08/10/2020 - 10:30

Thắc thỏm nỗi lo sạt lở 

Hằng năm, cứ đến mùa mưa bão, tình trạng sạt lở bờ biển tại Cà Mau lại diễn biến phức tạp. Toàn tỉnh có 250km đường bờ biển thì đã có hơn 105km bị sạt lở nghiêm trọng, nhiều đoạn đê biển không còn đai rừng phòng hộ bảo vệ, đang bị sóng biển uy hiếp. Hàng ngàn hộ dân sống tại các cửa biển cũng đang nơm nớp lo sợ vì sạt lở.

Đê biển Tây của tỉnh Cà Mau tiếp tục bị sạt lở nghiêm trọng.

►Bất an nơi cửa biển

Tại Khu dân cư Bõ Hữu ở cửa biển Bồ Ðề (xã Tam Giang Ðông, huyện Năm Căn) đang có hơn 70 hộ dân sinh sống. Gia đình ông Lê Minh Luân từng sở hữu căn nhà cấp 4 đẹp nhất khu dân cư này. Cũng vì sạt lở, cách đây vài năm, ông phải bỏ ngôi nhà mà mình tiết kiệm nhiều năm mới cất được, để chuyển vào trong, dùng cây gỗ địa phương dựng nhà ở tạm. “Dân ở đây nghèo vì sạt lở. Tiền làm được bao nhiêu đều mất hết theo những lần dời nhà. Không chỉ tôi, đa số bà con ở đây đã phải dời nhà ít nhất 1 lần” - ông Luân buồn bã nói.

Ở cửa biển Bồ Ðề, căn nhà của gia đình ông Diệp Thanh Hùng đang gần sóng biển nhất, với khoảng cách chừng 10 bước chân. Từ đầu mùa mưa đến nay, triều cường dâng cao, những cơn sóng dữ đã mấy lần “nhăm nhe” tới căn nhà nên vợ chồng ông rất lo lắng. Sau gần 30 năm định cư ổn định tại cửa biển này thì năm nay mọi thứ buộc ông phải chuẩn bị di dời nhà đến nơi khác.

“Trước đây, biển cứ lở lại bồi, tán rừng còn hơn 100m bên ngoài che chắn cho khu dân cư. Khoảng 10 năm nay, không biết ông trời “trở tính” thế nào mà lở miết. Lở hết rừng bên ngoài, đánh mất luôn đồn biên phòng, biết bao hộ dân phải bỏ đi. Mấy hôm nay, tôi cũng muốn dời nhà đến nơi an toàn nhưng vì không có chỗ nên vợ chồng tôi định mang đồ dùng sinh hoạt vào gửi nhà người thân trước rồi tính tiếp” - ông Hùng nói.

Ông Huỳnh Văn Sáu, Chủ tịch UBND xã Tam Giang Ðông, cho biết: Xã có 16km đường bờ biển thì toàn tuyến đều bị sạt lở nghiêm trọng. Sạt lở không chỉ làm mất rừng phòng hộ ven biển mà nhiều điểm đã vào tới đất nuôi tôm của người dân, gây thiệt hại sản xuất. Ðặc biệt, tại cửa biển Bồ Ðề và Hố Gùi, tình hình rất nguy cấp. Có 170 hộ dân sống ven theo 2 cửa biển này cần phải di dời để đảm bảo tính mạng, tài sản nhưng ngoài khả năng của xã.

►Uy hiếp đê biển

Vấn đề sạt lở bờ biển ở Cà Mau không chỉ nan giải ở bờ biển Ðông mà phía biển Tây cũng rất cấp bách. Tình trạng ngày càng nghiêm trọng đặt ra cho cơ quan chức năng tỉnh bài toán phải di dời hàng ngàn hộ dân. Vừa qua, do ảnh hưởng của bão số 5, nhiều đoạn trên tuyến đê biển Tây ở trong tình trạng báo động. Riêng đoạn đê biển Ðá Bạc - Kênh Mới (xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời) dài khoảng 4,5km đã có 4 đoạn đê bên ngoài không còn rừng phòng hộ, sóng biển trực tiếp uy hiếp chân đê. Thủy triều dâng cao, sóng lớn đánh sạt lở thân đê, làm người dân địa phương đứng ngồi không yên.

Bà Trịnh Kim The, sống tại chân đê phòng hộ ấp Kinh Hòn (xã Khánh Bình Tây), cho biết: “Cứ đến mùa mưa bão, người dân nơi đây lại sống trong thấp thỏm. Vào tháng 8 năm ngoái, triều cường kỷ lục làm nước biển tràn qua đê, tàn phá nhà cửa hàng chục hộ dân tại cửa biển Ðá Bạc. Mới đây, triều cường lại dâng cao, tuy không đến mức nguy hiểm như năm trước nhưng nhiều đoạn chân đê lại bị đánh sạt lở nham nhở. Ðặc biệt, gia đình tôi sống gần điểm đê biển bị sụt lún dài hàng trăm mét chưa khắc phục xong nên rất lo lắng”.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, trên tuyến đê biển Tây có 4 đoạn sạt lở đặc biệt nguy hiểm, với chiều dài 3,3km gồm: đoạn Hương Mai - Tiểu Dừa (xã Khánh Tiến, huyện U Minh) có 2 vị trí dài 610m và 315m; đoạn Ba Tỉnh - T25 (xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời) dài 1,9km và đoạn đê thuộc xã Khánh Hải và Khánh Bình Tây (huyện Trần Văn Thời) dài 500m. Những đoạn này đã được UBND tỉnh Cà Mau ban bố tình huống sạt lở khẩn cấp vào cuối tháng 8 vừa qua.

“Chúng tôi đang tập trung nhân lực, vật lực khẩn trương khắc phục những đoạn sạt lở này. Tuy nhiên, tình hình thời tiết liên tục diễn biến xấu đã gây rất nhiều khó khăn. Ðợt thời tiết diễn biến xấu cuối tháng 9 đã làm phát sinh thêm đoạn sạt lở dài hơn 300m, bên ngoài không còn rừng phòng hộ bảo vệ đê. Những đoạn sạt lở này khi triều cường dâng cao kết hợp với sóng lớn có nguy cơ gây vỡ đê. Do đó, chúng tôi đang làm mọi biện pháp để bảo vệ đê” - ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, thông tin.

Bài ảnh: HIẾU NGHĨA

Chia sẻ bài viết