"Tháng Ba, bà già đi biển”
Với Trường Sa, tháng Ba, biển bớt gió, bớt sóng nhưng thỉnh thoảng biển vẫn động vì thời tiết thất thường. Chúng tôi đi trên con tàu trọng tải hàng ngàn tấn nhưng chưa ra tới đảo nhiều người đã ói tới mật xanh vì sóng. Trường Sa! Tôi đứng trên tàu nhìn ra mênh mông sóng nước. Sóng vây bốn bề, sóng vuốt ve bờ cát đảo xa. Đứng ngắm biển trời Tổ quốc, còn gì đẹp hơn. Chợt nghe bài hát “Tổ quốc gọi tên mình” thấy lòng giục giã tình yêu đất nước! Lúc gần tới đảo Trường Sa Lớn, đàn cá heo tung tăng chạy theo tàu của chúng tôi. Cá heo “đồng diễn”, đùa vui. Ấy vậy mà mấy anh lính hải quân bảo với chúng tôi cá heo xuất hiện thì biển sẽ động. Thật kỳ lạ, loài cá hiền lành như ta vẫn biết vậy mà giữa biển khơi lại trở thành điềm báo bão và áp thấp nhiệt đới. Gặp cá heo ai cũng rầu! Chuyến đó, biển động thật
Trung úy Cương, một trong những người phục vụ ăn uống cho khách bảo làm bếp trên tàu cực gấp năm, gấp mười so với trên đất liền. Hãy tưởng tượng, trên con tàu luôn nghiêng qua nghiêng lại nhưng các anh vẫn phục vụ chu đáo một trăm năm mươi khách với bốn bữa ăn mỗi ngày. Sóng đánh tàu lắc lư, sóng đánh người lắc lư nhưng cơm nước vẫn nóng sốt. Những bữa cơm vừa vịn bàn vừa lùa cơm, gắp thức ăn, chan canh
Người yêu của Trung úy Cương đang sống ở thành phố. Hai người yêu nhau đã 5 năm nhưng gia đình bạn gái vẫn chưa cho cưới vì Cương cứ đi suốt. Nhưng Cương yêu biển mất rồi. Cương đi vì tình yêu đất nước vẫy gọi. Và anh cứ giằng co giữa đi và ở như biển lúc dịu êm, lúc ồn ào
Thuyền trưởng tàu chúng tôi tên Hưng, năm nay đã ngoài năm mươi tuổi. Anh Hưng dáng người vạm vỡ, da ngăm đen, hay mặc quần short và áo thun khi xuống ngồi chơi dưới boong. Anh hay kể chuyện tiếu lâm, khiến chủ khách đều cười nghiêng ngả. Anh Hưng từng tham gia cuộc chiến bảo vệ chủ quyền Trường Sa vào ngày 14-3-1988 trên tàu HQ-505. Năm đó, thuyền trưởng Vũ Huy Lễ đã dũng cảm chỉ huy anh em vừa chiến đấu vừa cho tàu lao lên bãi đá Cô Lin để khẳng định chủ quyền Tổ quốc. Giờ nơi ấy là đảo Cô Lin với tòa nhà sừng sững, đứng trên cao có thể nhìn thấy bãi đá Gạc Ma. 27 năm sau, người lính súng máy năm nào nay đã là thuyền trưởng ngang dọc Trường Sa với một nhiệm vụ khác.
Lúc làm lễ tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh ở Trường Sa, tôi thấy mắt anh Hưng rưng rưng. Vùng biển Gạc Ma-Cô Lin còn xác thân đồng đội anh nằm lại. Những giọt nước mắt hòa cùng sóng biển khi tay thả những vòng hoa. Chúng tôi - những người trẻ - chưa hiểu hết gian khổ, hy sinh của lực lượng Hải quân Nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng với tên gọi CQ-88 năm nào. Chỉ biết rằng, mỗi năm cứ vào tháng Ba - những ngày biển ít động - vẫn có những cha, người mẹ, người con và đồng đội của các liệt sĩ năm xưa ra thăm Trường Sa. Nhiều người đã múc một bình nước từ nơi linh thiêng này mang về đất liền cho vơi nỗi nhớ thương, khắc khoải.
Tháng Ba, hoa bàng vuông nở tím trên các đảo, gió biển dịu hơn, muối thì vẫn mặn và mồ hôi vẫn đổ. Tôi đọc báo mỗi ngày, theo dõi sự phát triển của Trường Sa hôm nay. Ngày
tháng
năm..., Trường Sa có thêm một ngôi trường. Ngày
tháng
năm
, Trường Sa có thêm một ngôi chùa... Từ đồng bằng tôi trông về biển đảo, thương Trường Sa kiên cường đứng trước phong ba, bão tố để che chắn đất liền. Tháng Ba, tôi nhớ vị mặn của biển quê hương, nhớ vòng tay ấm tình hải đảo-đất liền. Nhớ thật nhiều
Trường Sa ơi!
Phạm Trung