Xây dựng nguồn nhân lực đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, hợp lý là một trong những giải pháp để thúc đẩy phát triển du lịch theo hướng bền vững. Tuy nhiên, nguồn nhân lực lĩnh vực này Cần Thơ vẫn còn nhiều bất cập và thành phố đang nỗ lực thay đổi.
Sinh viên tham gia chương trình kết nối với doanh nghiệp du lịch Hải Âu Tourist Cần Thơ.
Thiếu và chưa đạt chuẩn
Kế hoạch 111/KH-UBND của UBND thành phố về thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU của Thành ủy và Ðiều chỉnh Quy hoạch phát triển du lịch TP Cần Thơ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 xác định rõ: đến năm 2020 sẽ có khoảng 39.300 lao động ngành Du lịch, trong đó 13.100 lao động trực tiếp, 26.200 lao động gián tiếp; lực lượng lao động qua đào tạo chuyên môn phải đạt trên 80%. Tuy nhiên, năm 2020, tỷ lệ lao động trong ngành qua đào tạo chỉ đạt 68,3%.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, giai đoạn 2013-2018 lực lượng lao động trực tiếp trong ngành Du lịch tăng mạnh, từ 3.350 người lên đến 5.600 người, tăng trưởng bình quân mỗi năm khoảng 10,8%. Ðến giai đoạn 2019 và 2020 thì chững lại do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Nhiều đơn vị khách sạn, điểm vườn, lữ hành đóng cửa, hoặc cắt giảm nhân sự; nên lực lượng lao động trong ngành không tăng trưởng như định hướng. Số lao động trực tiếp năm 2020 là 7.087 người, tập trung ở các điểm vườn, khu du lịch, homestay, lưu trú (khách sạn từ 1-5 sao), các đơn vị lữ hành, cơ sở đào tạo du lịch, cơ quan quản lý du lịch... Khu vực lưu trú chiếm đến 72,6% lực lượng lao động trong ngành.
Chất lượng lao động qua đào tạo cũng không đồng đều. Ở các đơn vị quản lý, cơ sở đào tạo, lữ hành, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 100%; nhưng lao động qua đào tạo ở các khu, điểm du lịch chỉ đạt 26,1% - thấp nhất trong ngành. Ở các điểm vườn, homestay, khu du lịch, hầu hết là gia đình tự quản lý, nhân viên chủ yếu là lao động phổ thông chưa qua đào tạo, hoặc bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch. Ngay cả tại các khu du lịch, điểm đến nổi tiếng, hầu hết lao động chỉ tham gia tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn, hoặc qua hình thức chia sẻ kinh nghiệm. Số lao động qua đào tạo tại các điểm này chiếm chưa tới 30% tổng số nhân viên.
Sự chênh lệch về trình độ, kỹ năng của lực lượng lao động du lịch cũng khá lớn. Cụ thể, ở một số doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ hoặc hộ gia đình, có khoảng 90% nhân lực chưa qua đào tạo.
Tương tự, ở lĩnh vực lữ hành cũng tồn tại nhiều vấn đề, nhất là lực lượng hướng dẫn viên. Hiện chỉ có một số đơn vị như: Vietravel, Saigon Tourist, Lữ hành Fiditour... có lực lượng hướng dẫn viên cố định; phần lớn các đơn vị sử dụng nguồn cộng tác viên là hướng dẫn viên tự do và chưa có tiêu chuẩn chung để đánh giá. Thực tế, nhiều người vốn lái ghe tàu trên chợ nổi hay làm việc tự do dần có kinh nghiệm rồi trở thành hướng dẫn viên; nên khó kiểm soát và quản lý về chất lượng đội ngũ.
Cần Thơ có nhiều trường đại học mở các chuyên ngành đào tạo liên quan du lịch: Ðại học Cần Thơ, Ðại học Tây Ðô, Ðại học Nam Cần Thơ... Riêng Trường Cao đẳng Du lịch Cần Thơ là đơn vị đào tạo chuyên sâu về du lịch. Bình quân mỗi năm, Trường Cao đẳng Du lịch Cần Thơ cung cấp hàng trăm nhân sự được đào tạo chính quy. Theo thống kê, trên 90% học sinh tốt nghiệp tại trường đều tìm được việc làm đúng chuyên ngành. Thế nhưng, số lượng lao động trong ngành Du lịch được đào tạo vẫn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành tại địa phương. Một phần trong số học sinh tốt nghiệp tại trường này di chuyển đến TP Hồ Chí Minh, Phú Quốc hay các địa phương khác để làm việc, còn một số chuyển làm nghề khác. Do đó, nhân lực du lịch tại Cần Thơ không ổn định về số lượng.
Về chất lượng nhân lực ngành Du lịch, theo chia sẻ của các đơn vị lữ hành, khách sạn thì sau khi tuyển chọn nhân viên, họ đều phải đào tạo lại, nhất là kỹ năng mềm, thực tế nghiệp vụ. Chỉ có khoảng 40% quản lý và giám sát bộ phận làm việc tại khách sạn có chuyên môn về du lịch, dịch vụ khách sạn. Trong đó, hạn chế về ngoại ngữ của lực lượng lao động là vấn đề rõ nhất.
Tìm giải pháp
PGS.TS Huỳnh Trường Huy, Trưởng nhóm khảo sát, thống kê nguồn nhân lực TP Cần Thơ năm 2020, đề xuất một số giải pháp phát triển nguồn nhân lực, trong đó tập trung tăng cường bồi dưỡng, tập huấn theo từng nhóm cụ thể. Giữa doanh nghiệp và sinh viên các ngành Du lịch cần có sự kết nối qua các hoạt động trải nghiệm, gặp gỡ chia sẻ kinh nghiệm tại các hội nghị. Ðồng thời xây dựng chương trình thực tập cho sinh viên năm cuối ngành Du lịch kết nối với các doanh nghiệp, vừa tạo cơ hội cho sinh viên thực hành nghiệp vụ, vừa giúp các doanh nghiệp lựa chọn nhân lực hiệu quả hơn, không mất thời gian đào tạo lại.
Lớp học tiếng Anh cho cộng đồng làm du lịch ở cồn Sơn từ nguồn xã hội hóa.
Mô hình trường học - sinh viên - doanh nghiệp đang được nhiều đơn vị tại Cần Thơ thực hiện, chủ động trong đào tạo nhân lực và phù hợp thực tế. Bà Nguyễn Thị Ngọc Sương, Phó Giám đốc Hải Âu Tourist Cần Thơ, chia sẻ: “Sự hợp tác giữa trường học, sinh viên và doanh nghiệp sẽ mang đến nhiều lợi ích. Sinh viên được trang bị kiến thức và kỹ năng mềm, định hướng nghề nghiệp rõ ràng khi có va chạm thực tế. Công tác đào tạo của trường học trở nên đa dạng, gắn với thực tiễn nhiều hơn. Phía doanh nghiệp cũng có nhân sự phù hợp sau quá trình sàng lọc”. Hải Âu Tourist Cần Thơ đã phối hợp với một số trường tại Cần Thơ tạo điều kiện cho sinh viên tiếp xúc trực tiếp với môi trường du lịch qua việc tiếp nhận thực tập và những chương trình tour, team building, event… Qua đó, 2/3 nhân sự của công ty có được từ quá trình đào tạo này. Lê Thành Hiếu, sinh viên ngành Việt Nam học, Trường Ðại học Cần Thơ, hiện đang là cộng tác viên tại Hải Âu Tourist, cho biết: “Việc học tập và trao đổi cho sinh viên những va chạm thực tế, từ đó có nhiều kỹ năng hơn. Ví dụ như quản lý thời gian, quản lý đám đông, hay kiến thức về các mô hình, xu hướng du lịch mới. Ðây là những nền tảng khơi dậy sự sáng tạo, niềm đam mê với nghề. Quá trình đi thực tế cũng giúp tôi học hỏi để quyết định về nghề nghiệp cụ thể và rõ ràng hơn. Sinh viên cũng ý thức và chủ động hơn trong tiếp cận doanh nghiệp để tìm cơ hội nghề nghiệp phù hợp, ổn định”.
Ông Trần Mạnh Khang, Trưởng Phòng Ðiều hành Hướng dẫn viên du lịch Vietravel Cần Thơ, Chủ nhiệm CLB Hướng dẫn viên du lịch của Hiệp hội Du lịch TP Cần Thơ, chia sẻ: “Thực tế hầu hết doanh nghiệp có tiêu chuẩn đào tạo riêng cho nhân viên, trong đó có hướng dẫn viên. Tại Vietravel, chúng tôi đánh giá hướng dẫn viên qua các kỳ thi để kiểm soát và ổn định chất lượng nguồn nhân lực này. Ðội ngũ hướng dẫn viên khá đặc thù vì ngoài lực lượng ổn định ở các đơn vị, thì còn nhiều người làm nghề tự do. Do đó, tôi đề xuất tổ chức cuộc thi xếp hạng hướng dẫn viên du lịch tại Cần Thơ, để dần chuẩn hóa”. Việc này sẽ mang đến nhiều lợi ích, vì vừa có thể quản lý, kiểm soát nguồn lực; vừa đảm bảo công bằng. Các đơn vị khi sử dụng nguồn hướng dẫn viên tự do cũng yên tâm hơn.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, thông tin: Việc xây dựng và phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng là một trong những nhiệm vụ quan trọng để đẩy mạnh phát triển du lịch của thành phố theo hướng bền vững. Do đó, Sở đã có nhiều chương trình, đề án, kế hoạch để từng bước cải thiện nguồn nhân lực về số lượng và chất lượng. Trong giai đoạn 2018-2020, các đơn vị đã tổ chức 48 lớp đào tạo (chỉ tiêu đề ra là 21 lớp), đạt tỷ lệ 228%. Việc bồi dưỡng, tập huấn cũng hướng đến lao động thường xuyên trong ngành Du lịch: các chủ phương tiện vận tải, nông dân, tiểu thương có hoạt động gắn bó với du lịch. Cần Thơ cũng đã có kế hoạch chi tiết về phát triển nguồn nhân lực và nâng cao nhận thức giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2040 của thành phố, trong đó chú trọng thu hút, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao. Việc đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng nguồn nhân lực là quá trình lâu dài cần sự hợp tác, kết nối từ cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở đào tạo, doanh nghiệp, các đối tượng tham gia hoạt động du lịch. Ðồng thời cần thích ứng và điều chỉnh theo nhịp phát triển của du lịch để đạt hiệu quả.
Bài, ảnh: ÁI LAM