22/04/2019 - 14:43

Tháng 4 về Côn Đảo, thêm yêu Tổ quốc linh thiêng 

Trong những ngày tháng 4, đất nước rộn ràng kỷ niệm Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước. Nhân dịp này, Ban Tuyên Giáo Thành ủy Cần Thơ tổ chức đoàn cán bộ địa phương đi tham quan thực tế Côn Đảo để bày tỏ lòng thành kính tri ân đối với các bậc tiền nhân đã không tiếc máu xương hy sinh vì độc lập tự do cho non sông gấm vóc.

Côn Đảo là một trong những khu di tích lịch sử lớn nhất, lâu đời nhất và đặc biệt quan trọng của nước ta. Trong suốt 113 năm thống trị (từ 1862-1975), Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ đã giam cầm, đày đọa hàng chục vạn chiến sĩ cách mạng và những người yêu nước thuộc nhiều thế hệ. Côn Đảo được mệnh danh là "Địa ngục trần gian", nhưng các chiến sĩ cách mạng đã biến chốn địa ngục lao tù thành trường học cách mạng vĩ đại, trở thành biểu tượng của Chủ nghĩa anh hùng Cách mạng Việt Nam. 

Đoàn cán bộ Tuyên giáo Cần Thơ viếng nghĩa trang Hàng Dương vào giữa đêm, thắp nén tâm nhang, thành kính tri ân các thế hệ cha anh. 

Mộ phần của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam Võ Thị Sáu. Nhiều huyền thoại đầy tính nhân bản về nữ anh hùng còn được lưu truyền cho đến ngày nay. 

Hàng vạn chiến sĩ cách mạng yên nghỉ nơi này. 

Nhiều anh hùng cách mạng nổi tiếng như Nguyễn An Ninh, Lê Hồng Phong, Vũ Văn Hiếu... bị lưu đày Côn Đảo và yên nghỉ tại nghĩa trang Hàng Dương. 

Đoàn cán bộ đến thăm Cầu tàu lịch sử 914. Cầu tàu nằm tại khu trung tâm bãi biển chính của thị trấn Côn Đảo (phía trước nhà Chúa Đảo). Con số 914 được đặt tên cho cầu là do người tù nhẩm tính số người tù ngã xuống vì lao dịch, tai nạn trong quá trình khổ sai xây cầu. 

Trại Phú Hải thuộc hệ thống nhà tù Côn Đảo, vào thời kỳ thực dân Pháp xâm lược nước ta, được xây dựng năm 1862. Đây là trạm giam lớn và cổ nhất Côn Đảo, mang đậm dấu tích của các thời kỳ lịch sử.  

Hầm xay lúa được mệnh danh là nhà tù trong nhà tù, địa ngục trong địa ngục. Cối xay lúa đặt trong hầm đá quây kín, khi tù nhân xay lúa, bụi trấu bay mù mịt, nóng bứt, ngột ngạt. Tù nhân bị đưa vào hầm xay lúa một thời gian, bị vắt kiệt sức, lồi mắt, lao phổi. 

Đoàn cán bộ tham quan hệ thống Chuồng cọp Pháp gồm 120 phòng biệt giam, chia làm hai khu. Bên trên có song sắt kiên cố và có hành lang ở giữa dành cho cai ngục, trật tự đi lại kiểm soát, hành hạ người tù (ném vôi bột, dội nước bẩn). 

Tù nhân bị cùm chân trong chuồng cọp. 

Cai ngục dội nước, rải vôi bột từ phía trên xuống đầu tù nhân những ngày nắng nóng.  

Nhốt tù nhân vào phòng tắm nắng không có mái che cũng là hình thức tra tấn dã man người tù. 

Nhiều nữ tù cũng trải qua thời gian đọa đày nơi địa ngục trần gian này. 

Các trại giam của hệ thống nhà tù Côn Đảo còn có các công trình phụ như nhà bếp, nhà ăn, giảng đường. Nhưng thực sự, những người tù chưa từng được sử dụng các công trình này. Trong ảnh: Nhà ăn ở trại Phú Hải từ khi được xây dựng chưa hề đưa vào sử dụng cho tù nhân.  

Đoàn cán bộ Tuyên giáo Cần Thơ cũng đến thăm Bảo tàng Côn Đảo. 

Hai câu thơ viết bằng máu do một chiến sĩ cách mạng viết bằng máu trên vách tường nhà tù được lưu giữ tại Bảo tàng Côn Đảo.

Cờ Mặt trận trưng bày tại Bảo tàng: do nữ tù chính trị Côn Đảo may và thêu khi hay tin Hiệp định Paris ký kết. Lá cờ thấm máu tù chính trị trong đợt đàn áp khốc liệt tù nhân năm 1973.

Du khách Cần Thơ tìm hiểu về các hiện vật tại Bảo tàng Côn Đảo, ghi dấu quá trình đấu tranh gian khổ của tiền nhân.  

Thu Sương

Chia sẻ bài viết