03/12/2023 - 07:27

Tham vọng ngày càng lớn của Hải quân Saudi Arabia 

Hải quân Hoàng gia Saudi Arabia (RSN) đã đạt nhiều tiến bộ trong những năm gần đây, khi sở hữu các tàu chiến hiện đại hơn và thể hiện mong muốn tham gia, thậm chí dẫn đầu các lực lượng đặc nhiệm hàng hải tại vịnh Persic.

Tàu hộ vệ Al Jubail của Hải quân Saudi Arabia. Ảnh: DVIDS

Saudi Arabia lâu nay phụ thuộc vào sự bảo vệ và hỗ trợ quân sự từ Mỹ, khi quân đội của vương quốc này chủ yếu tập trung ngăn chặn các mối đe dọa trên không, trên bộ và lại thiếu các quân nhân được đào tạo bài bản. Tuy nhiên, khi các mối đe dọa bất đối xứng mà Saudi Arabia đối mặt từ những đối thủ như Iran và phiến quân Houthi ở Yemen gia tăng, Riyadh cho thấy quyết tâm giảm phụ thuộc an ninh vào Washington.

Theo chuyên gia Leonardo Jacopo Maria Mazzucco thuộc Hãng phân tích Gulf State Analytics có trụ sở tại Mỹ, Saudi Arabia đang tiến hành những bước đi nhằm hiện đại hóa hạm đội và chứng minh năng lực sử dụng các tàu chiến mới trong “những kịch bản thế giới thực”, bao gồm tăng cường đóng góp vào các liên minh an ninh hàng hải do Mỹ dẫn đầu và giữ vai trò nổi bật hơn trong nhiệm vụ bảo vệ các tuyến hàng hải dọc bờ biển dài của nước này.

“Tậu” nhiều tàu chiến mới

Trong vài năm gần đây, khí tài của Hải quân Saudi Arabia chủ yếu gồm các khu trục hạm lớp Al-Madinah và Al-Riyadh, bên cạnh các tàu hộ vệ lớp Badr và tàu tuần tra lớp Al-Siddiq. Nhiều chiếc trong số này được biên chế từ thập niên 1980.

Do vậy, Riyadh đang hiện đại hóa hạm đội trên bằng cách bổ sung 5 tàu hộ vệ mới lớp Avante 2200, mua từ Tây Ban Nha năm 2018 theo hợp đồng trị giá gần 1,8 tỉ USD. Những “tân binh” này được trang bị ngư lôi, tên lửa diệt hạm Harpoon, tên lửa phòng không RIM-162 và súng 76mm lợi hại. Al Jubail, chiếc đầu tiên trong lô hàng trên, đã cập cảng căn cứ hải quân ở Jeddah vào tháng 8 năm ngoái. Saudi Arabia dự kiến sẽ nhận đủ 5 tàu hộ vệ trong năm 2024 và các tàu này sẽ gia nhập Hạm đội phương Tây, chịu trách nhiệm bảo vệ bờ biển của nước này ở Biển Đỏ, nơi phiến quân Houthi liên tục đe dọa các tàu hàng quốc tế và chiến hạm nước ngoài.

Trong khi đó, Hạm đội phương Đông cũng sẽ bắt đầu tiếp nhận 4 tàu chiến mặt nước đa năng (MMSC) mà Saudi Arabia đã đặt mua từ nhà thầu quốc phòng Mỹ Lockheed Martin trong hợp đồng trị giá 2 tỉ USD năm 2019. Sử dụng thiết kế tàu chiến đấu ven biển lớp Freedom, các tàu MMSC này sẽ là những chiến hạm có công nghệ tiên tiến nhất trong Hạm đội phương Đông một khi được đưa vào phục vụ trong nửa cuối thập niên này.

Các kế hoạch mua sắm trên là một phần trong chương trình SNEP II nhằm nâng cấp, hiện đại hóa lực lượng hải quân của Saudi Arabia. Đây là chương trình nâng cấp nổi bật nhất kể từ SNEP I mà quốc gia Trung Đông này khởi xướng hồi thập niên 1980.

Đóng vai trò tích cực hơn trong khu vực

Trong bài viết trên trang Stimson Center gần đây, nhà phân tích Mazzucco bình luận rằng RSN đã cởi bỏ “danh tiếng cường quốc hải quân miễn cưỡng vốn tồn tại trong nhiều thập niên” bằng cách tiếp nhận quyền chỉ huy Lực lượng Đặc nhiệm hỗn hợp 152 (trực thuộc Lực lượng Hàng hải hỗn hợp do Mỹ dẫn dắt) và Lực lượng tuần tra CTFS (thuộc liên minh Xây dựng An ninh Hàng hải quốc tế) hồi cuối tháng 8 vừa rồi, bước đi cho thấy “sự thay đổi mạnh mẽ” trong “tư duy hàng hải” của Riyadh. Dẫn dắt CTFS trong 3 tháng, Saudi Arabia là thành viên duy nhất trong khu vực đảm nhiệm vai trò luân phiên này.

HẠNH NGUYÊN (Theo Business Insider)

Chia sẻ bài viết