29/10/2018 - 21:16

Mặt trận các cấp TP Cần Thơ

Tham gia xây dựng đảng, chính quyền vững mạnh 

Ủy ban MTTQVN thành phố vừa tiến hành tổng kết, đánh giá kết quả 5 năm triển khai thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW về Quy chế giám sát và phản biện xã hội (GS&PBXH) của Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội (CT-XH) và Quyết định 218-QĐ/TW Quy định về Mặt trận, các đoàn thể CT-XH và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền (gọi tắt là QĐ217, QĐ218) của Bộ Chính trị. Qua đó, ghi nhận những kết quả thiết thực và khẳng định vai trò, trách nhiệm của Mặt trận và các đoàn thể CT-XH trong việc tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh.

Các đại biểu tham luận đề xuất giải pháp thực hiện hiệu quả QĐ217 và QĐ218. 

Góp ý xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh

Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành QĐ217, QĐ218, Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN, các đoàn thể CT-XH xây dựng chương trình, kế hoạch có trọng tâm, trọng điểm để tổ chức hoạt động GS&PBXH trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN thành phố đã chủ động triển khai và tổ chức tập huấn công tác GS&PBXH cho hệ thống Mặt trận các cấp cũng như phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQVN tổ chức hội nghị tập huấn công tác GS&PBXH cho cán bộ chủ chốt Mặt trận các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL. Các đoàn thể CT-XH của thành phố, Mặt trận 9 quận, huyện và 85 xã, phường, thị trấn tích cực triển khai QĐ217, QĐ218 trong toàn hệ thống.

Theo ông Lê Nguyễn Sinh Nhựt, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQVN thành phố, thực hiện QĐ217, trong 5 năm qua, Mặt trận các cấp, các đoàn thể CT-XH trong thành phố đã giám sát 7.892 cuộc; Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng ở cơ sở thực hiện giám sát 5.273 cuộc. Qua giám sát và tái giám sát, kịp thời phát hiện nhiều vấn đề còn lỏng lẻo và sai sót. Qua đó, kiến nghị với cấp ủy, chính quyền có biện pháp uốn nắn, chấn chỉnh. Điển hình như qua giám sát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, Mặt trận đã đề nghị ngành Lao động-Thương binh và Xã hội, các địa phương phối hợp tốt hơn với Mặt trận, các tổ chức thành viên của Mặt trận trong tuyên truyền, vận động và xử lý dứt điểm các trường hợp phát sinh sau tổng rà soát chính sách ưu đãi đối với người có công. Hay qua giám sát nâng cao hiệu quả việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở, đoàn giám sát kiến nghị địa phương tiếp tục tăng cường tuyên truyền pháp luật cho nhân dân; các quận, huyện tiếp tục hỗ trợ nghiệp vụ cho cấp xã trong ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính; phát huy vai trò của Ban Thanh tra Nhân dân cùng tham gia hòa giải ở cơ sở, từ đó đã giảm đáng kể đơn thư khiếu nại sai, vượt cấp...

Cùng với việc thực hiện nhiệm vụ giám sát, 5 năm qua, Mặt trận, các đoàn thể CT-XH các cấp trong thành phố quan tâm thực hiện 123 cuộc phản biện xã hội, góp ý xây dựng đảng, chính quyền. Trong đó, tập trung các vấn đề: Dự thảo đánh giá tình hình, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương hằng năm; dự thảo nghị quyết của HĐND các cấp; tham gia góp ý, phản biện đối với dự thảo các luật và một số vấn đề thời sự được xã hội quan tâm. Mặt trận các cấp, các đoàn thể CT-XH, các tầng lớp nhân dân trong thành phố phát huy quyền làm chủ tham gia vào quá trình xây dựng các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, văn bản quy phạm pháp luật của thành phố, quận, huyện liên quan đến quyền và nghĩa vụ của nhân dân, tạo nên sự đồng thuận xã hội về nhận thức và thống nhất hành động.

Tiếp tục nâng chất hoạt động

5 năm thực hiện QĐ217, QĐ218, Mặt trận các cấp trong thành phố thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế. Ông Lê Nguyễn Sinh Nhựt, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQVN thành phố, cho rằng việc giám sát đối với những vấn đề gây bức xúc trong nhân dân còn chậm hoặc chưa đáp ứng yêu cầu; việc giám sát các kiến nghị xử lý sau giám sát của các cơ quan có liên quan chưa được coi trọng đúng mức. Trong GS&PBXH chưa phát huy trí tuệ, hiểu biết của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhân sĩ, trí thức... Còn ông Trương Hoàng Phong, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã Trường Xuân B, huyện Thới Lai, cho biết: "Trong tổ chức hoạt động GS&PBXH, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của Mặt trận, các tổ chức thành viên còn nể nang, ngại va chạm; đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn còn hạn chế. Mặt trận, các đoàn thể CT-XH xã đa số là phối hợp với HĐND xã thực hiện các nội dung GS&PBXH còn chung chung, chưa có nhiều sáng kiến"...

Để thực hiện hiệu quả hơn QĐ217, QĐ218, ông Phạm Khắc Phương, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ pháp luật của Ủy ban MTTQVN thành phố, đề nghị: "Mặt trận cần nâng cao vai trò, trách nhiệm, sự phối hợp giữa các ngành các cấp; GS&PBXH cần chọn đúng thời điểm, đúng trọng tâm, chú ý những vấn đề thời sự, nổi cộm trong cuộc sống hằng ngày; kiểm tra hậu giám sát đối với các đơn vị được giám sát". Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Vân, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố, kiến nghị: "Cần nâng cao trách nhiệm giải trình, giải thích và thái độ cầu thị của các cơ quan được giám sát. Các đơn vị này tiếp thu, khắc phục hạn chế hoặc giải thích làm rõ vấn đề sẽ tạo sự đồng thuận, hạn chế bà con kiến nghị nhiều lần, gây bức xúc". Cùng vấn đề này, ông Mai Văn Hữu, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN quận Ninh Kiều, đúc kết kinh nghiệm là nơi nào cấp ủy quan tâm chỉ đạo, chính quyền phối hợp tạo điều kiện, đội ngũ cán bộ Mặt trận đủ trình độ, năng lực, có bản lĩnh thì thực hiện QĐ217, QĐ218 đạt hiệu quả. Phải vì cái chung, thể hiện thiện chí từ hai phía, cầu thị, lắng nghe, nhất là các cấp lãnh đạo, thì việc thực hiện QĐ217, QĐ218 mới đảm bảo đi vào thực tế cuộc sống, đạt hiệu quả...

Theo lãnh đạo Ủy ban MTTQVN thành phố, thời gian tới, Mặt trận các cấp trong thành phố tiếp tục phối hợp với HĐND, các tổ chức thành viên thực hiện có hiệu quả QĐ217, QĐ218. Trong đó, nâng cao hiệu quả hoạt động và phát huy vai trò, trách nhiệm của các Hội đồng tư vấn, Ban Tư vấn, Ủy viên Ủy ban MTTQVN các cấp, các tầng lớp nhân dân tham gia hoạt động GS&PBXH, góp ý xây dựng các văn bản, chủ trương, chính sách và các đề án, dự án của thành phố, địa phương. Đồng thời, chỉ đạo Mặt trận cấp huyện chủ động xây dựng các chương trình giám sát, lựa chọn nội dung giám sát phù hợp với thực tế địa phương. Cấp xã cần phát huy hoạt động của Ban Thanh tra Nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, Ban Công tác Mặt trận để giám sát hoạt động của chính quyền cơ sở và các công trình đầu tư trên địa bàn cấp xã. Mặt trận và các đoàn thể CT-XH tiếp tục thực hiện tốt công tác phản biện xã hội, tập trung phản biện các dự thảo về chương trình, dự án về kinh tế- xã hội, dự thảo nghị quyết HĐND có liên quan đến quyền, lợi ích của người dân;...

Bài, ảnh: THANH THY

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
xây dựng đảng