để đổ mỗi đốt (KO) như vậy, những người thợ cầu phải mất 15 ngày lao động vất vả.

NIỀM TỰ HÀO CỦA NHỮNG NGƯỜI THỢ

Những ngày đầu tháng tư nắng như đổ lửa nhưng không khí làm việc của những người thợ cầu vẫn khẩn trương, tích cực. Ở trên mặt cầu, tôi mới cảm thấy cái nóng cháy da và công việc lao động vất vả của những người thợ. Vất vả là thế, nhưng khi nghĩ đến chiếc cầu dây văng “made in Việt Nam”, nhiều công nhân khi trò chuyện, gặp gỡ với chúng tôi đều bày tỏ niềm vui sướng, tự hào. Không tự hào sao được khi lần đầu tiên một cây cầu dây văng do người Việt Nam tự thiết kế và thi công

Dự án xây dựng cầu Rạch Miễu nằm trên quốc lộ 60 nối hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre. Dự án nằm cách TP Hồ Chí Minh 80 km và cách ngã ba Trung Lương (quốc lộ 1A) 3 km. Toàn tuyến có chiều dài 8.331m, điểm đầu dự án nối vào quốc lộ 60 tại cầu K120 (Tiền Giang), điểm cuối dự án nối vào quốc lộ 60, lý trình km 08 + 331 tại thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành (Bến Tre); chiều dài cầu 2.878m, tĩnh không thông thuyền 37,5m, tổng kinh phí ban đầu của dự án 988 tỉ đồng (vốn ngân sách nhà nước chiếm 58%, khoảng 571 tỉ đồng; phần vốn BOT 417 tỉ đồng (42%). Do các loại vật liệu xây dựng tăng giá trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép tính phần trượt giá, vì thế tổng mức vốn đầu tư cho công trình này khoảng hơn một nghìn tỉ đồng.

Kỹ sư Võ Công Giang, Chỉ huy trưởng Công ty cầu 12, Cienco 1 phấn khởi tâm sự: “Chào mừng kỷ niệm 33 năm Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, thợ cầu chúng tôi nỗ lực phấn đấu, với mục tiêu sớm hoàn thành việc xây dựng cầu để đưa vào sử dụng, đảm bảo chất lượng công trình”. “Thế còn việc đảm bảo an toàn lao động thì sao?” - tôi hỏi. Không phút chần chừ, Võ Công Giang nói: “Với chúng tôi vấn đề đảm bảo an toàn lao động luôn được đặt lên hàng đầu cùng với chất lượng công trình. Do đó, công tác kiểm tra thử tải, khoan cọc nhồi được tiến hành kỹ càng, nghiêm ngặt sau đó mới đặt hệ đà giáo trên bê tông...”.

Theo các kỹ sư tại công trình, kéo cáp dây văng là phần việc quan trọng nhất của công trình cầu Rạch Miễu. Trong đó, phần khó nhất, đồng thời cũng là quyết định thời gian hoàn thành công trình nhanh hay chậm là phần đúc dầm dây văng. Ông Hà Ngọc Nam, Phó Giám đốc Công ty TNHH BOT cầu Rạch Miễu, cho biết: “Cầu Rạch Miễu không hoàn thành đúng theo dự kiến cuối năm 2007 là do chúng ta vừa phải thiết kế vừa thi công. Có những hạng mục của công trình phải thay đổi so với thiết kế ban đầu. Ngoài ra, nguồn vốn khó khăn cũng là nguyên nhân khiến công trình bị chậm so với tiến độ đề ra ban đầu. Những khó khăn này đến nay đã cơ bản được tháo gỡ”.

Đến nay, công trình xây dựng cầu Rạch Miễu có 2 sáng kiến được ứng dụng. Sáng kiến thay thế hai trụ tạm (T5) bằng cáp neo, với thay đổi này không hề ảnh hưởng tới chất lượng cầu mà còn giúp mở rộng luồng cho tàu thuyền qua lại cầu Rạch Miễu sau này. Sáng kiến thứ 2 được áp dụng tại cầu Rạch Miễu làm ván khuôn neo, không chỉ tiết kiệm được thời gian thi công mà còn tiết kiệm được chi phí so với phải nhập thiết bị từ nước ngoài. Dự kiến, đến cuối tháng 7 - 2008, công trình cầu Rạch Miễu sẽ hợp long và đến tháng 9 - 2008 công trình sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng.

* * *

Chiếc ca nô đưa chúng tôi trở về điểm xuất phát bên bờ Bến Tre. Những chiếc phà vẫn hối hả, cần mẫn “cõng” trên mình dòng người và xe cộ vượt sông. Bất giác anh Sáu hỏi tôi: “Mai này khi cầu Rạch Miễu hoàn thành nối đôi bờ sông Tiền, người dân Bến Tre, Tiền Giang chắc vui lắm anh nhỉ? Và có lẽ họ cũng thoáng chút buồn cho những chiếc phà kia...”.

Bài, ảnh: ĐĂNG QUANG

Chia sẻ bài viết