17/06/2022 - 08:36

ThaiFex Anuga Asia 2022, trông người lại ngẫm đến ta! 

CHÂU LAN

Mùa trái chín, nhìn ra bên ngoài - hầu hết các hàng rào kỹ thuật đều hướng tới việc cung cấp sản phẩm an toàn cho người dùng và môi trường - chuẩn mực là điều không cần điều đình, không khoan nhượng.

Hoạt động của đoàn doanh nhân Việt Nam do Hội Doanh nghiệp HVNCLC tổ chức quảng bá sản phẩm "vì sự sống" ở Hội chợ ThaiFex Anuga Asia 2022. Ảnh: Trần Quỳnh

Góc nhìn từ ThaiFex Anuga Asia 2022

Với những sản phẩm đạt chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) và HVNCLC - Chuẩn hội nhập, sản phẩm hữu cơ có xuất xứ hàng hóa minh bạch và thông điệp "vì sự sống", chỉ 30 phút trong buổi sáng khai mạc (24-5) Vinamit (có nhiều sản phẩm đi Thái qua kênh Shop Channel) đã có cuộc hẹn với các nhà nhập khẩu đến từ Indonesia với các sản phẩm sấy giòn. Nhóm tinh dầu Hương Ðồng Tháp của Ðoàn Thùy có đối tác Healthy Way mở hướng xuất khẩu sang Canada, Farm 123 có đơn hàng của Sasco; Trí Việt Phát với kết nối sản phẩm đi Myanmar; Sokfarm Trà Vinh có mối giao kết nhập hàng vào Sasco, Nutriscience Co, Ltd tại Bangkok…

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp HVNCLC, cho biết:  18 doanh nghiệp (DN), trong đó có 2 tỉnh của ABCD Mekong là Ðồng Tháp và Bến Tre, 3 chuyên gia về thị trường, bao bì, tiêu chuẩn, Ban nghiên cứu thị trường, Study Tour… Ðoàn khảo sát đang hoàn tất Bộ báo cáo về các xu hướng mới của thực phẩm đồ uống, trái cây thế giới. Trong đó 2 điểm chính là thực phẩm tương lai và đạm thay thế.

Theo bà Vũ Kim Hạnh, ở ThaiFex Anuga Asia thực phẩm như một chất hỗ trợ để kết nối với niềm tin và giá trị của người tiêu dùng. Các doanh nhân và nhóm nghiên cứu ghi nhận 10 xu hướng:1/ Quan tâm đến thực phẩm dựa trên thực vật (plant-based); 2/ Vai trò vi sinh vật; 3/ Trở về với "cội nguồn"; 4/ Yêu cầu trải nghiệm được khuếch đại; 5/ Ðề cao trách nhiệm chung; 6/ Người tiêu dùng thay đổi sau đại dịch; 7/ Công nghệ mới phải luôn sẵn sàng; 8/ Việc nâng cấp được xác định lại; 9/ Tiếng nói người tiêu dùng; 10/ Cách chọn lựa thực phẩm chính là thương hiệu của bạn.

Thái Lan đã đầu tư mạnh tay cho công tác nghiên cứu và phát triển thị trường. Các trường đại học hay viện nghiên cứu của Thái Lan đều đặt ra những chiến lược trong tương lai xa. Khâu marketing cũng được đầu tư tài chính để trở nên chuyên nghiệp hơn và những chương trình marketing của Thái Lan đã mang lại hiệu quả cao. Nông dân Thái Lan đã có những bước phát triển hơn so với Việt Nam, bà Vũ Kim Hạnh nhận xét: Họ đã đi vào chế biến sâu với trình độ cao hơn. Trong khi chúng ta còn đang bán sầu riêng tươi, sầu riêng sấy, sầu riêng đông lạnh thì Thái Lan đã tổ chức được những bữa tiệc buffet sầu riêng tại các nhà hàng.

Luật chơi của người Thái

Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan chia sẻ, người nông dân Thái Lan không thiết tha làm theo các tiêu chuẩn mà luôn yêu cầu được hỗ trợ về tài chính, chính sách; nhưng cả 2 giải pháp hỗ trợ đó đều không thành công. Vì tiền là yêu cầu vô tận, chính sách cũng vậy. Giải pháp hiệu quả nhất là phải thay đổi tư duy của người nông dân, họ phải là người tự quyết định sự thành công hay thất bại, họ cần tự trăn trở với chất lượng, tiêu chuẩn sản phẩm của mình. Bên cạnh đó, cần phải tổ chức một hệ sinh thái đồng hành xuyên suốt, hỗ trợ, giúp đỡ khó khăn với người dân.

Giờ đây nông dân Thái đã quen luật chơi "làm theo tiêu chuẩn A thì mua giá A, theo chuẩn B thì mua theo giá B, không theo tiêu chuẩn nào thì không mua".

Bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty Chánh Thu cũng vừa trở về sau ThaiFex Anuga Asia 2022, cho rằng các DN Việt Nam nên học hỏi ở bạn bè các nước qua các hội chợ quốc tế là tính tuân thủ, bảo vệ thương hiệu quốc gia. Khi các DN tham gia cùng một ngành nghề, lĩnh vực, cần hướng bảo vệ cái chung, đặt cái chung lên trên hết.

"Khi nhìn các gian hàng trái cây của các nước tham gia hội chợ quốc tế và những DN được chọn của Việt Nam đi hội chợ - thay vì chia nhỏ, lèo tèo - nên xây dựng một ngôi nhà chung cho trái cây Việt Nam. Các DN phải thể hiện sự chuyên nghiệp, trau chuốt hình ảnh để tôn vinh, nâng tầm, khẳng định thương hiệu của trái cây Việt Nam với bạn bè quốc tế" - ông Nguyễn Ðình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T Group tiếc rẻ nói.

Cả bà Vy lẫn ông Tùng đều cho rằng "Nông dân Thái đã dành thời gian chuyển đổi vùng trồng, 5-6 năm để có vùng trồng sầu riêng organic. Bây giờ cứ làm theo đơn đặt hàng. Vùng trồng là khái niệm rộng mở của Thái".

Trong khi đó, Việt Nam có 4.000 mã số vùng trồng (300.000ha), tại 50/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cho 10 loại quả tươi như chuối, thanh long, mít, nhãn, vải, xoài, chôm chôm, dưa hấu, măng cụt, chanh leo,... Tuy nhiên, việc cấp chứng nhận mã số vùng trồng theo từng năm khó cho DN khi phải liên tục xin tái chứng nhận, khiến cho công tác xuất khẩu, bàn giao đơn hàng cho đối tác quốc tế bị chậm trễ. Một DN không thể tự mình đi tới tất cả các địa phương để làm mã số vùng trồng. Do đó, các địa phương nên chủ động xây dựng những vùng trồng được cấp mã số, khi những DN có nhu cầu, đăng ký, địa phương cung cấp, sẽ thuận lợi cho DN hơn rất nhiều.

Thị trường đang thay đổi ngoạn mục trong dòng chảy nông sản xuất khẩu của Việt Nam. Tại thị trường Mỹ, giá trị kim ngạch nông, lâm, thủy sản xuất khẩu đã thu về cho Việt Nam gần 4,9 tỉ USD, chiếm 27,3% thị phần xuất khẩu. Trung Quốc đứng hàng thứ hai, với kim ngạch 3,2 tỉ USD (chiếm 18,1% thị phần), thứ ba là thị trường Nhật Bản với giá trị xuất khẩu đạt gần 1,3 tỉ USD (chiếm 7,1%); thứ tư là thị trường Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu khoảng 822 triệu USD (chiếm 4,6%).

Trung Quốc từ thị trường nhập khẩu rau, quả chiếm 53,6% thị phần, giảm 25,3% so với cùng kỳ năm 2021. "Zero COVID" và cách sàng lọc này khiến các DN vừa và nhỏ xuất khẩu thực phẩm có nguồn gốc thực vật khó đáp ứng. Khi Trung Quốc điều chỉnh chính sách nhập khẩu thì sản phẩm chất lượng và giá trị sẽ là sự chọn lựa để cải thiện hình ảnh và lòng tin của người tiêu dùng.

Ở xứ mình, trái cây hữu cơ hay thực phẩm hữu cơ - trong lịch sử kinh thương từ xa xưa, ai cũng hiểu rõ lợi ích, ý nghĩa, tầm quan trọng của cây lành, trái ngọt. Nhưng giờ đây mỗi khi nói về hành động vì mục tiêu sức khỏe con người và môi trường, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội… lại bị xem là "chưa được đâu", "quá khó", là "thách thức vô cùng"!? Ðến bao giờ thì kiểu làm "trời ơi đất hỡi" mới kết thúc để nhường chỗ cho cách làm ăn đàng hoàng, chính trực, minh chứng cho hình ảnh quốc gia chất lượng?

Chia sẻ bài viết